1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

WB sẽ hỗ trợ khoảng 4,2 tỷ USD cho Việt Nam trong 5 năm tới

(Dân trí) - Trong 5 năm tới, nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) sẽ hỗ trợ những cải cách và các khoản đầu tư (khoảng 4,2 tỷ USD) được coi là then chốt cho quá trình chuyển đổi thành công của Việt Nam thành một quốc gia thu nhập trung bình.

Nguồn tin từ WB cho hay: Ngày 15/12, Ban Giám đốc Điều hành của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã thảo luận về Chiến lược Đối tác Quốc gia Việt Nam (CPS) cho giai đoạn 2012-2016 và phê duyệt các hoạt động đầu tiên theo CPS mới.

Theo đó, CPS sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư, chương trình và tư vấn trong một khuôn khổ chiến lược gồm ba trụ cột và ba chủ đề xuyên suốt. Đó là: Tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu; Tăng cường tính bền vững trong quá trình phát triển của Việt Nam; Mở rộng điều kiện tiếp cận với các cơ hội kinh tế xã hội.

“Đây là Chiến lược Đối tác Quốc gia đầu tiên của Ngân hàng Thế giới với Việt Nam kể từ khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 . Chiến lược mới sẽ kế thừa chiến lược trước đây, đồng thời đưa ra một số thay đổi chiến lược nhằm làm sâu thêm những trọng tâm mang tính chiến lược trong chương trình của Ngân hàng Thế giới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, và mang lại kết quả phát triển nhanh hơn”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay.

Cũng trong giai đoạn CPS mới, phân bổ dự kiến từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) để hỗ trợ Việt Nam là khoảng 2,8 tỷ SDR (tương đương 4,2 tỷ USD ). Đây sẽ là lượng vốn IDA được phân bổ lớn nhất cho Việt Nam từ trước đến nay, phản ánh hiệu quả hoạt động của Việt Nam cũng như việc tăng tổng thể nguồn IDA. Việt Nam cũng sẽ có thể truy cập nguồn IBRD (Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển), dự kiến khoảng 770 triệu USD đến giữa năm 2014.

Chiến lược Đối tác Quốc gia Việt Nam cũng nêu ra một số thành tựu phát triển quan trọng của Việt Nam như: Cuộc cải cách chính trị xã hội (Đổi Mới) bắt đầu từ năm 1986 đã đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD, thành một nước có thu nhập trung bình thấp với thu nhập bình quân đầu người là 1.130 USD vào cuối năm 2010. Tỉ lệ người nghèo đã giảm từ 58% vào năm 1993 xuống 14,5% năm 2008 và Việt Nam đã đạt được năm trong tổng số mười mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ban đầu (MDG) và đang tiến rất tốt trên đường đạt thêm hai mục tiêu vào năm 2015.

Chiến lược này cũng nhấn mạnh một số thách thức đối với đất nước, gồm duy trì mức tăng trưởng cao với bình ổn kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên hợp lý, giải quyết đói nghèo dai dẳng ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa, và đạt kết quả phát triển nhanh hơn.

Để giải quyết những thách thức này, CPS được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2011-2020, tập trung vào cải cách cấu trúc, bền vững môi trường, bình đẳng xã hội và những vấn đề mới nổi lên trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô…

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm