“Vua thép” Trần Đình Long… bán thịt bò và cái kết bất ngờ

(Dân trí) - Những tháng cuối năm bị giảm lãi mạnh do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long vẫn báo lãi cao nhất lịch sử trong cả năm 2018. Bất ngờ hơn là kết quả về thị phần thịt bò Úc. Dẫu vậy, điều này chưa đảo ngược được xu hướng giảm của cổ phiếu HPG trong tháng đầu năm 2019.

Mặc dù thị trường cho thấy sự hồi phục đáng kể vào phút chót của phiên giao dịch 29/1, song cổ phiếu HPG của Hoà Phát vẫn ghi nhận mức giảm 0,17% còn 29.700 đồng, xoá đi thành quả của phiên tăng ngày 28/1.

Theo đó, trong tháng giao địch đầu tiên của năm 2019, HPG đã ghi nhận mức giảm 1.250 đồng/cổ phiếu, mất 4,04% về giá trị.

tran dinh long.jpg

Giá cổ phiếu HPG vẫn đang trong xu hướng giảm 

 

Cổ phiếu HPG sụt giá trong bối cảnh tập đoàn này vừa báo kết quả kinh doanh quý IV sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Trong quý IV, với tình hình giá thép giảm mạnh do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp thép bị thua lỗ, Hoà Phát báo doanh thu 14.500 tỷ đồng và 1.760 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 26,7% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, doanh thu hợp nhất của toàn tập đoàn này vẫn tăng 21% so với 2017, đạt 56.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt mức cao nhất lịch sử với 8.600 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch đặt ra.

Đáng chú ý, trong mảng nông nghiệp, doanh nghiệp của “vua thép” Trần Đình Long là Công ty TNHH Thương mại Hoà Phát cũng báo về doanh thu gấp 2 lần so với năm 2017, lợi nhuận tăng 176% và sản lượng bò Úc chiếm 42% thị phần toàn quốc, chính thức nắm thị phần số 1 sau 3 năm gia nhập thị trường.

Trở lại thị trường chứng khoán, hầu hết thời gian diễn biến trong dưới đường tham chiếu, tuy nhiên, các chỉ số chính vẫn đóng cửa phiên giao dịch 29/1 tại mức giá xanh nhờ sự bứt phá của dòng tiền trong những phút cuối cùng.

Cụ thể, VN-Index tăng 3,75 điểm tương ứng 0,41% lên 915,93 điểm còn HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,05% lên 102,37 điểm. Toàn thị trường có 256 mã tăng, 30 tăng trần vào 261 mã giảm, 32 mã giảm sàn. Nhìn chung, chênh lệch số mã tăng giảm nhìn chung không đáng kể.

Thanh khoản thị trường đạt thấp. Toàn sàn HSX có 121,44 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.782,47 tỷ đồng. Trên HNX, con số này là 20,25 triệu cổ phiếu và 290,25 tỷ đồng. Có 886 mã không hề có giao dịch nào trong phiên.

VCB phiên này tăng giá đóng góp đáng kể cho sự hồi phục của chỉ số. Trong mức tăng của VN-Index, chỉ riêng “ông lớn” này đã góp vào tới 1,35 điểm. Bên cạnh đó, VHM cũng ảnh hưởng tích cực, mang đến cho chỉ số chính 0,92 điểm.

Loạt các mã khác như CTG, POW, TCB, BVH… tăng giá, bù vào thiệt hại do GAS, ROS, BID, VJC, TPB giảm giá gây ra.

Theo thống kê của VDSC, khối nhà đầu tư ngoại đã gia tăng mua ròng trong phiên nàyvới giá trị 162 tỷ đồng trên HSX, tập trung vào POW (37 tỷ đồng), CTG (24 tỷ đồng), VCB (18 tỷ đồng), VHM (13 tỷ đồng) … Trên HNX, khối ngoại mua ròng 16,8 tỷ đồng chủ yếu là PVS (16 tỷ đồng) và VGC (2,7 tỷ đồng).

Các chuyên gia phân tích VDSC đánh giá, thị trường đi lên nhẹ với thanh khoản thấp, nhờ sự trợ lực của các cổ phiếu ngân hàng. Các cổ phiếu tiếp tục phân hóa mạnh, trong đó nổi bật hơn cả là nhóm vốn hoá trung bình và nhóm VN30. Nhà đầu tư tiếp tục tận dụng sự phân hóa để tìm kiếm lợi nhuận từ các cổ phiếu cụ thể, thay vì quá quan tâm đến các chỉ số chung.

Mai Chi

“Vua thép” Trần Đình Long… bán thịt bò và cái kết bất ngờ - 1