WHO cần nêu rõ bức tranh toàn cảnh về quản lý thuốc lá mới
(Dân trí) - Liên quan đến thuốc lá mới, Tạp chí y học The Lancet cho rằng WHO cần nêu rõ bức tranh toàn cảnh về hai thái cực giữa cấm và quản lý từ các quốc gia đi trước, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật đối với các nước đang có nhu cầu kiểm soát mặt hàng này.
Thực trạng từ các nước cấm thuốc lá mới
Hai cựu quan chức của WHO là GS. Robert Beaglehole và GS. Ruth Bonita, tác giả bài nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet (tháng 2/2024) khuyến nghị, ngoài nỗ lực giảm cung - cầu đối với việc tiêu thụ thuốc lá, giảm tác hại thuốc lá nên là chiến lược trung tâm của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC). Nhất là khi tại một số nước, việc áp dụng lệnh cấm hoặc quản lý khắt khe mặt hàng này đang để lại nhiều hệ lụy.
Cụ thể, Úc xếp thuốc lá điện tử (TLĐT) vào danh mục dược phẩm kê toa từ bác sĩ. Thực tế, quy định này chỉ mở cửa cho thị trường chợ đen. Khoảng 90% trong số 1,7 triệu người dùng TLĐT tại Úc đang dùng hàng lậu. Chính sách này làm thất thoát khoảng 2,3 tỷ đô-la doanh thu thuế trong năm 2021-2022, theo ước tính của Cơ quan Thuế Úc.
Thực trạng này khiến chính phủ Úc cho phép nhà thuốc tự do bán TLĐT không cần toa bác sĩ từ tháng 10/2024.
Tương tự, Singapore dù cũng cấm thuốc lá mới, nhưng báo cáo tháng 10/2023 cho thấy, số học sinh sử dụng TLĐT tăng từ dưới 50 ca (2018-2019) lên 800 ca trong năm 2022, gấp 16 lần sau 3 năm.
Tại Thái Lan, lệnh cấm đang được đánh giá là "lợi bất cập hại". Theo công bố năm 2023 của Quỹ hành động về thuốc lá và sức khỏe, tỷ lệ hút TLĐT ở trẻ em từ 13-15 tuổi tăng gấp 5 lần, từ 3,3% năm 2015 (1 năm sau lệnh cấm) lên 17,6% năm 2023.
Do đó, năm 2023, Quốc hội Thái Lan đã thành lập Ủy ban Đặc biệt nhằm đề xuất phương án chính sách điều chỉnh lại lệnh cấm. Hai trong ba đề xuất này là bãi bỏ lệnh cấm để đưa thuốc lá làm nóng (TLLN), hoặc cả TLLN và các loại thuốc lá mới khác vào quản lý.
WHO cần cung cấp thông tin đầy đủ về thực trạng các nước quản lý thuốc lá mới
Đến nay, số liệu các nước đã giảm tỷ lệ hút thuốc lá thành công nhờ hợp pháp hóa thuốc lá mới vẫn chưa được WHO công bố chính thức. Do đó, The Lancet khuyến nghị WHO cần nắm bắt những đổi mới trong biện pháp giảm tác hại. Bởi tại một số nước, tỷ lệ hút thuốc giảm đáng kể sau khi thuốc lá mới được lưu hành hợp pháp.
Như tại New Zealand, tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc giảm từ 13,3% (2017-2018) xuống 6,8% (2022-2023), sau khi thuốc lá mới phổ biến. Với mức giảm đến 49% sau khi cho phép TLLN, TLĐT mà không cần áp dụng chính sách khác, New Zealand đã vượt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá xuống 30% theo WHO.
Nhật Bản cũng là một điển hình về thành công của việc thương mại hóa TLLN từ sớm. Doanh số thuốc lá điếu tại nước này hiện đã giảm 52%. Theo Báo cáo tháng 8/2024 của Bộ Y tế Nhật, tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại đây hiện chỉ còn 10% so với 20,7% năm 2012, nhờ người dùng chuyển đổi sang sử dụng TLLN (chiếm 4,6%). Mặt khác, hiện tỷ lệ giới trẻ sử dụng TLLN tại nước này là không đáng kể, chỉ 0,1%, dù trước đó cũng lo ngại rằng các sản phẩm này sẽ thu hút giới trẻ.
Theo báo cáo của WHO, 184 quốc gia hiện không cấm TLLN mà quản lý dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó bao gồm các chính sách ưu đãi cho TLLN hơn so với thuốc lá truyền thống. Chẳng hạn Nhật Bản, Indonesia, Philippines… chỉ áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với TLLN bằng 50% so với mức của thuốc lá truyền thống. Bộ Y tế New Zealand cũng quyết định giảm 50% thuế suất cho TLLN kể từ tháng 7/2024.
Tuy nhiên, các thông tin này hiện vẫn chưa được đưa vào báo cáo cụ thể của WHO. Theo các chuyên gia, đây là điều thiệt thòi cho những nước chưa có khung pháp lý như Việt Nam. Chưa kể, có những quốc gia đã chuyển từ cấm sang quản lý các mặt hàng này như Đài Loan, Uruguay, New Zealand... và sắp tới có thể là Thái Lan, Panama...
Các tác giả của The Lancet cũng khuyến nghị, WHO cần công bằng, minh bạch hơn để mỗi quốc gia lựa chọn biện pháp phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Vai trò của WHO là hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đưa ra quyết định độc lập. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều quốc gia đang cấm cho thấy sự "hụt hơi" khi lao vào cuộc chiến chống buôn lậu không hồi kết đối với các mặt hàng này.