1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vui, buồn nhìn từ tháng mở màn năm 2013

(Dân trí) - Điểm sáng gần như duy nhất của kinh tế cả nước tháng khởi đầu năm là việc xuất siêu ước đạt 200 triệu USD. Còn lại, sản xuất công nghiệp khó khăn, tồn kho công nghiệp lên cao nhất 7 tháng, việc làm khu vực tư sụt giảm.

Xuất siêu ngay từ đầu năm

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 1/2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 10,1 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 3,5 tỷ USD, giảm 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 6,6 tỷ USD, giảm 1%.

Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu giảm so với tháng trước do hầu hết kim ngạch các mặt hàng đều giảm. Một số mặt hàng giảm mạnh có thể kể đến cao su giảm 13,6%; thủy sản giảm 15%; sắt thép giảm 23,7%; gạo giảm 25,7%; than đá giảm 56,6%. Chỉ duy nhất dầu thô tăng cao với mức 36,2%, tương đương 102 triệu USD.

So với cùng kỳ năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 tăng 43,2%. Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 36,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 47,3%.

Mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn và lạm phát thấp hơn 2012 là nhiệm vụ không dễ dàng.
Mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn và lạm phát thấp hơn 2012 là nhiệm vụ không dễ dàng.

EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 1,3 tỷ USD, tăng 51,8% so cùng kỳ. Tiếp đến là Mỹ, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 1,1%; ASEAN đạt 975 triệu USD, tăng 44,5%; Nhật Bản đạt 875 triệu USD, tăng 20%; Trung Quốc đạt 688 triệu USD, tăng 54%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2013 ước tính đạt 9,9 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6%; khu vực trong nước giảm 5,9%.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng khá cao là: Dầu thô tăng 115%; cao su tăng 23%; hóa chất tăng 11,3%. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu phân bón lại giảm 10%; xăng dầu giảm 21,1%; hàng điện gia dụng và linh kiện giảm 8,4%.

Trung Quốc vẫn đóng vai trò là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 1,6 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu từ khu vực ASEAN đạt 1,3 tỷ USD, tăng 24%; Hàn Quốc đạt 1 tỷ USD, tăng 42,8%; Nhật Bản đạt 654 triệu USD, tăng 45,2%; EU đạt 541 triệu USD, tăng 56,6%; Hoa kỳ đạt 326 triệu USD, tăng 41,7%.

Như vậy, trong tháng đầu năm 2013, Việt nam xuất siêu ước đạt 200 triệu USD, bằng 2% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm công nghiệp Tết Nguyên đán xuống thấp


Theo số liệu được Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng 1/2013 ước tính tăng cao ở mức 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Song mức tăng được lý giải chủ yếu do tháng 1 năm ngoái trùng với tháng Tết Nguyên đán, có số ngày nghỉ nhiều.

Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,3%, đóng góp 18,6 điểm phần trăm. Ngành sản xuất, phân phối điện tăng 20,7%, đóng góp 1,4 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 10,3%, đóng góp 1 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2013 so với cùng kỳ năm 2012 của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như TPHCM tăng 18,2%; Đồng Nai tăng 30%; Bình Dương tăng 44,4%; Hà Nội tăng 28,4%; Hải Phòng tăng 27,6%; Bắc Ninh tăng 28,9%; Vĩnh Phúc tăng 35,1%; Cần Thơ tăng 32,5%; Hải Dương tăng 26,8%; Đà Nẵng tăng 52,2%.

Tuy nhiên, theo lưu ý của Tổng cục Thống kê, mặc dù là tháng áp Tết Nguyên đán nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 năm nay lại giảm 3,2% so với tháng trước và giảm ở tất cả các ngành công nghiệp cấp I. Trong đó ngành khai khoáng giảm 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3%; sản xuất và phân phối điện giảm 1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%).

Điều này, theo cơ quan thống kê, cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm công nghiệp cho dịp Tết Nguyên đán năm nay thấp.

Trong khi đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước tính đạt 209,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 1%.

Tồn kho công nghiệp lên cao nhất 7 tháng

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/1/2013 tăng 21,5% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước là: Sản xuất thiết bị truyền thông tăng 374%; sản xuất xi măng tăng 35,7%; may trang phục tăng 23,3%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 17%; chế biến và bảo quản thuỷ sản tăng 15,8%...

Như vậy, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp đã tăng cao nhất trong vòng 7 tháng, kể từ tháng 7/2012 đến nay.

Lao động khu vực tư nhân giảm mạnh

Trong khi đó, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1 năm nay đã tăng 5,2% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,6%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,2% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 12,4%.

Tại thời điểm trên, lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng giảm 1,3% so với cùng thời điểm năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện tăng 1,2% và công nghiệp cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp so với cùng thời điểm năm trước của các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như TPHCM tăng 19,4%; Đồng Nai tăng 3,9%; Bình Dương tăng 16,8%; Hải Phòng tăng 1,8%; Bắc Ninh tăng 19%; Vĩnh Phúc tăng 1,8%; Cần Thơ tăng 3,8%; Hải Dương giảm 2,6%; Đà Nẵng tăng 5,9%. Hà Nội tăng thấp nhất, chỉ 0,8%.

Lạm phát tăng cao trở lại

Như Dân trí đã thông tin, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 năm nay đã tăng 1,25% so với tháng trước. Mặc dù theo Tổng cục Thống kê, mức tăng không quá cao khi đang là thời điểm giáp Tết Nguyên đán và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng đây là mức cao đặt trong bối cảnh hiện tại.

Chỉ số giá tháng này tăng một phần do nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị cho Tết, mặt khác do một số địa phương áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch ngày 29/2/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Y tế làm cho chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh, đóng góp 0,44% trong chỉ số giá tiêu dùng chung cả nước.

Tháng này cũng đánh giá sự tăng giá trở lại của hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,34%. Trong đó, sau một năm liền giảm giá, thực phẩm đã tăng 1,96%, cao hơn cả tăng chi phí ăn uống ngoài gia đình (0,6%). Ngoài ra, cần Tết cũng khiến nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng giá 1,3%.

Việc chỉ số CPI tăng mạnh và tăng sớm đặt ra lo ngại về CPI tháng 2 (rơi vào tháng Tết) sẽ còn lên cao và tạo áp lực cho kế hoạch kiểm soát lạm phát dưới 6,8% trong năm 2013 này.

Bích Diệp