1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xe giá rẻ ở Việt Nam - “bánh ngon” không cho tất cả

Xe giá rẻ vẫn đang là một sân chơi rộng mở dành cho các hãng ô tô có mặt tại Việt Nam. Nhưng việc cạnh tranh để giành được “miếng bánh” lớn lại không hề dễ dàng.

Xe giá rẻ ở Việt Nam - “bánh ngon” không cho tất cả - 1

Tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam còn rất lớn nhờ tỷ lệ sở hữu ô tô thấp.

 

Ngày càng chật chội

Ngoại trừ cái tên Chevrolet Spark đã rút lui và chưa hẹn ngày tái ngộ, phân khúc xe cỡ A - nhóm ô tô sở hữu khoảng giá bán lẻ thấp nhất thị trường vẫn còn đủ mặt “anh tài”. 

Trong đó có thể kể đến Grand i10, Morning, hai mẫu xe luôn dẫn đầu phân khúc và thường trực trong nhóm 10 ô tô bán chạy nhất thị trường.

Đáng chú ý là trước khi Grand i10 và Morning xuất hiện, Daewoo Matiz (và sau này đổi thành Chevrolet Spark) chính là mẫu xe nắm vai trò khai mở “mỏ vàng” gần như vô tận ở thị trường ô tô Việt Nam.

Chính sức hút của phân khúc xe cỡ A đang khiến cho mảnh đất này dù rộng lớn song vẫn ngày càng trở nên chật chội.

Các thương hiệu ô tô Nhật Bản vốn dĩ bảo thủ và thờ ơ với các phân khúc xe nhỏ và giá thấp. Tuy nhiên, những thành công mà Hyundai, Kia, Chevrolet thu về đã thúc đẩy lần lượt cả Toyota, Honda lẫn Suzuki gia nhập thị trường.

Xe giá rẻ ở Việt Nam - “bánh ngon” không cho tất cả - 2

Hyundai Grand i10 luôn nằm trong nhóm xe bán chạy nhất thị trường nhờ giá thấp, nhiều tính năng.

 

Toyota đã chính thức đem về mẫu xe Wigo vào năm 2018. Thời gian đầu ra mắt, Wigo đã tạo nên một cơn sốt nhỏ trên thị trường. Có thời điểm, dù danh mục phiên bản khá nghèo nàn song doanh số Wigo vẫn bám sát các đối thủ Hyundai Grand i10 và Kia Morning.

Suzuki thậm chí còn gia nhập sớm hơn với cái tên Celerio. Sắp tới, một hãng xe Nhật Bản nữa là Honda cũng sẽ chính thức lao vào cuộc đua với cái tên mang nhiều kỳ vọng Brio.

Đường rộng nhưng khó đua

Theo thống kê, hiện tại tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam vẫn chỉ vào khoảng 20 xe/1.000 dân, thấp hơn rất nhiều so với ngay các nước trong khu vực.

Chẳng hạn như từ năm 2016, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Thái Lan cũng đã đạt 196 xe/1.000 dân, Malaysia 341 xe/1.000 dân. Thậm chí Indonesia là thị trường xe máy lớn thứ 3 thế giới cũng đạt tỷ lệ sở hữu 55 ô tô/1.000 dân. Cùng thời điểm này, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam là 16 xe/1.000 dân.

Các con số nêu trên cho thấy tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là các loại ô tô cỡ nhỏ và có giá thấp.

Xe giá rẻ ở Việt Nam - “bánh ngon” không cho tất cả - 3

Có giá bán thấp song doanh số của Suzuki Celerio vẫn rất èo uột.

 

Xe giá thấp luôn là lựa chọn hàng đầu của nhóm người tiêu dùng mua xe lần đầu và các gia đình nhỏ. Bởi vậy, đây sẽ còn là mảnh đất màu mỡ để các hãng ô tô khai thác trong nhiều năm nữa.

Chính bởi sức hấp dẫn của nhóm xe giá thấp nên ngay cả các hãng xe bảo thủ nhất như Toyota hay Honda cũng đã gia nhập thị trường như Wigo và Brio.

