Xe Việt “khó đấu” được xe miễn thuế, siêu xe giá khủng về tay đại gia Sài Gòn
(Dân trí) - Cuối tháng 6/2019, thị trường xe hơi Việt có nhiều chuyển biến về doanh số các dòng xe hơi bán ra. Tuy nhiên, đang chú ý nhất vẫn là việc các doanh nghiệp liên doanh ô tô lắp ráp tại Việt Nam cho biết họ khó có thể cạnh tranh với các dòng xe nhập miễn thuế dù được hưởng lợi chính sách ưu đãi.
Xe Việt “khó đấu” với xe miễn thuế Thái Lan, Indonesia
Nhóm Công tác ô tô xe máy thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thừa nhận, dù Việt Nam thực hiện nhiều chính sách doanh nghiệp ô tô và doanh nghiệp cung cấp linh kiện, nhưng khó có thể cạnh tranh xe nhập từ ASEAN.
Báo cáo chính thức của Nhóm công tác ô tô xe máy được đưa ra trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 một lần nữa quan ngại về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Đáng nói, đại diện của Nhóm công tác này gồm nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành ô tô như Toyota, Honda, Ford...
Theo báo cáo, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có quy mô thị trường và trình độ phát triển còn ở mức thấp, xe sản xuất trong nước (CKD) khó có thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu (CBU) từ các nước ASEAN.
Nhóm công tác ô tô hhẳng định: "Các chính sách hiện hành đối với ngành công nghiệp hỗ trợ không thể giải quyết được vấn đề có tính hệ thống do quy mô sản lượng nhỏ và thuế nhập khẩu xe CBU về 0% từ năm 2018".
"Năm 2017, Chính phủ có ban hành quy định về một số điều kiện kinh doanh đối với xe nhập khẩu CBU (như Nghị định 116/2017/NĐ-CP…), nhưng chúng không thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của xe CKD trong dài hạn... không có quá nhiều nhà cung cấp có thể được hưởng theo chính sách, ưu đãi", Nhóm công tác ô tô nhấn mạnh.
Lý đo được các chuyên gia nước ngoài đưa ra là các chính sách, ưu đãi của Chính phủ không thể giải quyết được vấn đề có tính hệ thống do quy mô sản lượng nhỏ và thuế nhập khẩu xe CBU về 0% từ năm 2018, đồng thời, thủ tục đăng ký khá phức tạp.
Nhóm công tác đề xuất Chính phủ nên có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá, nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp.
Mua xe lướt tránh nóng tháng hè: Lỗ hay không lỗ?
Cái nắng hè đang vào độ cao điểm, nếu phải ra đường vào buổi trưa thậm chí còn cảm thấy khó thở. Vì thế, nhiều người đã nghĩ tới việc đầu tư một chiếc xe cũ để đi lại cho đỡ vất vả, rồi hết hè lại bán.
Xe nhập dạng lướt về về chạy tránh nóng mấy tháng hè có lỗ hay không lỗ?
Ô tô bây giờ cũng không phải là một thứ xa tầm với. Đối với không ít người, nó chỉ là phương tiện đi lại chứ không phải để thể hiện sự giàu sang. Những chiếc xe bình dân cũ để che nắng, che mưa từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cũng có.
Anh Đinh Huy Linh (Gia Lâm, Hà Nội) đang sở hữu một chiếc xe Crown đời cổ, nhưng anh vẫn rất tự hào về chú “ngựa chiến” của mình. Anh Linh cho biết: “Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, ngồi trong chiếc xe cũ thôi cũng mát mẻ và sảng khoái hơn là đi xe máy, dù đó có là SH.”
“Chiếc xe này gia đình tôi mua từ năm 1992, tính đến nay cũng đã 27 năm. Nếu bán thì chưa chắc đã được 100 triệu đồng. Nhưng nó là kỉ niệm của bố tôi, và hơn nữa, ngày hè nóng nực, có chiếc xe đi lại cũng khá thuận tiện, mà vợ con đỡ phải chịu khổ”, anh Linh cho biết thêm.
Thấy được ưu điểm khi có xe trong những ngày hè, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn, liệu rằng khoản đầu tư này lỗ hay lãi, bởi số tiền bỏ ra cũng không hề nhỏ.
Tìm hiểu thêm về xe cũ, PV đã trao đổi với một người chuyên kinh doanh xe lướt có nickname Khương Lee. Anh Khương cho biết: “Thời điểm này đang gần vào tháng 7 âm lịch, nên việc mua bán xe đang khá chững. Giá xe đang tụt so với các thời điểm khác trong năm.”
