Xăng dầu thời kỳ “chưa từng có”, bất ngờ vì cửa hàng treo biển báo hết
(Dân trí) - Thị trường xăng dầu đang xuất hiện nhiều bất cập trong vấn đề nguồn cung. Cả doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối đều than vãn về tình trạng “hạn ngạch" trong nhập xăng dầu hiện nay.
Cửa hàng ngậm ngùi treo biển báo hết
Theo ghi nhận của PV Dân trí, chiều 25/5, một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Đông, Hà Nội đặt tấm biển báo “hết xăng”. Không ít người dân phải quay xe đi ra với vẻ mặt bất ngờ kèm theo chút ngậm ngùi...
Trao đổi với Dân trí, chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết hiện cửa hàng chỉ còn một ít dầu để bán nốt, nếu không cũng đóng cửa cho nhân viên nghỉ.
Theo vị này, tình hình khó khăn trong việc nhập xăng dầu diễn ra nhiều ngày trở lại đây. “Không chỉ tôi, đại lý nào hiện nay cũng kêu ầm lên về việc này. Trước đây chỉ cần đặt hàng hôm trước là hôm sau có xe chở tới. Giờ muốn mua phải đăng ký trước, mỗi lần giao thì số lượng nhỏ giọt. Hôm nay cũng nhập được ít xăng nhưng lượng xăng nay chỉ bán trong vòng 2 tiếng là hết", chủ đại lý xăng dầu ngậm ngùi chia sẻ.
Cũng theo ông này, công ty đã nhận được thông báo kể từ hôm nay ngày 26/5, chiết khấu về mức 0 đồng. Tức là sau khi trừ đi chi phí, doanh nghiệp sẽ lỗ.
“Chiết khấu thấp từ rất nhiều ngày nay rồi. Kể từ 26/5 thì bằng 0 đồng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chấp nhận càng bán càng lỗ, chỉ mong có xăng dầu để phục vụ người dân. Cửa hàng mà đóng cửa nhiều quá chúng tôi mất khách", vị chủ doanh nghiệp cho biết.
Được biết, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói trên hiện đang nhập xăng dầu từ đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần Xăng dầu HFC. Không chỉ cửa hàng nêu trên, còn nhiều cây xăng khác trong tình trạng “muốn mua không có để mua".
Trao đổi với Dân trí trước phản ánh của đại lý xăng dầu, đại diện Công ty Cổ phần Xăng dầu HFC cho biết thực tế đang có rất nhiều bất cập trong vấn đề nguồn cung xăng dầu ra thị trường thời điểm hiện nay.
“Hiện chúng tôi vẫn cố gắng đáp ứng đủ đối với các cửa hàng thuộc hệ thống của HFC. Còn đối với các đại lý, chúng tôi vẫn cung ứng theo sản lượng trung bình trước đây của họ. Còn một số nơi muốn mua thêm, mua tăng đột biến thì chúng tôi không đáp ứng được. Vì bản thân doanh nghiệp phân phối như chúng tôi cũng đang vô cùng khó khăn trong việc nhập hàng, không phải muốn nhập bao nhiêu là nhập được", đại diện HFC cho biết.
Trước câu hỏi về khả năng “găm hàng", đại diện HFC khẳng định: “Chúng tôi là thương nhân phân phối, có muốn cũng không có chỗ mà tích trữ”.
Khan hiếm nguồn cung vì đâu, do găm hàng hay do thiếu hàng thực sự?
Đó là câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh “chưa từng có" ở thị trường xăng dầu hiện nay.
Các doanh nghiệp bán lẻ khẳng định họ hết hàng và không dám “găm hàng". "Chúng tôi treo biển báo hết, cơ quan quản lý thị trường vào kiểm tra là chúng tôi sẽ bị phạt nặng, thực sự không đáng để làm vậy", một đại lý xăng dầu chia sẻ.
Trong khi đó, cả phía thương phân phối và doanh nghiệp đầu mối đều lên tiếng phủ nhận việc giữ hàng không bán.
“Bản thân chúng tôi cũng đang rất khó khăn trong việc nhập hàng. Ở thời điểm này, có tiền chưa chắc mua được hàng. Nhiều đầu mối đã dừng cung cấp cho chúng tôi”, đại diện HFC thông tin.
Thêm nữa, theo vị này, hiện chiết khấu cho các thương nhân phân phối là 0 đồng, tức là càng bán càng lỗ vì còn cộng thêm chi phí vận chuyển, nhân công.
Không chỉ HFC, một số doanh nghiệp phân phối khác khi trao đổi với Dân trí cũng chia sẻ những thông tin tương tự.
Một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng lên tiếng phủ nhận cáo buộc "găm hàng".
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định vẫn cam kết cung ứng đủ hàng cho các đại lý, tổng đại lý thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex và các doanh nghiệp khác đã ký hợp đồng kinh doanh.
“Chúng tôi đảm bảo số lượng theo cam kết trong hợp đồng. Không có chuyện giao thiếu. Tuy nhiên với số lượng tăng đột biến, phát sinh từ một số đơn vị thì chúng tôi phải cân đối nguồn hàng”, đại diện Petrolimex nói với Dân trí.
Không chỉ Petrolimex, PV Oil và một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác phủ nhận trước thông tin găm hàng, chờ giá bán tăng lên trong đợt điều chỉnh mới sẽ “bung” ra.
Trước thực tế nêu trên, đại diện HFC kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần sớm vào cuộc làm rõ bất cập của thị trường xăng dầu hiện nay.
“Công bố tồn kho doanh nghiệp đầu mối, kế hoạch đảm bảo nguồn hàng của họ, để doanh nghiệp phân phối có định hướng trong lĩnh vực kinh doanh”, vị này kiến nghị.
Nguyễn Mạnh