WeWork tuyên bố sắp phá sản, giá cổ phiếu kỳ lân 40 tỷ USD chỉ còn 15 xu

Ninh An

(Dân trí) - Năm 2019, WeWork từng là công ty khởi nghiệp có định giá khủng trên thế giới với 40 tỷ USD. Nhưng hiện tại vốn hóa thị trường chỉ còn dưới 500 triệu USD, giá cổ phiếu ở mức 15 xu.

4 năm trước, start up WeWork và giới khởi nghiệp hào hứng đón chờ sự kiện niêm yết lần đầu ra công chúng (IPO) bom tấn. Nhưng hiện tại, chính WeWork lại đang cảnh báo về khả năng phá sản.

"Các khoản lỗ và dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh làm dấy lên nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của chúng tôi", WeWork cho biết trong bản công bố thông tin gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) vào thứ 3 vừa qua.

Khả năng phá sản của start up này từng được quỹ đầu tư SoftBank định giá 40 tỷ USD đã hiện hữu từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn gây ngạc nhiên khi WeWork đang sở hữu số lượng văn phòng thương mại lớn trên khắp thế giới.

Trong và sau khi đại dịch Covid-19 diễn ra, nhiều doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng thuê để chuyển sang hình thức làm việc từ xa. Suy thoái kinh tế kéo theo sau đó càng khiến WeWork rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất và gặp khó khăn trong việc tạo ra dòng tiền.

"Nếu không thành công trong việc cải thiện thanh khoản và khả năng sinh lời từ các hoạt động của mình, chúng tôi có thể cần xem xét tất cả các giải pháp, bao gồm tái cơ cấu nợ, tìm kiếm thêm nguồn vốn từ nợ hoặc vốn cổ phần, giảm hoặc trì hoãn hoạt động kinh doanh, chiến lược mới, thậm chí bán tài sản, các giao dịch chiến lược khác và/hoặc các biện pháp khác, bao gồm cả phương án từ Đạo luật phá sản Mỹ," công ty cho biết.

WeWork tuyên bố sắp phá sản, giá cổ phiếu kỳ lân 40 tỷ USD chỉ còn 15 xu - 1

Từ kỳ lân đình đám thế giới, WeWork đứng trước bờ vực phá sản (Ảnh: CNBC).

Cổ phiếu WeWork được giao dịch dưới 1 USD kể từ giữa tháng 3. Thị giá thậm chí giảm 26% về mức 15 xu trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm thứ 3. Hiện start up này có mức vốn hóa thị trường dưới 500 USD.

Nửa đầu năm, công ty ghi nhận mức lỗ ròng 700 triệu USD. Năm 2022, start up này thậm chí lỗ 2,3 tỷ USD. Tính đến ngày 30/6, công ty có 205 triệu USD tiền và các khoản tương đương tiền. Các tài sản có thanh khoản vào khoảng 680 triệu USD. WeWork đang có khoản nợ dài hạn 2,91 tỷ USD.

Lần đầu tiên start up định IPO là vào năm 2019, sau khi công bố bản cáo bạch vào tháng 8. Với các thông tin đầy đủ về tài chính, doanh nghiệp gặp phải chỉ trích gay gắt do chi tiêu quá mức và rủi ro, cùng với mối quan hệ phức tạp của nhà sáng lập Adam Neumann tại công ty.

Kế hoạch IPO này không thành công. Nhà sáng lập kiêm CEO của SoftBank - Masayoshi Son - gọi khoản đầu tư của mình vào WeWork là "ngu ngốc". Quỹ đầu tư của ông đã nắm quyền kiểm soát phần lớn hoạt động kinh doanh thông qua gói tài trợ 5 tỷ USD. Neumann buộc phải từ chức.

Vào năm 2021, WeWork cuối cùng cũng trở thành công ty niêm yết thông qua việc sáp nhập với 1 công ty mục đích đặc biệt để thâu tóm hay còn gọi là SPAC. Nhưng mớ hỗn độn vẫn còn đó. WeWork cho biết doanh thu quý II chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tại thị trường Mỹ vốn chiếm 41% doanh thu cũng giảm 4%.

Start up giải thích kinh tế suy thoái khiến nhiều khách hàng vốn là thành viên rời đi, khiến doanh thu và dòng tiền sụt giảm. Ngay cả SoftBank cũng đang chi tiêu ít hơn cho WeWork. Trong quý II, quỹ này đã đóng góp 6 triệu USD doanh thu cho WeWork, khi năm trước đó là 10 triệu USD.

Các yếu tố quyết định liệu WeWork có thể tiếp tục hoạt động hay không bao gồm hạn chế chi phí vốn, tăng doanh thu và tìm kiếm vốn thông qua vay nợ hoặc phát hành cổ phiếu.

3 thành viên hội đồng quản trị đã từ chức vào tuần trước vì bất đồng liên quan đến quản trị và định hướng chiến lược của Công ty. Trong nhóm này có Daniel Hurwitz - người đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT kể từ tháng 5.

WeWork vẫn đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo gắn bó lâu dài. Hồi tháng 5, start up cho biết CEO Sandeep Mathrani sẽ từ chức trong vài ngày tới. Thành viên hội đồng quản trị David Tolley sẽ đảm nhiệm vị trí này tạm thời.

Năm 2017, WeWork được SoftBank rót tiền đầu tư. Thương vụ này giúp start up được định giá 20 tỷ USD và được giới đầu tư mạo hiểm chú ý tới.

Năm 2019, start up này từng được xem là một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới, với mức định giá 40 tỷ USD, cao hơn cả Airbnb, SpaceX, Stripe.