1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

World Bank đánh giá cao NHNN Việt Nam trong điều hành tiền tệ

(Dân trí) - Ba năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó dấu ấn nổi bật là điều hành thành công chính sách tiền tệ của NHNN, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Bà Kwakwa
Bà Kwakwa
 
Đây là nhận định của Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên gần đây. Đại diện của WB cũng cho rằng Chính phủ cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, tăng cường cải cách nền kinh tế nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Xu hướng ổn định kinh tế vĩ mô

Bà đánh giá thế nào về bức tranh tổng thể nền kinh tế Viêt Nam cả về tình hình vĩ mô và triển vọng phát triển kinh tế thời gian qua?

Những tháng đầu năm 2015, chúng tôi thấy xu hướng tích cực cả về ổn định kinh tế và phục hồi tăng trưởng - đây là một điều mà Chính phủ đáng tự hào. Những kết quả có thể kể đến là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá ổn định ở mức hợp lý, dự trữ ngoại hối tiếp tục được cải thiện. Với việc chỉ số PMI do HSBC công bố mới đây đã tăng mạnh, cho thấy cầu tiếp tục tăng và niềm tin vào nền kinh tế được tăng cường.

Kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rõ nét, bền vững, tăng trưởng kinh tế trong quý I ở mức 6,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 là 4,96%. Mặc dù vẫn còn những thách thức do xuất khẩu giảm khiến cán cân thương mại thâm hụt nhẹ và thặng dư của tài khoản vãng lai sẽ nhỏ hơn, nhưng bức tranh tổng thể nền kinh tế là khả quan. Điều đó minh chứng những cam kết của Chính phủ và NHNN lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu trọng tâm.

Theo bà, Việt Nam cần làm gì để đảm bảo duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế?

Tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô và duy trì triển khai các chính sách hiện nay để tăng cường lòng tin của thị trường, thu hút FDI, hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước và góp phần vào công cuộc giảm nghèo.

Từ thực tế và kinh nghiệm của các nền kinh tế trên thế giới cho thấy ổn định vĩ mô rất khó để đạt được nhưng lại rất dễ để đánh mất. Vì vậy, Chúng tôi luôn khuyến khích chính phủ ưu tiên ổn định vĩ mô, đây là một điều quan trọng để củng cố, thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện tính cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng được duy trì ở mức cao, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng và DNNN.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa thực sự thoát khỏi các rủi ro, còn nhiều yếu tố, dấu hiệu phải theo dõi chặt chẽ để có hành động thích hợp nhằm đảm bảo Việt Nam tiếp tục phát triển thành công, đó là những vấn đề về ổn định vĩ mô, các yếu tố bên ngoài vì đây là nhân tố có thể gây áp lực lên tỷ giá, dự trữ của Việt Nam.

Tỷ giá được điều chỉnh hợp lý

Thời gian qua đã xuất hiện những áp lực lên đồng VND khiến NHNN phải 2 lần điều chỉnh tỷ giá hết biên độ 2% cho cả năm 2015. Vậy dưới góc độ kinh tế vĩ mô, bà đánh giá thế nào về những diễn biến của tỷ giá cũng như chính sách điều hành tỷ giá của NHNN từ nay đến cuối năm?

Áp lực đối với VND đến từ việc USD lên giá so với nhiều đồng tiền khác do kỳ vọng của thị trường về việc tăng giá USD, việc rút lại gói nới lỏng định lượng (quantitative easing-QE) và tăng lãi suất tại Mỹ. Áp lực cũng gia tăng đối với cán cân thương mại như tôi đã nói ở trên. Như vậy, biến động lãi suất trên thị trường quốc tế và động thái chính sách tiền tệ của các nước, đặc biệt là Mỹ, có vai trò quan trọng đối với diễn biến VND thời gian gần đây.

Việc tăng tỷ giá của NHNN vừa qua đã phản ánh những áp lực của thị trường, nhưng đây là sự điều chỉnh hoàn toàn hợp lý dựa trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng tổng hoà tất cả các yếu tố bên trong và bên ngoài của cơ quan quản lý.

Củng cố niềm tin từ tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu

Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ viêc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển ổn định và bền vững. Vậy WB đánh giá như thế nào về quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nơ xấu mà Việt Nam đang triển khai?

Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận diện những quan ngại về tình hình nợ xấu và đã kịp thời đưa ra những biện pháp mạnh mẽ. NHNN cũng có những đánh giá xác đáng về nợ xấu, từ đó có các giải pháp phù hợp. Có thể thấy các khuôn khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu đã được cải thiện, vai trò thanh tra giám sát được nâng cao, các vấn đề sở hữu chéo và cho vay người có liên quan… đều đang được xử lý.

Thông tư 02 bắt đầu có hiệu lực đã quy định các NHTM phải nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, báo cáo tình hình nợ xấu chính xác hơn và trích lập dự phòng rủi ro tốt hơn. Đây là một điều rất đáng khen ngợi. Việc VAMC được thành lập và đưa vào hoạt động đã mua và xử lý được rất nhiều nợ xấu của các TCTD.

Chúng tôi ghi nhận tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống; quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, năng lực tài chính hệ thống ngân hàng được tăng cường củng cố và niềm tin của người dân được tăng cường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng đối với các ngân hàng có khả năng tồn tại, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc đánh giá đầy đủ nợ xấu, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và bổ sung vốn cho các ngân hàng này. Đồng thời, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, VAMC cần được trao thêm nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn nữa cũng như bổ sung các nguồn lực cần thiết; và khuôn khổ pháp lý cần tiếp tục được củng cố và nâng cao.

Xin cảm ơn bà!

B.Minh