1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xăng dầu nóng rẫy, trách nhiệm của từng Bộ tới đâu?

Văn Hưng

(Dân trí) - Trong bối cảnh thị trường xăng dầu có hiện tượng một số cửa hàng đóng cửa, bán với số lượng hạn chế, Bộ Công Thương đề nghị nhiều Bộ, doanh nghiệp chung tay đảm bảo nguồn cung.

Bộ Công Thương đề nghị nhiều bộ cùng vào cuộc

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Văn bản được gửi đi trong bối cảnh thời gian qua thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế.

Để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét, có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.

Xăng dầu nóng rẫy, trách nhiệm của từng Bộ tới đâu? - 1

Cây xăng đóng cửa, người dân phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ khiến các "cây xăng vỉa hè" mọc lên như nấm sau mưa (Ảnh: Thế Hưng).

Bộ Công Thương đề nghị Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đang có các nhà máy lọc dầu phải duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất mức tối đa.

Bộ Công Thương cũng đề nghị PVN tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu, mua trong nước, không để gián đoạn nguồn cung, duy trì cửa hàng bán lẻ và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối. Các doanh nghiệp chia sẻ nguồn cung, chiết khấu cho các khách hàng một cách hợp lý.

Trách nhiệm của Bộ Công Thương đến đâu?

Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định rất rõ về trách nhiệm đối với từng bộ ngành, đơn vị, địa phương có liên quan.

Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; hướng dẫn kinh doanh, phân phối xăng dầu; hướng dẫn xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá. Mức trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng.

Xăng dầu nóng rẫy, trách nhiệm của từng Bộ tới đâu? - 2

Bộ Tài chính đề nghị giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức, để đảm bảo nguồn cung chủ động (Ảnh: Mạnh Quân).

Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng yêu cầu xăng dầu trên địa bàn. 

Bộ Công Thương chủ trì việc đưa nhiên liệu sinh học lưu thông trên thị trường trong nước, theo lộ trình quy định của Thủ tướng; phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách, cơ chế về giá, thuế, phí, cơ chế tài chính khác để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, bảo đảm nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Trách nhiệm của từng bộ đến đâu?

Trong quản lý kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính chủ trì, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định về các loại thuế, phí có liên quan; thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở, hướng dẫn việc quản lý, trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; kiểm tra giám sát việc thực hiện chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn việc sử dụng các công cụ tài chính phù hợp để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, bảo đảm nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì việc quản lý, đo lường chất lượng xăng dầu sản xuất pha chế, nhập khẩu lưu thông trên thị trường; chủ trì việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo lường, chất lượng xăng dầu, quy định thực hiện thống nhất trong cả nước.

Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc sử dụng phụ gia không thông dụng để pha chế xăng dầu; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý năng lực phòng thí nghiệm; chủ trì việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định quản lý về đo lường, chất lượng của thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Xăng dầu nóng rẫy, trách nhiệm của từng Bộ tới đâu? - 3

Giữa trưa, người dân Hà Nội vẫn phải xếp hàng đổ xăng (Ảnh: Văn Hưng).

Bộ Giao thông và Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan quy định tiêu chuẩn, điều kiện điểm đấu nối của hệ thống giao thông với hệ thống cơ sở kinh doanh xăng dầu quy định vùng nước hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện bảo vệ môi trường của các cơ sở kinh doanh xăng; hướng dẫn thực hiện bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu; chủ trì việc tổ chức đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các sở, ban, ngành tại địa phương hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý xăng dầu; giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn quản lý; quy định giờ bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu; quy định các trường hợp dừng bán hàng; quản lý thương nhân cung cấp xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm