Xây dựng hệ thống thủy lợi- trở thành nguồn nước ngọt trung tâm TP Hải Phòng
(Dân trí) - Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đa Độ quyết tâm xây dựng hệ thống thủy lợi từng bước hiện đại hóa, trở thành nguồn nước ngọt trung tâm phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP Hải Phòng.
Luôn đảm bảo chất lượng nguồn nước
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự sống trên trái đất khiến tình hình mưa lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn... diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và dân sinh. Cùng với đó, các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đô thị hóa, công nghiệp hóa đã tạo sức ép lớn lên công tác thủy lợi, đòi hỏi phải đổi mới căn bản, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của hệ thống công trình thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ là doanh nghiệp Nhà nước hạng I. Công ty được TP Hải Phòng giao quản lý, khai thác vận hành hệ thống thủy lợi Đa Độ trải dài 5 đơn vị hành chính: huyện An Lão, Kiến Thụy, quận Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn đảm bảo cấp, tiêu nước phục vụ phát triển nông nghiệp với tổng diện tích trên 32.000ha/năm; cấp nguồn nước sạch cho nhà máy nước thành phố và phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Trước tình hình diễn biến khí hậu thời tiết phức tạp và cực đoan, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn thường trực đe dọa đến trữ lượng và chất lượng nguồn nước ngọt trên hệ thống thủy lợi Đa Độ. Các công trình thủy lợi trên hệ thống phân tán, hầu hết được đầu tư xây dựng từ những năm 1970-1980, đến nay đã trong tình trạng xuống cấp gây khó khăn trong công tác quản lý, ảnh hưởng đến khả năng điều tiết nước, phòng chống lụt bão, an toàn quản lý vận hành. Đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của công ty…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, công ty vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, thực hiện mục tiêu "Tăng cường quản lý công trình, bảo vệ chất lượng nguồn nước" ngay từ đầu năm 2010, công ty triển khai thực hiện các Quyết định của UBND thành phố, lập hồ sơ quản lý từng công trình (mặt bằng quản lý, quy trình vận hành toàn hệ thống và từng công trình, nội quy, quy chế làm việc) để quản lý các công trình một cách khoa học tổng thể. Các công trình đã có hồ sơ quản lý được giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ công nhân lao động.
Công ty thành lập 2 Đội quản lý sông trục Đa Độ, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ: quản lý, giải tỏa, chống lấn chiếm vi phạm công trình; bảo vệ chất lượng nguồn nước; chủ động mở các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật và chuyên môn cho các cán bộ công nhân lao động, để người lao động nắm chắc kiến thức, thực hiện tốt công tác quản lý; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý vi phạm xả thải, lấn chiếm công trình, cấp phép xả thải vào hệ thống.
Đến năm 2019, công ty đã xây dựng số hóa bản đồ quản lý các công trình thủy lợi toàn hệ thống bằng khoa học công nghệ.
Trong 10 năm, Đảng bộ công ty luôn được Huyện ủy An Lão đánh giá cao, công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; đặc biệt 05 năm liền (2016-2020) được công nhận "Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Công ty được UBND TP Hải Phòng 03 lần tặng Cờ Thi đua xuất sắc các năm 2012, 2014, 2017 cho đơn vị dẫn đầu Khối thi đua; tặng Bằng khen các năm 2019, 2020 cho Tập thể Lao động xuất sắc.
Công ty cũng đã chủ động xây dựng đề án "Tăng cường quản lý công trình, bảo vệ nguồn nước ngọt sông Đa Độ" phù hợp với định hướng và chỉ đạo của Thành phố. Trong 10 năm qua, công ty đã giải tỏa được 102,8 ha/145 ha diện tích ao đầm, trang trại trong lòng sông; mở rộng lòng sông nhiều đoạn trung bình từ 50-60m lên thành 90-130m đảm bảo mặt cắt ngang sông theo quy hoạch của Thành phố. Gần 2.000 m2 nhà cửa, vật kiến trúc và khoảng 300.000 cây cối trên mặt bờ và trong lòng sông được giải tỏa. Tổ chức cắm mốc trên 1.500 mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước sông Đa Độ và một số tuyến kênh cấp 1.
