Tổng giám đốc TCT Xăng dầu Quân đội:

Xăng không đạt chuẩn, đại lý chịu trách nhiệm!

(Dân trí) - "Với 800 đại lý, 64 trạm sở hữu trên cả nước, Xăng dầu Quân đội khẳng định hoàn toàn đảm bảo được chất lượng hàng từ lúc nhập về cho đến khi giao cho đại lý. Nếu đại lý không bảo quản tốt, đại lý hoàn toàn chịu trách nhiệm".

Chiều 5/1, ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội đã có buổi trao đổi với báo chí về câu chuyện chất lượng xăng dầu và nguyên nhân gây cháy nổ xe máy gây hoang mang dư luận thời gian gần đây.
 
Xăng không đạt chuẩn, đại lý chịu trách nhiệm! - 1
Việc xăng bị pha chế tạp chất là lỗi của đại lý?

Phản ứng trước kết luận cửa hàng xăng dầu Mai Dịch không đạt chuẩn, ông Dung đinh ninh: “Tổng công ty xăng dầu quân đội từ trước đến nay nhập khẩu chủ yếu ở Singapore và chúng tôi khẳng định không tiến hành pha chế bất cứ thứ gì”. Theo đó, quá trình nhập khẩu được thực hiện theo quy định của Nhà nước, chất lượng xăng được kiểm định từ khâu ký hợp đồng cho đến lúc bốc hàng lên tàu, tàu rời cảng và cập bến. 

Ông Dung cho biết, sau khi nhập hàng về, chỉ khi được hải quan và trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra và xác định hàng đạt chuẩn thì tổng công ty mới mở niêm phong cấp hàng cho các đại lý.

“Chúng tôi khẳng định làm đúng quy trình với đại lý và có đối chứng, mẫu xăng đảm bảo đúng quy chuẩn. Còn bên đại lý nếu để mẫu đó không đạt tiêu chuẩn thì họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”, lãnh đạo Xăng dầu Quân đội nói.

Nhân viên đại lý cố tình ăn chênh lệch giá 10.000 đồng/lít giữa xăng và methanol?

Theo phân tích của ông Dung, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc xăng không đạt chuẩn “lọt” vào đại lý. 

Trước hết, có thể do khâu giám sát không tốt trong quá trình vận chuyển.  Ông Dung đặt nghi vấn: “Liệu có chắc rằng trong kho đại lý không chưa hàng khác ngoài xăng của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội? Bể có rò rỉ, có để nước vào hay không?”.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện xăng chất lượng kém có thể xuất phát từ việc quản lý nhân viên đại lý không chặt chẽ, mà theo suy luận của ông Dung, không loại trừ trường hợp nhân viên lấy hàng đã pha tạp chất vào xăng, ăn chênh lệch giữa giá xăng và giá methanol ( trên dưới 10.000 đồng) nhằm kiếm lợi. “Methanol là chất ngoại lai vào, sao anh quản lý được”. 

Vị Tổng giám đốc phủ nhân hoàn toàn về trách nhiệm và cho rằng có thể do đại lý chưa làm tròn bổn phân trong bảo quản và kinh doanh mặt hàng xăng dầu. “Nếu có chất lạ vào thì tất cả các hệ thống, đại lý của tổng công ty phải có chứ không riêng gì cửa hàng Mai Dịch. Nhưng qua kiểm tra, chúng tôi khẳng định là chúng tôi không có” - ông Dung khẳng định.

Mặc dù vậy, ông cũng trần tình, Xăng dầu quân đội có 800 đại lý 64 trạm sở hữu trên cả nước. Trong khi đó, trên thị trường vẫn có tình trạng đại lý không nhập hàng của Tổng công ty nhưng vẫn treo biển Xăng dầu Quân đội. “Thú thực, để quản lý các đại lý không phải là dễ”, ông nói.

 Lý giải cho sự không thống nhất giữa kết luận của Cục quản lý thị trường và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng về chất lượng xăng cửa hàng này, theo ông Dung, có thể do mẫu xăng không giống nhau.

Nếu lấy mẫu bể ở dưới đáy thì xăng bao giờ cũng có hàm lượng nước bốc hơi lên và thẩm thấu rồi đọng ở dưới đáy. Nếu lấy ở dưới đáy thì dứt khoát là có tạp chất và nước. Tuy nhiên, theo ông Dung, lý do này khó xảy ra. Vì nếu lấy ở dưới đáy thì chỉ có hàm lượng nước và tạp chất chứ không thể có methanol được. 

“Nếu có tôi đình chỉ ngay – vị Tổng giám đốc tỏ ra gay gắt - Tôi khẳng định là trạm xăng dầu này vi phạm. Còn vi phạm ở quy trình nào thì như tôi nói có thể là do lái xe, người bán hàng, tác động ở một người nào đó. Cái đó phải điều tra làm rõ”.

Thực tế, trường hợp  này đã được Tổng công ty bắt tay xử lý cách đây 2 tháng khi nhận được thông tin phản hồi từ khách hàng về chuyện đong đo và hiện tượng xe hay chết máy. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Tổng công ty chỉ nhắc nhở, cảnh báo do chưa có bằng chứng cụ thể. 

Để xảy ra vấn đề, theo ông Dung, quan trọng vẫn là ý thức của đại lý còn doanh nghiệp đầu mối chỉ chịu trách nhiệm về nguồn cung và quản lý đại lý bằng hợp đồng. 

Khi đại lý không đảm bảo được yêu cầu chất lượng thì thì doanh nghiệp đầu mối chỉ có quyền lực cao  nhất  là ngừng cung cấp xăng dầu.  Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường, lãnh đạo Xăng dầu Quân đội cho hay.

Kinh doanh xăng dầu... không ăn thua!

Không phủ nhận về ý kiến cho rằng, do chiết khấu hoa hồng thấp nên các đơn vị kinh doanh đã pha thêm methanol để kiếm lời, ông Dung cho biết, “tưởng là kinh doanh xăng dầu có lãi thì thuê lại nhưng không ăn thua”.

Theo đó, tại Hà Nội, đầu tư một cây xăng hết 15-16 tỷ đồng. “Nếu bán 100 khối, chiết khấu 350 đồng/lít thì một tháng được 35 triệu đồng, rồi nào là khấu hao tài sản, chi phí thì làm sao tiền lương đủ được” – ông Dung nhận xét.

Liên hệ giữa xăng kém chất lượng và hiện tượng cháy nổ gần đây, ông Dung cho rằng, sự cố là tổng hợp của nhiều nguyên nhân chứ không thể đổi lỗi hoàn toàn cho xăng dầu hay do nhà sản xuất xe.

Đồng thời khẳng định, nếu xăng bị rò rỉ cùng với nhiệt độ nóng thì rất dễ bắt cháy. Nếu bình xăng được thiết kế đảm bảo thì xăng có pha dung môi khác cũng sẽ không bị hở và gây cháy nổ. 

Bích Diệp