1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xăng dầu không quyết định tốc độ tăng giá tiêu dùng

Mặc dù quốc hội chỉ đặt tiêu chuẩn cho Chính phủ giữ tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới tốc độ tăng GDP, nhưng Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vẫn yêu cầu ngành tài chính: “cố gắng giữ tốc độ tăng CPI tối đa là 7%”. Nhiệm vụ này xem ra vô cùng khó khăn.

Bởi như giải thích của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá, trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế thế giới, phải chấp nhận và thích nghi với từng mặt bằng giá mới.

 

"Chúng ta không thể và cũng không có khả năng giữ hệ thống giá trong nước biệt lập với thị trường thế giới; giá xăng dầu cũng không thể biệt lập với giá xăng dầu thế giới”, ông Tá nhấn mạnh.

 

Tốc độ tăng CPI tháng 7 thấp hơn tốc độ tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm (0,4% so với 0,66%). Đầu tháng 7 BTC dự báo, nếu không có những đột biến về giá trên thị trường thế giới; không có đột biến về thiên tai, dịch bệnh (yếu tố khách quan), thì mục tiêu bảo đảm tốc độ tăng CPI thấp hơn tốc độ tăng GDP có thể đặt được.

 

Nhưng cuối cùng, đột biến đã xẩy ra: giá dầu mỏ trên thế giới đã lên đến 75 USD/thùng, cao hơn 10 USD so với dự đoán trước đây của BTC.

 

Liệu BTC có thực hiện được nhiệm vụ kìm chế tốc độ tăng CPI như Quốc hội đã giao?  Do giá xăng dầu thế giới tăng từ đầu năm 2004 đến nay, BTC đã 6 lần điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu (không kể một lần điều chỉnh giảm nhẹ trong khoảng thời gian ngắn).

 

Nếu như năm 2003,  tốc độ tăng CPI của Việt Nam  là 3%, thì năm 2004, chỉ số  này lên tới 9,5%; năm 2005 là  8,4%, do có tác động của việc tăng giá xăng dầu. Chỉ mới qua 1 lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào cuối tháng 4/2006, song tốc độ tăng CPI 7 tháng đầu năm đã ở mức 4,4%.

 

Nhìn vào sự song hành giữa tốc độ tăng giá xăng dầu và tốc độ tăng CPI, không ít người tỏ ra e ngại trước tốc độ  tăng CPI những tháng còn lại của năm 2006. BTC tính toán, việc tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ khiến chi phí đầu vào của nền  kinh tế tăng 0,05-4,9%, tùy  theo từng ngành.

 

Trong đó, những ngành công nghiệp là đầu vào của nền kinh tế như khai thác than, điện, xi măng, thép, giấy tăng từ 0,06-1,4%; vận tải hàng hóa tăng từ 1,7-4,3%, nông nghiệp tăng từ  0,05-0,8%, đánh bắt xa bờ tăng 4,9%...

 

Lần tăng giá xăng dầu vào ngày 27/4/2006 (xăng tăng thêm 10%, dầu tăng thêm 5%) đã kéo chi phí vận tải tăng 2-3%, nông nghiệp tăng 0,5-1 %, điện  tăng 0,45%, than tăng 0,75%...

 

Mức độ tăng chi phí đầu vào có thể thấy là không lớn so với tốc độ tăng giá xăng dầu. Theo tính toán của ông Houng Lee, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, giá dầu tăng chỉ chiếm tỷ trọng 9,2% trong CPI của Việt Nam, trong đó, tác động trực tiếp là 3,3%, tác động gián tiếp là 5,9%.

 

“Giá dầu tăng không đóng góp nhiều vào tốc độ tăng CPI, vì quyền số của nó trong rổ hàng hoá để tính CPI của Việt Nam thấp”, ông Houng Lee nói. Như vậy có thể thấy, giá xăng dầu tăng không chi phối quá lớn đến việc tăng CPI, mà CPI tăng chủ yếu do các ngành hàng khác “ăn theo” giá xăng dầu.

 

Chính vì vậy, mỗi lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu, Chính phủ đều yêu cầu doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp nhà nước, phải tìm mọi biện pháp để tiết giảm chi phí sản xuất, kể cả việc thay đổi công nghệ, thay thế nhiên liệu, điều hành sản xuất để giảm giá thành sản xuất tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.

 

Trên thực tế, nền kinh tế đã thực hiện khá triệt để yêu cầu này. Tổng cục trưởng tổng cục Thuế Nguyên Văn Ninh cho biết, do giá xăng dầu tăng cao nên 6 tháng đầu năm, sản lượng xăng dầu nhập khẩu chỉ đạt 4.523 triệu tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2005.

 

Sử dụng xăng dầu cũng giảm (do thực hiện tiết kiệm) nên phí xăng dầu giảm 429 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2005, nhưng không xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt 7,6%. Ông Tá nhận định: “Dư địa để tiết giảm nhiên liệu của nền kinh tế, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu vẫn còn khá lớn”.

 

Mặc dù giá xăng dầu tăng không quyết định đến tăng CPI, song cứ mỗi lần xăng dầu tăng, các loại hàng hóa, dịch vụ khác đều “nhấp nhổm” muốn tăng theo.

 

Để xử lý tình trạng này, ông Tá cho biết, Chính phủ đã đồng ý chưa tăng giá điện, than trong thời gian tới. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành phải có biện pháp đồng bộ để đảm bảo không gây ra hiệu ứng và những phản ứng dây chuyền, lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá các loại hàng hóa khác một cách bất hợp lý.

 

Theo Đầu tư