Xe nhập về ồ ạt né "tháng cô hồn", dân lại găm tiền chờ siêu khuyến mại

An Linh

(Dân trí) - Dù cả xe nhập và xe lắp ráp gia tăng về sản lượng, doanh số bán xe trong hai tháng 7 và 8 có thể suy giảm do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tâm lý kiêng cữ "tháng cô hồn".

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, lượng xe nguyên chiếc nhập về đạt hơn 17.000 chiếc, tăng hơn 1.700 chiếc so với tháng trước. Tháng 7 cũng là tháng có lượng xe nhập về cao nhất năm nay. 

Tổng lượng xe nhập về Việt Nam hiện đạt khoảng 98.000 chiếc. Trong đó, khoảng 70.000 chiếc là xe dưới 9 chỗ ngồi. Lượng xe con cũng đạt gần 11.000 chiếc.

Tính chung 7 tháng, tổng lượng xe nhập về trong tăng hơn 116% so với cùng kỳ năm trước, ước tăng khoảng 53.000 chiếc, trong đó xe con tăng hơn 36.000 chiếc.

Xe nhập về ồ ạt né tháng cô hồn, dân lại găm tiền chờ siêu khuyến mại - 1

Lượng xe nhập đổ bộ vào Việt Nam nhiều nhất trong thời gian qua nhằm né "tháng cô hồn" - tháng 7 âm lịch để đủ lượng hàng cho đợt siêu khuyến mại dự kiến diễn ra trong tháng 9 (Ảnh xe nhập về TPHCM, TCHQ).

Ngoài lượng xe nhập tăng ồ ạt, trong những tháng vừa qua, xe lắp ráp trong nước cũng có mức tăng nhanh. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết tháng 6, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra tăng hơn 29%, trong khi đó xe nhập tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 7, theo thông tin ban đầu của một số hãng xe như Hyundai Thành Công, Thaco Trường Hải hay một số hãng xe liên doanh, doanh số bán ra có suy giảm nhưng không quá nặng nề trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp nhất, biến chủng Covid-19 lan rộng tại trung tâm kinh tế TPHCM và Hà Nội làm gián đoạn hầu hết chuỗi bán hàng của các đại lý xe hơi.

Hiện nay, hầu hết đại lý xe hơi đều phải đóng cửa kinh doanh, tại TPHCM là ngày 9/7 cho đến nay. Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội 15 ngày, bắt đầu từ ngày 24/7. Hà Nội và TPHCM là hai trung tâm kinh tế, nơi tiêu thụ gần 50% lượng xe mới trên thị trường. Do đó, việc giãn cách xã hội đã và đang ảnh hưởng lớn đến doanh số bán hàng của rất nhiều hãng xe, doanh nghiệp xe hơi khác nhau.

Bên cạnh đó, chỉ còn vài ngày nữa là đến tháng 7 âm lịch, dân gian quen gọi là tháng Ngâu, "tháng cô hồn". Dù không có cơ sở, tâm lý của không ít người là kiêng bỏ tiền mua sắm nhà cửa, xe hơi và những đồ đạc có giá trị trong tháng này. Dự báo, tâm lý kiêng cữ mua xe hơi sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh số bán xe của các hãng trên thị trường.

Nhiều đại lý tại Hà Nội dừng khuyến mại trong tháng diễn ra giãn cách xã hội. Thậm chí, trong thời gian tháng 7 âm lịch (trùng ngày 8/8) mọi chiến dịch giảm giá, khuyến mại lớn có thể sẽ bị hủy bỏ chờ sang tháng 9 dương lịch. 

Ông Phạm Huy Minh, chủ tổng đại lý một hãng xe nhập tại Hà Nội, cho biết, năm nay, thị trường vừa hồi phục lại bị bồi thêm đợt dịch mới. Diễn biến này khiến chính sách khuyến mại, giảm giá phải thay đổi hoàn toàn.

"Chúng tôi đang cân nhắc tình hình, có thể đẩy mạnh khuyến mại trong tháng 9 để thúc doanh số quý 4", ông Minh nói. 

Xe nhập về ồ ạt né tháng cô hồn, dân lại găm tiền chờ siêu khuyến mại - 2

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phá vỡ kế hoạch kinh doanh, khuyến mại của hàng loạt doanh nghiệp ô tô. Các kế hoạch bán xe đều bị dừng chờ tháng 8 hoặc tháng 9 dự kiến sẽ có đợt bùng nổ khuyến mại mới (Ảnh minh họa: Vietnamnet).

Thực tế, trong quý I và quý II, lượng xe bán ra tại Việt Nam rất ấn tượng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước dù không có gói hỗ trợ nào. Tuy nhiên, từ tháng 5, tình hình dịch bệnh lan từ Bắc Giang, Bắc Ninh rồi bùng phát tại TPHCM trong tháng 6 và diễn biến phức tạp ở Hà Nội trong tháng 7 đã khiến nhiều các đại lý bán lẻ xe hơi đóng cửa, ảnh hưởng lớn đến doanh số.

Ông Vũ Văn Hưng, trưởng đại lý bán hàng cho Hyundai Thành Công tại Hà Nội, cho biết, doanh số bán theo năm của nhân viên kinh doanh tại Hà Nội hiện đều không đạt do thị  trường mới hồi phục lại gặp ngay thời gian giãn cách. Thêm một tháng cô hồn nữa, có thể làm trầm trọng thêm doanh số của các hãng hiện nay.

"Nếu trong tháng 8, dịch bệnh được kiểm soát, dù tháng cô hồn đi nữa nếu thúc đẩy được doanh số thì các hãng vẫn sẽ khuyến mại, giảm giá. Điều này đã được minh chứng các năm trước là tiêu thụ xe vẫn tăng dù tháng 7 âm lịch", ông Hưng nói. 

Tuy nhiên, những người kinh doanh vẫn chú trọng vào tập quán và thị hiếu người tiêu dùng để tung các gói khuyến mại làm sao hiệu quả nhất vào tháng 9 hoặc tháng 10 để lấy doanh số cao.

"Có thể tháng 7 âm lịch vẫn có khuyến mại lẻ tẻ của các hãng, các mẫu. Tuy nhiên, làn sóng khuyến mại, giảm giá sẽ đẩy mạnh vào tháng 9 dương lịch trở đi. Nếu điều kiện cho phép, các hãng xe tăng cường cạnh tranh doanh số bằng khuyến mại, giảm giá trong thời gian này. Và thực tế, người dân cũng có tâm lý đợi tháng 9 dương mới mua xe'', ông Hưng phân tích.