1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

"Vua tôm" kể chuyện người nuôi phải treo ao, lãi cao với Thống đốc

Hoàng Tùng

(Dân trí) - "Nếu doanh nghiệp không mua, tôm giảm giá liên tục thì người nuôi treo ao. Chúng tôi chấp nhận lỗ, nhưng phải cứu người nông dân", ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, than với Thống đốc.

Chiều 13/12, tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị về giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng ĐBSCL.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư đa quốc gia IDI (Đồng Tháp), cho biết trải qua 2 năm dịch Covid-19, tiếp đến là một năm suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp đã cố gắng hết nguồn lực tài chính của mình để duy trì sản xuất. Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng riêng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - cho rằng, áp lực lớn nhất đối với doanh nghiệp của ông là làm sao có 200 tỷ đồng trả lương cho nhân viên, người lao động và mua được hết tôm nguyên liệu cho bà con nông dân trong vùng. Theo ông Quang, cuối tháng 11, ngân hàng đã có giải ngân nhưng doanh nghiệp của ông không dám vay vì lãi suất quá cao, trong khi giá bán tôm không tăng được.

"Hàng tồn kho rất nhiều, nếu doanh nghiệp tiếp tục mua nguyên liệu chỉ để trong kho thì lãi ngân hàng có chịu nổi không, đó là bài toán doanh nghiệp phải tính", người được mệnh danh là "vua tôm" nói.

Vua tôm kể chuyện người nuôi phải treo ao, lãi cao với Thống đốc - 1

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong ngành đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: HT).

"Nếu doanh nghiệp không mua, tôm giảm giá liên tục thì người nuôi treo ao. Tôi có kiến nghị duy nhất là mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để mua hết tôm cho bà con và trữ hàng tồn kho qua tháng 6. Khi hàng tồn kho các nước giảm chúng tôi bán. Chúng tôi chấp nhận lỗ, nhưng phải cứu người nông dân", ông Quang nêu ý kiến.

Ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai - cho biết doanh nghiệp có 12.000 người lao động, không làm cũng phải trả lương. Công ty hy vọng với quyết sách của Nhà nước sẽ giữ được toàn bộ nhân viên của tập đoàn, không để ai phải nghỉ việc. Theo ông, giảm lãi suất nếu có rất tốt, nhưng trước tiên phải khai thông nguồn vốn. Có vốn doanh nghiệp mới xoay xở, có tiền trả lãi ngân hàng. Người nông dân trông chờ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì cạn kiệt nguồn lực, muốn mua tạm trữ không được.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng các kiến nghị của doanh nghiệp rất xác đáng. Các kiến nghị về room tín dụng, gói tín dụng, lãi suất phù hợp... cũng là mục tiêu mà sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp ổn định, không để mặt bằng lãi suất ở mức cao.

Thống đốc cam kết sẽ yêu cầu đơn vị trong ngành đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý theo nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó là phải chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp thuộc ngành hàng thủy sản, lúa gạo, rau quả..., đánh giá nhu cầu tín dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng.

Thống đốc lưu ý các ngân hàng đã tuyên bố các gói tín dụng ưu tiên có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ đúng như cam kết.