Thiếu vốn, doanh nghiệp sản xuất chờ ngân hàng

Việt Đức

(Dân trí) - Theo chuyên gia, bổ sung thêm vốn tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là biện pháp nhanh nhất hiện nay song phải có sự kiểm soát chặt để tránh dòng vốn đi đường vòng sai mục đích.

Chờ giải ngân

Kinh doanh trong ngành gỗ với toàn bộ doanh thu từ xuất khẩu, Giám đốc Công ty Cổ phần Plytek Nguyễn Quang Hưng cho biết tình trạng thiếu vốn đã kéo dài vài tháng qua ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là vào mùa cao điểm cuối năm. 

Theo ông Hưng, việc thiếu vốn dẫn đến doanh nghiệp không mua được nguyên vật liệu, không sản xuất kịp cho các khách hàng ở nước ngoài đặt hàng cho mùa giáng sinh, năm mới. Không nhận được đơn hàng, doanh nghiệp đành nhìn khách hàng chuyển sang mua hàng ở các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...

Ông Hưng cho biết hạn mức tín dụng của doanh nghiệp tại ngân hàng vẫn còn nhưng với tình trạng hết room hiện nay, việc giải ngân của ngân hàng khó khăn. Doanh nghiệp phải đợi ngân hàng có thêm nguồn tiền, khách hàng khác trả nợ thì mới có thể được giải ngân vốn.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TPHCM (HAMEE), cho biết nếu vài tháng trước, các công ty trong hội đã khó khăn vì thiếu vốn thì nay lại càng khó hơn vì lãi suất tăng. Với các hợp đồng tín dụng đã ký từ trước, đến hạn giải ngân doanh nghiệp chưa chắc đã có vốn mà tùy thuộc ngân hàng có nguồn hay không.

Theo ông Tống, tình trạng khát vốn cũng dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền. Khách hàng cũng phải đi vay ngân hàng mới có tiền trả cho nhà cung cấp. Vì vậy, một số doanh nghiệp bị khách hàng chậm trả công nợ, dẫn đến dòng tiền lại càng thiếu hụt.

Vừa khó vay vốn, vừa chịu lãi suất cao, ông Tống cho biết nhiều doanh nghiệp trong hội trao đổi với nhau tìm giải pháp tiết giảm chi phí, hoãn các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất, hạn chế đến mức tối thiểu việc phải vay thêm vốn, cố gắng duy trì hoạt động ở mức bình thường.

Thiếu vốn, doanh nghiệp sản xuất chờ ngân hàng - 1

Bị giảm hạn mức, chậm giải ngân, doanh nghiệp sản xuất khó khăn vì thiếu hụt dòng tiền duy trì vốn lưu động (Ảnh: Tiến Tuấn).

Cấp thêm tín dụng nhưng không để đi đường vòng

Ông Nguyễn Hữu Trung - Phó chủ tịch HĐQT kiêm quyền Tổng giám đốc Vietbank - cho rằng ý kiến "khó tiếp cận vốn ngân hàng" thường được nêu ra có cả phần đúng và chưa đúng.

Theo ông, hoạt động cho vay của ngân hàng phải tuân thủ các điều kiện, quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn. Riêng nhà băng này luôn cân đối các nguồn vốn với giá hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc những lĩnh vực cần ưu tiên của nền kinh tế như dược - y tế, nhựa, du lịch, công nghiệp thực phẩm, nhà thầu xây lắp.

Theo TS Đinh Thế Hiển - Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng, dựa trên tương quan giữa tín dụng và GDP, mức tăng trưởng tín dụng 14% Ngân hàng Nhà nước đề ra năm nay cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu của nền kinh tế. Nếu loại trừ hai năm 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch, năm 2018-2019, GDP đều tăng trên 7% và tín dụng cũng tăng trưởng lần lượt 13,9% và 13,7%. 

Như vậy, có thể thấy nguồn vốn các ngân hàng cung ứng ra thị trường đủ cho nhu cầu nhưng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn "thiếu vốn". Lý giải thực tế này, ông Hiển cho rằng có phần nguyên nhân đến từ việc thị trường bất động sản đang đóng băng trong khi lĩnh vực này quá thâm dụng vốn.

Cụ thể, thanh khoản của thị trường bất động sản đi xuống, số lượng người mua sụt giảm mạnh khi cơ hội đầu tư "lướt sóng" không còn thuận lợi, các công ty bất động sản vì thế bị hụt dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Thực tế này cũng đã được đại diện các doanh nghiệp bất động sản nêu ra. 

Về lý thuyết, khi một lĩnh vực đi xuống, có rủi ro tăng lên, ngân hàng sẽ chuyển dòng vốn qua những lĩnh vực khác để tối ưu hiệu quả kinh doanh vốn. Dù vậy, khi thị trường bất động sản khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác cũng bị tắc nguồn vốn. Ông Hiển đánh giá rõ ràng có những ngân hàng đã không điều tiết tốt dòng vốn của mình. 

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất hiện nay, theo TS Đinh Thế Hiển, có 2 nhóm giải pháp chính gồm tiếp thêm nguồn vốn và chính doanh nghiệp phải giảm nhu cầu vốn của mình. 

Với giải pháp tiếp vốn, ông Hiển cho rằng tín dụng từ ngân hàng vẫn là nguồn nhanh nhất. Tuy nhiên, nếu nới thêm tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cần có giải pháp chặt chẽ để đảm bảo nguồn vốn bổ sung này không đi đường vòng, chảy vào bất động sản. Thực tế, có doanh nghiệp sản xuất cũng kinh doanh bất động sản nên nếu không kiểm soát tốt, việc cấp thêm tín dụng có thể không được sử dụng đúng mục đích, tiền lại chảy vào lĩnh vực bất động sản. 

Thiếu vốn, doanh nghiệp sản xuất chờ ngân hàng - 2

Nếu cấp thêm tín dụng, chuyên gia cho rằng phải có giải pháp quyết liệt để dòng tiền không đi đường vòng, chảy vào đúng khu vực sản xuất kinh doanh (Ảnh: Tiến Tuấn).

Chuyên gia này gợi ý phần tín dụng nếu được cấp bổ sung chỉ nên được giải ngân trực tiếp cho các doanh nghiệp phục vụ 3 mục đích gồm trả lương công nhân, mua nguyên vật liệu, mua máy móc thiết bị trực tiếp phục vụ sản xuất. Khoản vốn được cấp không được đột biến so với mức bình quân doanh nghiệp đã nhận trong 2 quý đầu năm. Việc này sẽ hạn chế khả năng sử dụng vốn sai mục đích.

Với nhóm giải pháp thứ hai, doanh nghiệp phải tái cấu trúc tài chính quyết liệt, cắt giảm chi tiêu, giữ nhu cầu vốn ở mức hợp lý nhất. Điều này sẽ đòi hỏi chuyên môn của người làm quản trị tài chính trong doanh nghiệp. 

Trong Nghị quyết 143/NQ-CP ban hành ngày 4/11 mới đây, Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.