Trên thực tế, ô tô giá thấp không chỉ khu biệt ở phân khúc xe cỡ A, nhóm xe có kích cỡ nhỏ nhất của ngành công nghiệp ô tô thế giới mà còn mở rộng lên các phân khúc lớn hơn đôi chút.

Ngay ở phân khúc xe cỡ B cũng có sự phân biệt dù chưa hoàn toàn rõ ràng giữa các mẫu xe giá thấp và phổ thông. Nhằm tăng sức cạnh tranh, một số hãng xe đã định vị sản phẩm của mình thấp hơn đối thủ thông qua giá bán lẻ.

Đơn cử có thể kể đến Suzuki với mẫu xe Ciaz tại phân khúc sedan cỡ B; Toyota với Rush, Mitsubishi với Xpander hay Suzuki với Ertiga ở phân khúc MPV/SUV 7 chỗ cỡ nhỏ…

Rõ ràng các loại ô tô giá thấp vẫn luôn mang nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, con đường để có thể cạnh tranh và gặt hái thành công thì lại nhiều chông gai.

Rẻ nhưng phải… “bổ”

Thực tế thị trường ô tô Việt Nam cũng đã chỉ rõ con đường cạnh tranh ô tô giá thấp không nhiều hoa hồng. Hàng loạt các hãng xe gia nhập các phân khúc xe giá thấp nhưng số hãng xe và mẫu xe đạt được thành công lại không nhiều.

Ngay ở phân khúc xe cỡ A, nhiều mẫu xe gia nhập thị trường nhưng cuối cùng, dù có giá bán thậm chí thấp hơn đối thủ song doanh số vẫn rất èo uột.

Xe giá rẻ ở Việt Nam - “bánh ngon” không cho tất cả - 4

Dù được kỳ vọng rất nhiều song mẫu xe cỡ nhỏ Honda Jazz lại đang rơi vào cảnh ế ẩm.

 

Khi ra mắt thị trường vào tháng 8/2017, Suzuki Celerio sở hữu giá bán lẻ gần như thấp nhất đối thủ. Thế nhưng, sau chưa đầy một năm, Celerio gần như mất hút. Mức sản lượng mà mẫu xe này đạt được hằng tháng rất ít ỏi.

Thậm chí “tân binh” Toyota Wigo mới gia nhập thị trường hồi giữa năm ngoái cũng không thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ. Lợi thế của Wigo là thương hiệu, là niềm tin vào độ bền và tính kinh tế. Thế nhưng, sau thời gian ngắn tạo nên cơn sốt nhẹ, doanh số Wigo cũng đã bắt đầu giảm dần.

Khi mang Jazz về Việt Nam, Honda cũng đã đặt rất nhiều kỳ vọng. Nhưng rồi sau vài tháng, Jazz rơi sâu vào cảnh ế ẩm và thậm chí đã có thông tin Honda Việt Nam đang tính “bài chuồn” cho mẫu xe giá thấp này.

Dạo một vòng thị trường có thể thấy, trong một loạt các mẫu xe giá thấp thì số mẫu xe rơi vào cảnh èo uột là khá nhiều. Đổi lại, những thành công về doanh số lại chỉ dồn vào một số rất ít các mẫu xe như Hyundai Grand i10 và Kia Morning ở phân khúc cỡ A, Toyota Vios và Hyundai Accent ở phân khúc cỡ B…

Vậy điều gì tạo nên khác biệt?

Ngoài yếu tố giá, điều người tiêu dùng ô tô Việt Nam trông đợi là những mẫu xe giá thấp phải có độ bền và tính kinh tế cao.

Đồng thời, một yếu tố vô hình nhưng cũng rất quan trọng nữa là giá trị bán lại lớn. Đây là một “điểm tựa” vững chắc để người tiêu dùng lựa chọn bởi khi mua xe giá thấp, đa số người tiêu dùng đều dự phòng phương án bán lại để… lên đời. 

Theo An Nhi
Dân Việt

bannerchan-bai.gif

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm