Xe Việt khó "đấu lại" với xe Thái, Indonesia dù có chính sách hậu thuẫn

(Dân trí) - Nhóm Công tác ô tô xe máy thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thừa nhận, dù Việt Nam thực hiện nhiều chính sách doanh nghiệp ô tô và doanh nghiệp cung cấp linh kiện, nhưng khó có thể cạnh tranh xe nhập từ ASEAN.

Báo cáo chính thức của Nhóm công tác ô tô xe máy được đưa ra trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 một lần nữa quan ngại về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Xe Việt khó đấu lại với xe Thái, Indonesia dù có chính sách hậu thuẫn - 1

Xe sản xuất trong nước khó cạnh tranh với xe nhập không thuế từ Thái Lan, Indonesia do quy mô nhỏ và trình độ phát triển thấp

Đáng nói, đại diện của Nhóm công tác này gồm nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành ô tô như Toyota, Honda, Ford...

Theo báo cáo, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có quy mô thị trường và trình độ phát triển còn ở mức thấp, xe sản xuất trong nước (CKD) khó có thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu (CBU) từ các nước ASEAN.

Nhóm công tác ô tô của VBF khẳng định: "Các chính sách hiện hành đối với ngành công nghiệp hỗ trợ không thể giải quyết được vấn đề có tính hệ thống do quy mô sản lượng nhỏ và thuế nhập khẩu xe CBU về 0% từ năm 2018".

"Năm 2017, Chính phủ có ban hành quy định về một số điều kiện kinh doanh đối với xe nhập khẩu CBU (như Nghị định 116/2017/NĐ-CP…), nhưng chúng không thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của xe CKD trong dài hạn... không có quá nhiều nhà cung cấp có thể được hưởng theo chính sách, ưu đãi", Nhóm công tác ô tô nhấn mạnh.

Lý đo được các chuyên gia nước ngoài  đưa ra là các chính sách, ưu đãi của Chính phủ không thể giải quyết được vấn đề có tính hệ thống do quy mô sản lượng nhỏ và thuế nhập khẩu xe CBU về 0% từ năm 2018, đồng thời, thủ tục đăng ký khá phức tạp.

Nhóm công tác đề xuất Chính phủ nên có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá, nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp.

Hay trực tiếp mời các nhà cung cấp chính tham gia vào các cuộc đối thoại về ngành ô tô và thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các điểm thảo luận rõ ràng, sau đó cần báo cáo Thủ tường thường xuyên hơn để cải thiện tính khả thi của chính sách ban hành.

Đối với các nhà cung cấp, các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 không nên đặt tham vọng “nhảy cóc” lên thành nhà cung cấp cấp 1 trong ngắn hạn mà nên tập trung đáp ứng các yêu cầu về QCD - chất lượng/chi phí/giao hàng.

An Linh