Ngoài ra, công ty cũng chủ động đắp củng cố được 65/98 km bờ Đa Độ tại các đoạn xuống cấp, xung yếu, gần khu vực nguồn nước ô nhiễm; nâng cao trình bờ sông, ngăn chặn xả thải, tăng khả năng trữ nước, điều tiết vận hành hệ thống. Công ty cũng cải tạo, nâng cấp được 40/110 cống điều tiết bờ Đa Độ qua các khu vực Kiến An, An Lão, Kiến Thụy đảm bảo ngăn chặn hiệu quả nước thải từ các khu vực làng nghề, khu dân cư, bệnh viện, khu công nghiệp xả thải tự do vào sông Đa Độ.
Quyết tâm xây dựng hệ thống thủy lợi hiện đại hóa, trở thành nguồn nước ngọt trung tâm
Xác định vai trò của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý khai thác công trình, công ty đã phối hợp với chuyên gia đầu ngành nghiên cứu đề tài khoa học "Cân bằng nước hệ thống thủy lợi Đa Độ đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Đề tài được bảo vệ thành công luận án tiến sỹ khoa học tại Australia năm 2018. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho công ty phục vụ công tác quy hoạch, lập dự án và ứng dụng nghiên cứu khoa học.
Hội đồng Khoa học công ty nghiên cứu, ứng dụng thành công đề tài "Ứng dụng thiết bị năng lượng mặt trời, vận hành từ xa cống thủy lợi". Đề tài đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP Hải Phòng cấp giấy chứng nhận năm 2020 và được lắp đặt thí điểm tại 3 cống trên hệ thống.
Công ty chủ động lắp đặt 11 điểm quan trắc mực nước tự động, 04 điểm quan trắc mặn tự động, 04 điểm đo mưa tự động, số hóa bản đồ hệ thống, bản đồ xả thải, bản đồ phân vùng, ứng dụng google maps trong quản lý công trình…để tiến tới xây dựng phòng điều hành hệ thống tự động trước năm 2025.
Trong 10 năm tới (2021-2030), công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ đặt mục tiêu "Xây dựng hệ thống thủy lợi Đa Độ dần hiện đại hóa, trở thành nguồn nước ngọt trung tâm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chọn, Chủ tịch công ty cho biết, trong suốt 10 năm qua kể từ khi nhận nhiệm vụ người đứng đầu doanh nghiệp, bản thân cùng tập thể lãnh đạo công ty luôn nỗ lực bảo vệ nguồn nước ngọt sông Đa Độ.
"Mặc dù, công ty gặp không ít khó khăn trong việc triển khai, áp dụng các cơ chế chính sách của Nhà nước. Giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi hiện nay đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hoạt động tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đáng báo động, nước thải chưa qua xử lý từ khu dân cư đô thị, làng nghề, khu công nghiệp, bệnh viện, trung tâm y tế đang trực tiếp xả vào các kênh cấp 1 thuộc hệ thống thủy lợi Đa Độ, hiện nay chưa có biện pháp xử lý triệt để… Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo của thành phố, các Sở ngành, sự phối hợp của các địa phương và sự nỗ lực, chủ động tích cực của cán bộ, công nhân lao động công ty đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Thành phố và ngành giao trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh kinh tế." - Chủ tịch Chọn chia sẻ.
Để tiếp tục bảo vệ nguồn nước ngọt quý giá của sông Đa Độ, theo Chủ tịch Nguyễn Văn Chọn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ban, ngành chức năng, chính quyền các địa phương và sự chung tay của cộng đồng. Đặc biệt, UBND thành phố, các cấp ngành chức năng sớm phê duyệt Định mức Kinh tế - kỹ thuật; Giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi; Quy trình vận hành hệ thống; Phương án cắm mốc chỉ giới công trình…