“Nhiều loại xe tôi nhập vào hiện đã giảm 10 - 20 triệu đồng so với thời điểm cách đây 2 tháng, nên giá bán giá cũng giảm theo. Ngay cả các loại xe bán khá tốt như Mazda hay Kia cũng ghi nhận mức giảm khá sâu”, anh Khương nói.
Thời điểm này đang là lúc thích hợp để nhiều người có thể đầu tư cho mình một chiếc xe lướt. Vì vừa có thể mua xe với giá rẻ mà giá trị sử dụng lại rất cao, khi những ngày nắng nóng của mùa hè sẽ còn kéo dài.
“Sóng” nhẹ trên thị trường ô tô cuối tháng 6
VinFast Fadil chính thức đến tay khách hàng, Honda Brio nhập cuộc cạnh tranh ở phân khúc xe nhỏ, Mazda CX-8 chính thức có mặt tại Việt Nam... đó là một số điểm mới của thị trường ô tô Việt Nam trong nửa cuối tháng 6 này.
Nhiều loại ô tô nhỏ ra mắt trong cuối tháng 6
Trong nửa cuối tháng 6 này, sôi động nhất thị trường ôtô Việt Nam là phân khúc xe đô thị, khi đón nhận cùng lúc hai mẫu xe mới - VinFast Fadil và Honda Brio.
Nếu như mẫu Fadil mang thương hiệu ô tô Việt đã được công bố giá bán từ rất lâu (463,5 triệu đồng), nhưng tại thời điểm xe đến tay người tiêu dùng vào ngày 17/6, giá chỉ còn 394,9 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT). Đây là mức giá phiên bản tiêu chuẩn mà hãng báo cáo với Tổng cục Thuế để làm căn cứ tính phí trước bạ.
Tuy nhiên, khách mua xe có thể bổ sung một loạt các trang bị tuỳ chọn mà không bị tính thêm phí trước bạ cho toàn bộ xe, gồm: đèn pha/chiếu sáng ban ngày dạng LED (8,8 triệu đồng), mâm hợp kim 15" (2,2 triệu đồng), hay gói trang bị tiện nghi như tay lái bọc da và tích hợp phím điều khiển âm thanh (7,7 triệu đồng), điều hoà tự động (8 triệu đồng), hệ thống giải trí bao gồm màn hình giải trí 7 inch tích hợp kết nối điện thoại Apple CarPlay, Android Auto và Bluetooth (13,2 triệu đồng), camera/cảm biến lùi...
Trong nửa cuối tháng 6, Nissan Việt Nam tiếp tực thực hiện ưu đãi đối với mẫu SUV 7 chỗ - Terra V, với mức giảm 28 triệu đồng, mẫu bán tải Navara EL cũng được giảm giá 30 triệu đồng.
Ngoài ra, Nissan còn tặng thêm các thiết bị như đầu DVD, thảm trải sàn, camera hành trình... cho toàn bộ các xe trong danh mục sản phẩm; riêng mẫu bán tải Navara có thêm mức hỗ trợ phí trước bạ từ 20 - 25 triệu đồng.
Trong khi đó, nhà phân phối chính thức Chevrolet tại Việt Nam tiếp tục duy trì các mức ưu đãi đối với mẫu bán tải Colorado (từ 30 - 50 triệu đồng tuỳ phiên bản), giảm từ 50 - 100 triệu đồng đối với mẫu SUV Trailblazer (các mức giảm được so sánh với giá bán công bố).
Siêu xe Lamborghini Urus 21 tỷ màu độc về tay đại gia Sài Gòn
Chiếc siêu SUV Lamborghini Urus thứ 3 tại Việt Nam vừa tìm được chủ nhân là một đại gia ở TPHCM. Xe được bán với giá 21 tỷ đồng.
Cập cảng Hải Phòng hồi đầu tháng 12/2018, chiếc siêu SUV Lamborghini Urus thứ 3 về Việt Nam theo dạng nhập khẩu tư nhân vừa tìm được chủ nhân mới.
Chiếc siêu SUV Lamborghini Urus thứ 3 tại Việt Nam với giá 21 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, anh Sơn Tùng đại diện đơn vị nhập khẩu tư nhân chiếc xe này ở Hà Nội cho biết: "Chiếc siêu SUV Lamborghini Urus màu vàng chanh này từng gây sốt khi về đến Hà Nội. Xe vừa được bán thành công cho một chủ nhân ở Sài Gòn với giá 21 tỷ. Khoảng tuần sau xe sẽ được giao cho chủ mới".
