Xăng tăng giá, dân Indonesia xuống đường

“Chính phủ tham nhũng mới - đợt tăng giá mới”. Đó là một trong những khẩu hiệu của những người biểu tình Indonesia trên đường phố Jakarta mấy ngày qua. Câu khẩu hiệu phản ánh ý kiến người dân về việc giá nhiên liệu tăng còn xuất phát từ khả năng điều hành kém của Chính phủ, trong đó có những phát hiện quan chức tham gia buôn lậu “vàng đen”!

Quan chức cũng buôn lậu 

 

Theo Business Week, ngày 27/8 hải quân Indonesia đã bao vây và chặn bắt một chiếc tàu mang cờ CHDCND Triều Tiên ngoài khơi đảo Riau. Tàu Mount Tioman với thủy thủ đoàn người Indonesia, chở 18.000 thùng dầu bị bắt khi đang sang dầu xuống các tàu nhỏ.

 

Hải quân Indonesia tịch thu số dầu và bắt hết thủy thủ đoàn do họ đã xuất dầu trái phép khỏi Indonesia. Tuần rồi, bảy nhân viên Công ty dầu khí nhà nước Pertamina bị bắt do tuồn dầu từ Nhà máy lọc Lawe - Lawe ở đông Kalimantan cho các tàu dầu Singapore, với giá chỉ 35 USD/thùng (tức nhỉnh hơn phân nửa giá dầu thế giới). 

 

Anton Gunawan, một nhà kinh tế của Citigroup tại Jakarta, cho biết bằng cách này những tay buôn lậu có thể kiếm lãi kếch sù vì giá xăng dầu ở Indonesia chỉ bằng 1/4 giá thế giới. Trong những tuần gần đây, gần 10 chiếc tàu lớn chở tới 80.000 thùng dầu lửa đã bị hải quân Indonesia tịch thu, và gần 100 thủy thủ bị bắt. 

 

Ngày 30/8 cảnh sát còn bắt được nhiều xe tải chở lậu dầu lửa tới Đông Timor! Thế nhưng những kẻ buôn lậu thường không bị xử lý gì. Trên thực tế xuất hiện tin đồn sở dĩ có sự dung thứ như thế là vì một số kẻ vi phạm là binh sĩ, cảnh sát, thậm chí quan chức Chính phủ. 

 

Trung bình mỗi ngày có khoảng 100.000 thùng dầu bị đưa lậu ra khỏi Indonesia. Từng là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới sáu năm trước, ngày nay Indonesia lại phải nhập khẩu dầu. 

 

Nằm ở năng lực điều hành 

 

Từ 1/10, khi chính phủ tuyên bố tăng giá nhiên liệu, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra. Cơn giận của người dân còn có một lý do: họ tưởng giá dầu chỉ tăng khoảng 50%, thì bình quân giá nhiên liệu tăng tới gần 125%. Cú đánh mạnh nhất lại giáng vào dầu lửa, tăng giá tới 185%, trong khi dân nghèo Indonesia dùng nó làm nhiên liệu nấu ăn chính. Nhiều người dân lo sợ “hiệu ứng domino” với giá thực phẩm, hàng hóa.

 

Không chỉ người dân xuống đường, các nhà hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và một số nhà  kinh tế cũng nói biện pháp chính không phải là giảm trợ cấp, mà là chính phủ phải xem lại năng lực điều hành, phải triệt để hơn trong việc chống tham nhũng.

 

Indah Sukmaningsih thuộc Quĩ người tiêu dùng Indonesia (YLKI) cho rằng nếu chính phủ không cam kết và hành động quyết liệt thật sự để chống tham nhũng thì việc cắt giảm trợ cấp cũng sẽ không giải quyết được vấn đề. 

 

Fadhil Hasan, nhà kinh tế tại Viện Phát triển kinh tế tài chính Indonesia (INDEF), cũng đồng tình với quan điểm trên, nhưng nhấn mạnh tăng giá nhiên liệu không phải là cách duy nhất để giảm thâm thủng ngân sách năm 2005. 

 

Theo ông, chính phủ cần phải chi tiêu hiệu quả hơn từ mọi cấp, và “nếu chính phủ chống đỡ cho đồng rupiah khỏi sút giảm thì họ sẽ tăng xuất khẩu và lôi kéo được đầu tư”. Cả YLKI và INDEF đều kêu gọi chính phủ chỉ tăng giá nhiên liệu vào đầu năm tới, vì trong tháng ba vừa qua giá cả đã tăng tới 29% cũng do giá nhiên liệu tăng!

 

Một nguyên nhân khác làm thường dân Indonesia giận dữ: ngoài việc giảm trợ giá và dầu bị buôn lậu, còn xảy ra tình trạng những điểm bán dầu cạn hàng quá nhanh. Người dân xếp hàng rồng rắn tại Bandung, Jakarta, Medan, Makassar… chờ mua dầu lửa nhưng cuối cùng phải trở về thất vọng.

 

 “Những kẻ đầu cơ đã lợi dụng tình hình, mua dầu giá thấp, sau đó bán ra chợ đen. Họ khôn ngoan nhưng vô đạo đức” - Baihaqi, một cư dân Bogor,  kết án.

 

Tuổi trẻ (Theo Business Week)