1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xây dựng bảng giá đất: Khó như hái sao trên trời

Theo ông Bùi Ngọc Tuân - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để xây dựng bảng giá đất rất tốn kém, nhưng chỉ sử dụng một năm.

Ngày 13/8, tại TPHCM, Tổng cục Đất đai - Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức hội thảo một số vấn đề về đất đai với sự tham dự của sở tài nguyên - môi trường các tỉnh phía nam.

 

Trong khuôn khổ hội thảo, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là bảng giá đất và các bất cập liên quan đến bảng giá đất. Tuy nhiên, kết thúc hội thảo mà vẫn chưa tìm được hướng tiếp cận nào khả quan cho câu chuyện bảng giá đất vốn có quá nhiều bất cập và mâu thuẫn.
 
Xây dựng bảng giá đất: Khó như hái sao trên trời
Một góc khu dân cư An Sương, quận 12. Dự án triển khai hơn 10 năm, nhưng đến nay vẫn chưa bồi thường xong do giá bồi thường quá thấp. Ảnh: Quỳnh Mai

 

Quá nhiều bất cập

 

Bất cập lớn nhất hiện nay trong bồi thường là hai người có đất giống nhau nhưng khi bồi thường chưa chắc sẽ nhận được số tiền bồi thường thiệt hại giống nhau. Bất cập này xuất phát chủ yếu từ bảng giá đất.

 

Theo ông Bùi Ngọc Tuân - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để xây dựng bảng giá đất rất tốn kém, nhưng chỉ sử dụng một năm.

 

Trong khi đó, nhiều địa phương có những loại đất giá hầu như không thay đổi trong thời gian dài. Sắp tới, bảng giá đất sẽ được xây dựng để sử dụng trong 5 năm. Cũng theo ông Tuân, một bảng giá đất minh bạch sẽ giúp thị trường BĐS phát triển ổn định. Hiện đã có nghị định hướng dẫn định giá đất. Điều quan trọng là các phương pháp phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Tại Việt Nam, một số địa phương giáp ranh nhau phản ánh đã có một sự chênh lệch đáng kể về bảng giá đất và các quy định liên quan. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ càng đào sâu thêm khoảng cách. Chẳng hạn, Đồng Nai xác định giá đất nông nghiệp đã sát thị trường nên quy định hỗ trợ chỉ 1,5 lần, còn Bình Thuận lại quy định hỗ trợ 2,5 lần... Chính vì những bất cập như thế này mà tình trạng khiếu nại tố cáo liên quan đến bồi thường giải tỏa chưa bao giờ bớt “nóng”.

 

Khó như hái sao trên trời

 

Việc xây dựng một bảng giá đất thỏa mãn được tất cả các yêu cầu là một việc không thể trong hoàn cảnh hiện nay. Khung giá đất hiện nay đang được sử dụng cho 6 mục đích như bồi thường, tính tiền sử dụng đất, thuế... theo các chuyên gia, bản thân điều này đã chứa đựng mâu thuẫn. Bởi mỗi một mục đích sử dụng sẽ có nhiều mức giá khác nhau, khi lợi nhuận thu về từ miếng đất đó khác nhau. Một số nơi cập giá giá đất hằng năm thông qua dữ liệu thống kê; nhưng một số loại đất có quá ít giao dịch nên không sử dụng phương pháp thống kê được...

 

Một vấn đề khác cũng được khá nhiều địa phương quan tâm, đó là định giá đất theo mục đích sử dụng hiện tại hay theo giấy chứng nhận. Nếu theo mục đích sử dụng ghi trong giấy sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc định giá đất sát giá thị trường. Kết quả là giá đất sẽ thấp, người dân sẽ không chấp nhận. Điều này dẫn đến thực tế giá bồi thường thì thấp mà giá hỗ trợ thì cao, mà không phải ai cũng được hỗ trợ, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại.

 

Theo ông Tuân: “Khiếu kiện do sự không đồng thuận của người dân, chứ không phải do định giá thấp”. Hiện nay, theo những nghiên cứu ở các địa phương như TPHCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bạc Liêu... các tỉnh, thành càng lớn thì khoảng chênh giữa thị trường và bảng giá đất càng lớn. Khi bồi thường, tính tiền sử dụng đất... lại phải đi định giá lại từ đầu, dẫn đến hàng loạt mâu thuẫn.

 

Về câu hỏi có thể sử dụng bảng giá đất vào đa mục đích hay không, ông Tuân cho rằng “có thể thực hiện được”. Theo ông Tuân, 75% các khiếu nại liên quan đến vấn đề bồi thường đất nông nghiệp. Bảng giá đất nếu sử dụng cho tất cả các mục đích trong trường hợp giá thấp như vậy, thì nên tách bồi thường ra để thẩm định riêng, cùng một điều kiện kinh tế như nhau thì bồi thường giống nhau. Như vậy sẽ tạo sự công bằng, hạn chế khiếu kiện.

 

Liên quan đến những bất cập trong việc áp dụng bảng giá đất, ông Nguyễn Hồng Quế - Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai - cho rằng, vai trò của bảng giá đất lu mờ, hiện nay chỉ còn áp dụng nghĩa vụ tài chính khi công nhận quyền sử dụng đất.

 

Trong tương lai khi hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận nhà đất thì nhiệm vụ này cũng kết thúc. Xây dựng bảng giá đất tốn rất nhiều công sức, tiền bạc. Khi xây dựng bảng giá phải thuê tư vấn, nhưng nhà nước lại cũng quyết giá luôn. Vậy thuê làm gì cho lãng phí. Khi thu hồi, giao, thuê đất lại phải làm lại từ đầu...

 

Và cứ vòng quanh như vậy, kết thúc hội thảo mà vẫn chưa thấy được lối ra cho câu chuyện bảng giá đất.

 

Theo Ngọc Huân

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm