WEF ASEAN 2018: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động thế nào tới Việt Nam?

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, sau khi có căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch sang nước khác, trong đó có Việt Nam.

Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard.
Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard.

Trả lời tại Phiên thảo luận về thương mai và kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Hà Nội, Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang ngày càng căng thẳng sẽ có những tác động, hạn chế nhất định. Tuy nhiên, ông cho rằng, cùng với những quan ngại thì cũng có cả cơ hội song hành.

"Người ta lo ngại có những ảnh hưởng, đặc biệt là tới môi trường cạnh tranh. Nhìn rộng ra đã có căng thẳng trong chuỗi cung ứng ở ASEAN rồi bởi một phần hàng hoá được sản xuất ở ASEAN, sau đó chuyển sang Trung Quốc lắp ráp rồi xuất khẩu sang Mỹ. Rõ ràng chiến tranh thương mại không chỉ tác động đến Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác", TS Alan Bollard nói.

Nhắc đến Việt Nam, ông Alan Bollard cho rằng, có căng thẳng nhất định nhưng Việt Nam lại là nước có lợi thế so sánh so với Trung Quốc như nhân công rẻ hơn. Do đó, sau khi có căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch sang nước khác, trong đó có Việt Nam.

"Tiếp theo chiến tranh thương mại sẽ có thay đổi trong quy trình sản xuất, trước đây Trung Quốc giống như phân xưởng của thế giới với tất cả những lợi thế về sản xuất như vậy nhưng giờ người ta cũng xem xét chuyển dịch, một số nước sẽ có cơ hội. Ngoài ra, với căng thẳng như vậy, nhiều vùng trên thế giới tăng trưởng chậm lại nhưng một số quốc gia thì lại tốt lên", ông nói.

Trao đổi tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Ngoại giao Chile cho hay, Chile có đối tác thương mại số 1 là Trung Quốc và số 2 là Mỹ. Do đó, nước này chọn giải pháp chính sách thương mại phù hợp với cả 2 đối tác.

"Phải có quan điểm mang tính chiến lược giữa 2 đối tác lớn như vậy và cũng phải làm sao hành xử theo hướng tích cực nhất. Chúng tôi quan sát căng thẳng thương mại với sự quan tâm, quan ngại nhất định của mình và cố đưa ra giải pháp tốt nhất nếu diễn biến trở lên tồi tệ hơn", ông nói.

Trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nếu như vào năm 2006, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 77 thì đến năm 2017, Việt Nam đã được nâng hạng lên vị trí thứ 55. Trong xếp hạng về tính thuận lợi của môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 68 trong năm 2017 trong khi đó vào năm 2007, Việt Nam ở vị tri 104.

Trong một bài viết nhân WEF ASEAN 2018, ông Peter Vanham, trưởng bộ phận truyền thông của Mỹ tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018 cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam sẽ hưởng lợi thay vì chịu tổn thương bởi căng thẳng thương mại toàn cầu. Chính phủ Mỹ tăng thuế với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đang chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Và ngay cả nếu Việt Nam có chịu tổn thương bởi làn sóng bảo hộ dâng cao tại phương Tây, Việt Nam có thể trông chờ vào tầng lớp trung lưu ngày một giàu có để có động lực tăng trưởng. Các hãng bán lẻ trong nước cũng như nước ngoài đang ráo riết tìm kiếm cơ hội phát triển tại Việt Nam, ngày một nhiều người có khả năng tiêu dùng hàng hóa dịch vụ.

Sẽ có một ngày, những cửa hàng nhỏ và xe máy sẽ được thay thế bởi ô tô và các trung tâm thương mại lớn. Thế nhưng ở hiện tại, Việt Nam đang tăng trưởng, ở tốc độ riêng của mình và bằng cách của riêng mình.

Về phía Việt Nam, mới đây, trả lời PV trên Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ sử dụng kết hợp các thoả thuận thương mại và cải cách trong nước để có thể vượt qua những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc.

“Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Chúng tôi đang tìm kiếm những cách thức mới để phát triển”, Thủ tướng cho biết và khẳng định Việt Nam muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc.

Phương Dung


http://fica.vn

http://fica.vn