Được biết, trước đó, chiếc xe này từng được bán cho một đại gia Long An vào hồi đầu tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, nhanh chóng sau đó xe đã quay trở lại Hà Nội và được chào bán lại. Theo tiết lộ chủ nhân mới của nó là người có bộ sưu tập siêu xe, xe siêu sang khủng nhất Việt Nam hiện nay.
Lamborghini Urus được ra mắt thế giới lần đầu tiên vào tháng 12/2017, nhưng phải gần một năm sau, xe mới được đưa về Việt Nam. Khác với chiếc thứ 3 này, hai chiếc đầu tiên về nước theo dạng nhập khẩu chính hãng. Trong đó, chiếc đầu tiên thuộc về đại gia Minh ''Nhựa'' và chiếc thứ 2 thuộc sở hữu của một đại gia đất biển Nha Trang.
Ô tô tỉnh lẻ đại hạ giá, tiến về Hà Nội
Nguồn cung nhiều, tồn kho lớn, lại phải chịu sức ép về doanh số khiến các đại lý ô tô tìm mọi cách bán hàng. Nhiều đại lý từ tỉnh lẻ “tiến về Hà Nội” để giành khách với giá rẻ hơn hẳn.
Nhiều đại lý xe tỉnh để xe tại Hà Nội để bán hàng
Anh Lê Hà ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) kể, nghe thông tin chiếc Honda Jazz được giảm giá tới 100 triệu đồng, anh quyết định mua. Nhưng đi hỏi khắp các đại lý tại Hà Nội thì không có nơi nào giảm sâu đến vậy. Nhân viên bán hàng cho biết, giá đó chỉ giảm cho xe sản xuất năm 2018, nhưng đã hết hàng. Với xe sản xuất năm 2019, bản RS giảm được nhiều nhất là 75 triệu đồng tiền mặt, nếu không lấy quà tặng là bộ phụ kiện.
Đang phân vân chưa biết thế nào, anh Hà nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, giới thiệu là nhân viên bán xe của một đại lý Honda ở tỉnh lẻ cách Hà Nội gần 100km. “Không hiểu sao anh này biết số điện thoại của tôi và biết rõ việc tôi tìm mua chiếc Honda Jazz. Anh ta thuyết phục tôi mua xe từ đại lý ở tỉnh, vì có giá giảm nhiều hơn so với tại Hà Nội”, anh Hà cho hay.
Cụ thể, với chiếc Honda Jazz RS sản xuất năm 2019, nếu mua từ đại lý của anh này, được giảm 80 triệu đồng tiền mặt và tặng kèm một bộ phụ kiện trị giá 30 triệu đồng nữa gồm phim dán kính, camera lùi, camera hành trình, bọc da ghế,... Tính ra, mức giảm lên tới 110 triệu đồng, rẻ hơn hẳn so với mua tại Hà Nội.
Về tận nơi ký hợp đồng và đặt cọc, anh Hà hoàn toàn yên tâm chờ tuần tới xuống nhận xe.
Nguồn cung nhiều, tồn kho lớn, phải chịu sức ép về doanh số khiến các đại lý ô tô từ các tỉnh lẻ đang “tiến về Hà Nội” để giành khách. Một nhân viên bán hàng của đại lý ô tô chính hãng ở Thanh Hóa cho biết, tại miền Bắc thì Hà Nội và Hải Phòng là nơi có thị trường tô lớn, còn miền Trung có Nghệ An.
“Chúng tôi sẵn sàng bán xe về những nơi này nếu tìm được người mua. Khách hàng có thể về Thanh Hóa ký hợp đồng, thanh toán và nhận xe, nếu thấy phiền phức chúng tôi sẵn sàng phục vụ tận nơi, mang hợp đồng ra cho khách ký, nhận tiền và giao tận nhà”, nhân viên này chào mời.
Không chỉ Thanh Hóa, những đại lý ô tô chính hãng ở miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La,... cũng đang “tiến về Hà Nội”. Do đường xá xa xôi, có đại lý còn hỗ trợ cả chi phí đi lại cho khách; nếu khách muốn đến tận nơi ký hợp đồng, đại lý sẽ vận chuyển xe về Hà Nội miễn phí.
An Linh
(Tổng hợp)