1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xe công dư thừa, lãng phí lớn, Bộ Tài chính lên phương án xử lý

(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, sau các đợt rà soát, kiểm tra lượng xe công năm 2017, sau chính sách "khoán" xe công, hiện nay, lượng xe công dư thừa khá lớn. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã phải lên phương án xử ký lượng xe này.


Sẽ có hàng ngàn chiếc xe công phải thanh lý, sắp xếp lại trong thời gian tới (Ảnh minh họa)

Sẽ có hàng ngàn chiếc xe công phải thanh lý, sắp xếp lại trong thời gian tới (Ảnh minh họa)

Theo các thông tin đã được công bố trong năm 2017, số lượng xe công dư thừa sẽ lên tới hàng ngàn chiếc. Riêng số xe phục vụ chung, theo Bộ Tài chính, sẽ giảm từ hơn 17.000 xe hiện nay xuống còn khoảng hơn 8.000 xe. Như vậy, sẽ có khoảng hơn 8.000 ô tô công được đưa ra bán, xử lý, cộng với khoảng hơn 1.000 xe cần thanh lý trong quá trình rà soát vừa qua.

Với chi phí đầu tư cho việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay khoảng 320 triệu đồng/năm thì số tiền lãng phí là khá lớn

Do đó, Bộ Tài chính đã sớm lên phương án xử lý số xe công dư thừa này.

Theo một văn bản mới nhất của Bộ Tài chính gửi các bộ ngành, tỉnh thành phố liên quan thông báo phương án xử lý đối với các loại xe công bị dôi thừa sau khi sắp xếp, bố trí lại, Bộ này đã đưa ra một số phương án khá chi tiết.

Cụ thể, đối với các xe đủ điều kiện thanh lý, Bộ Tài chính hướng dẫn: Sẽ tiến hành bán đấu giá công khai chứ không áp dụng hình thức bán chỉ định. Đối với các loại xe được chuyển hình thức xử dụng từ xe dùng chung sang xe chuyên dùng cần tuân thủ theo quy định về tiêu chuẩn, định mức đã được các cấp thẩm quyền ban hành theo quy định.

Cũng theo văn bản hướng dẫn (số 17865) của Bộ Tài chính, trong trường hợp các bộ ngành, địa phương có nhu cầu điều chuyển xe công từ nơi thừa sang nơi thiếu cần tính toán thận trọng trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức được phân bổ, nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng tài sản Nhà nước theo quy định.

Đối với trường hợp, xe chưa đủ điều kiện thanh lý nhưng không đủ điều kiện chuyển từ xe chung sang xe chuyên dùng hoặc thời điểm xử lý không được cơ quan, tổ chức đơn vị đề nghị tiếp nhận… thì có thể được đem bán. Tuy nhiên, việc bán cần được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai, không chấp nhận hình thức chỉ định; đồng thời số tiền thu được từ việc bán xe công dư thừa cần được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Tài chính, việc tổ chức bán đấu giá xe công theo hình thức bán, đấu giá, thanh lý… cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật đấu giá tài sản, đồng thời các tổ chức, đơn vị tiếp nhận tài sản điều chuyển cần có trách nhiệm báo cáo, kê khai đăng nhập những biến động về tài sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết.

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy tính đến ngày 31/12/2016, cả nước có 37.286 xe công với tổng nguyên giá hơn 23.986 tỷ đồng (chiếm 2,3% tổng giá trị tài sản nhà nước). Trong đó, chủ yếu là xe phục vụ công tác chung (21.114 chiếc); xe phục vụ chức danh là 860 chiếc.

Tính riêng năm 2016, cả nước mua mới và tiếp nhận 2.166 xe công với tổng nguyên giá hơn 2.015 tỷ đồng. Trong đó có 1.002 chiếc tăng do việc tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mua mới là 1.164 xe. Số xe công giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 2.085 chiếc với tổng nguyên giá hơn 1.094 tỷ đồng.

H.Anh

Xe công dư thừa, lãng phí lớn, Bộ Tài chính lên phương án xử lý - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm