Xây dựng Hòa Bình: Doanh thu tăng khá nhưng chi phí tăng khiến lợi nhuận giảm
(Dân trí) - Một trong các nguyên nhân khiến lợi nhuận HBC đi xuống là do một số công trình phải tạm ngưng thi công; trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh (đặc biệt là thép tăng 25%)...
Lợi nhuận giảm vì đâu?
Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán quý II/2018.
Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 của HBC đạt 8.079,8 tỷ đồng; tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng cao hơn mức tăng của doanh thu nên biên lợi nhuận của công ty sụt giảm, lợi nhuận gộp đạt 777,6 tỷ đồng; tăng có hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của HBC đạt 297,5 tỷ đồng. Mặc dù có tăng nhẹ sau soát xét song vẫn giảm tới 27% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2018, HBC đặt chỉ tiêu doanh thu 20.680 tỷ đồng và lãi 1.068 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 30% và 24% so với kết quả năm 2017. Nếu đạt được kết quả này thì đây sẽ là một kỷ lục mới đối với HBC kể từ khi thành lập. Tuy nhiên, với kết quả nửa chặng đường năm 2018 thì để thực hiện được lời hứa với cổ đông sẽ là một hành trình đầy gian khó với HBC.
Theo giải thích của ông Lê Viết Hải – Tổng giám đốc HBC, nguyên nhân khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm (đã soát xét) sụt giảm chủ yếu do năm 2018, giá nguyên liệu đầu vào tăng (đặc biệt là thép tăng 25%), chi phí nhân công tăng (chi phí bảo hiểm xã hội tăng do việc áp dụng chính sách bảo hiểm mới).
Bên cạnh đó, một số công trình phải tạm ngưng thi công do các nguyên nhân từ chủ đầu tư. Chính vì vậy, lợi nhuận gộp năm 2018 giảm so với năm 2017.
Cũng trong năm 2018, hiệu quả kinh doanh của các công ty liên doanh liên kết giảm so với năm 2017 nên lãi trong công ty liên doanh liên kết giảm.
Một nguyên nhân khác cũng cần được đề cập tới, đó là do tổng giá trị hợp đồng cao (6 tháng đầu năm 2018 là 16,5 nghìn tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 7,6 nghìn tỷ đồng). Do đó, dư nợ vay 6 tháng đầu năm 2018 tăng cao dẫn đến chi phí tài chính tăng, tiền gởi tiết kiệm giảm khiến doanh thu tài chính giảm.
Tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tài sản của Hoà Bình ở mức 14.030 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với BCTC tự lập trước đó. Mặc dù có tăng so với con số 13.998,4 tỷ đồng hồi đầu năm 2018 song không đáng kể.
Chiếm chủ yếu trong cơ cấu tổng tài sản HBC vẫn là tài sản ngắn hạn với 11.722,5 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm gần 400 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng hơn 127,4 tỷ đồng so với đầu năm…
Áp lực với khoản nợ phải trả lớn
Nợ phải trả của HBC sau soát xét đạt gần 11.405 tỷ đồng, giảm 126 tỷ đồng so với con số đầu năm. Tuy nhiên tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản vẫn khá cao, gần 82%.
Một trong những đặc điểm chung của nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực thầu xây dựng là các khoản phải thu ngắn hạn rất lớn. Đây sẽ là gánh nặng tài chính đối với công ty khi rơi vào tình trạng chậm thu hồi công nợ.
Tính đến ngày 30/6/2018, các khoản phải thu ngắn hạn của Hoà Bình đã lên tới 9.697 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý, khoản mục người mua trả tiền trước là 1.289 tỷ đồng, đã giảm gần 150 tỷ đồng so với đầu năm trong khi vay nợ ngắn hạn lại tăng hơn 310 tỷ đồng so với đầu năm.
Nguyên nhân có thể đến từ việc một số công trình phải tạm ngưng thi công do phía chủ đầu tư như giải thích của lãnh đạo HBC nêu trên.
Tại ĐHĐCĐ 2018, ban lãnh đạo HBC cũng thừa nhận các chỉ số tài chính của HBC không đẹp, chẳng hạn nợ phải thu trên vốn, nợ vay, phải thu trên doanh thu mặc dù mặc dù về kết quả thì Tập đoàn làm ra rất hiệu quả từ đồng vốn ít ỏi.
Năm 2018, doanh nghiệp này cũng khẳng định sẽ bán bớt một số dự án bất động sản để thu tiền về, qua đó giúp cải thiện dòng tiền cho công ty. HBC ước tính sẽ thu về khoảng hơn 300 tỷ đồng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng các tài sản là bất động sản gồm 3 dự án Long Thới, Phước Lộc Thọ, dự án tại Quận 4 (TPHCM).
Nguyễn Khánh