Hà Nội:
Xe buýt "đắp chiếu", doanh nghiệp đóng cửa, Covid-19 bủa vây người lao động
(Dân trí) - Covid-19 khiến doanh nghiệp vận tải bị đình trệ. Tại Hà Nội, hàng trăm chiếc xe buýt vốn thuộc nhóm vận tải công cộng phải nằm "đắp chiếu" tại các bến bãi, hàng nghìn người lao động mất việc.
Hà Nội hiện có 118 tuyến xe buýt vận chuyển hành khách công cộng trợ giá. Mỗi tháng toàn mạng vận chuyển khoảng 26 triệu lượt hành khách, trong đó Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chiếm 80% thị phần hoạt động.
Tuy nhiên từ đầu năm nay, dịch Covid-19 liên tục bùng phát, cắt giảm 50% công suất hoạt động. Từ ngày 24/7, toàn bộ xe buýt Hà Nội phải dừng mọi hoạt động. Do không có nguồn thu khi xe buýt dừng hoạt động, đơn vị đã buộc phải ký tạm hoãn hợp đồng lao động đối với tất cả người lao động có liên quan đến hoạt động buýt.
Các đợt vận chuyển người đi cách ly hoặc hết cách ly về địa phương thời gian qua TP Hà Nội huy động hàng trăm lượt xe buýt, đưa đón hơn 3.600 công dân di chuyển an toàn.
Diễn biến dịch phức tạp, Hà Nội tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động cũng phải tạm dừng. Trong số 7.780 lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc đang phải nghỉ không lương thì có khoảng 5.000 lái xe và phụ xe buýt.
Mới đây, Transerco đã có văn bản gửi Sở, Phòng Lao động - Thương binh xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đề nghị quan tâm, tạo điều kiện tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động.
Ngoài vận tải khách công cộng, các doanh nghiệp vận tải nói chung tại Hà Nội cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Sau lệnh dừng hoạt động vận tải hành khách từ Hà Nội đến 37 tỉnh thành, từ ngày giữa tháng 7 hiện nay tại các bến xe lớn ở Thủ đô như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm phải đóng cửa, không khai thác vận chuyển hành khách.
Đại diện Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các bến xe khai thác công suất tối đa trên các luồng tuyến. Các tuyến trọng điểm đường dài được xem kinh doanh hiệu quả nhất, mang lại doanh thu cao nhất.
"Trước dịch, mỗi ngày có tới gần 2.500 lượt chuyến xe khai thác tại 3 bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm. Đến khi dịch bùng phát, thời điểm trước ngày 23/7, lượng xe khai thác chỉ đạt 50%. Hiện nay, tất cả các bến xe phải đóng cửa. Tình hình của các doanh nghiệp vận tải hiện rất bi đát" - vị đại diện nói.
Với tình hình nói trên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT) có văn bản gửi UBND thành phố đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
Sở GTVT kiến nghị thành phố chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu, sản lượng doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm nay do nguyên nhân bất khả kháng. Cùng đó, hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt để nâng cao chất lượng phục vụ.
Cùng đó, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.
Đơn vị này cũng đề nghị Cục thuế TP Hà Nội và các đơn vị liên quan giảm thuế hoặc giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải; có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phục vụ phòng chống dịch cho các đơn vị vận tải; Giảm giá dịch vụ cho xe ra vào bến và các khoản dịch vụ khác cho đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động ở bến xe.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó thống nhất chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm nay do nguyên nhân bất khả kháng, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải (GTVT).
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất Ngân hàng Nhà nước, Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ khó khăn liên quan đến chính sách lãi vay tại các tổ chức tín dụng; phí bảo trì đường bộ; thời hạn lắp đặt camera trên phương tiện vận tải hành khách công cộng để báo cáo thành phố trong tháng 8.