“Vua kiểng thú” xứ dừa

(Dân trí) - Nghệ nhân Năm Công (Nguyễn Văn Công, SN 1947, ngụ Hưng Khánh Trung B, Chợ Lách, Bến Tre) được phong là “vua kiểng thú” ở “vương quốc” hoa, cây kiểng Bến Tre. Sản phẩm kiểng thú của ông còn xuất ngoại vì nét độc đáo khó nơi nào có được.

Phá vườn cây đặc sản làm kiểng thú, kiểng hình

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

*
TP.HCM: Thị trường bất động sản có nhiều khởi sắc
* IPO tháng 7 dự kiến hút 2.000 tỷ đồng
* Thị trường nhà đất: Nhu cầu tăng dần với ‘hàng’ cao cấp
* Ngân hàng Việt coi chừng mất tiền với tài khoản khách Mỹ

* Tiến hành thanh tra VICEM

Nghệ nhân Năm Công cũng như nhiều nhà vườn ở vùng hoa, cây kiểng Chợ Lách sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng hoa, cây kiểng và các loại cây ăn trái đặc sản ở địa phươg. Tuy nhiên nghề trồng hoa lại khá bấp bênh nên ông muốn tìm hướng đi riêng bằng việc tạo hình cây kiểng.
 
Nghệ nhân Năm Công kể lại: “Lúc đầu tôi rất thích tạo hình con thú bằng những cây bùm sụm, mai chiếu thủy để vừa chơi theo niềm đam mê và khi được giá thì bán. Tuy nhiên, 2 loại cây này cứng, khó uốn, dễ bị chết nên việc tạo hình rất khó khăn”. Vậy là ông cứ loay hoay trồng hoa kiểng rồi chăm sóc vườn sầu riêng đặc sản chứ chưa tìm được giống cây thích hợp để tạo hình.

Kiểng hình ngựa độc đáo của nghệ nhân Năm Công
Kiểng hình ngựa độc đáo của nghệ nhân Năm Công

Cách đây hơn 20 năm, trong lần chở hoa lên TP Hồ Chí Minh bán tết, nghệ nhân Năm Công mua được 1 cây si (nhiều người gọi là gừa Tàu – PV) rất dẻo, có thể sinh sống ở vùng nước mặn, ngọt rất thích hợp cho việc tạo hình thú nên ông bắt đầu nhân giống và phá bỏ vườn sầu riêng đặc sản đang cho trái để trồng giống cây này.
 
Nghệ nhân Năm Công cho biết: “Khi đó nhiều người cho rằng tôi liều vì dám phá bỏ vườn cây đặc sản đang cho trái để trồng giống cây lạ hoắc mới nhập về chẳng biết hiệu quả như thế nào. Tuy nhiên, vừa trồng vừa nghiên cứu tôi quyết tâm làm ra sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của xứ hoa kiểng bằng hình những con thú độc đáo. Sản phẩm đầu tiên tôi dày công tạo dáng là cặp rồng sau đó bán cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre với giá 15 triệu đồng, tương đương 3 lượng vàng vào thời điểm đó”.
 

Đôi rồng luôn được các khu du lịch ưa chuộng
Đôi rồng luôn được các khu du lịch ưa chuộng

Từ thành công ban đầu, tiếng tăm của ông càng vươn xa khi có nhiều khách hàng đến đặt hàng để trang trí cho công viên, khu du lịch. Từ đó ông nghiên cứu làm ra bộ 12 con giáp, trong đó mỗi năm tết con gì thì lấy con đó làm chủ lực. Hầu hết sản phẩm của cơ sở ông làm ra không đủ bán và ông chuyển qua làm theo đơn đặt hàng. Toàn bộ diện tích 3 ha đất ông chuyển qua trồng cây si để làm nguyên liệu tạo dáng thành những con thú rồi đến bình hồ lô, bình trà, cây đàn, con tàu, nhà lục giác…

Nghệ nhân Năm Công chăm sóc những con voi bằng cây si chuẩn bị xuất cho khách hàng
Nghệ nhân Năm Công chăm sóc những con voi bằng cây si chuẩn bị xuất cho khách hàng

Hầu hết các lễ hội lớn ông thường “trúng thầu” làm ra những con vật bằng cây cảnh để trừng bày chon khách tham quan chiêm ngưỡng. Trong đó tại SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam ông nhận đặt hàng làm 40 con trâu bằng cây si để ban tổ chức trưng bày. Trong dịp Festival đàn ca tài tử vừa rồi tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu, ông được đặt hàng làm 25 cây đàn kìm rất độc đáo để trưng bày trong lễ hội.

Xuất ngoại máy bay, thú bằng cây kiểng

Năm 2013, nghệ nhân Năm Công còn xuất khẩu nhiều sản phẩm độc đáo của mình sang Singapore, Úc, Campuchia theo đơn đặt hàng. Trong đó các sản phẩm chính được xuất khẩu như: voi, con bù xè, chuồn chuồn, bướm, máy bay, xe ngựa, nhà lục giác… nghệ nhân Năm Công cho biết: “Sau khi hoàn thành những sản phẩm này được cắt ra thành từng khúc nhỏ cho vào Container để chuyển đi bằng đường tàu biển ra nước ngoài. Sau đó tôi phải đi máy bay qua bên đó 3 lần để lắp ráp, chuyển giao cho đơn vị đặt hàng”.

Khu vườn của nghệ nhân Năm Công như công viên thu nhỏ
Khu vườn của nghệ nhân Năm Công như công viên thu nhỏ

Hiện tại, toàn bộ khu vườn của nghệ nhân Năm Công như một vườn thú, công viên thu nhỏ với hàng loạt những con vật được tạo dàng bằng cây si như: công, voi, bộ 12 con giáp… Ngoài ra, còn 2 chiếc tàu biển dài 20m mang tên Hoàng Sa đang chuẩn bị xuất xưởng theo đơn đặt hàng của 1 công viên ở TP Vũng Tàu.

Bình trà khổng lồ được làm bằng cây si
Bình trà khổng lồ được làm bằng cây si

Nghệ nhân Năm Công cho biết: “Bây giờ tôi làm hầu như tất cả các sản phẩm chỉ cần đơn vị đặt hàng nói sơ qua về hình dáng, kích thước tôi sẽ phác thảo, làm khung sắt để uống thành hình con vật hay hình dáng đặc biệt theo yêu cầu. Trong đó từ những con côn trùng như kiến, bướm, bù xè đến con voi, ngựa, hươu đều được tạo dáng giống như thật”. Hiện tại, cơ sở nghệ nhân Năm Công thường xuyên tạo việc làm cho gần  20  lao động, nhiều người lành nghề đã mở cơ sở riêng nhưng ông không bao giờ giấu nghề. Từ cơ sở duy nhất của nghệ nhân Năm Công bây giờ xứ hoa kiểng Chợ Lách có hơn chục cơ sở chuyên làm kiểng thú, kiểng hình để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

Một góc vườn của nghệ nhân Năm Công
Một góc vườn của nghệ nhân Năm Công

Theo nghệ nhân Năm Công, hiện tại nhiều cơ sở cùng làm nên giá có giảm so với trước đây, tuy nhiên nhu cầu từ các quán cà phê, nhà vườn hay công viên cần rất lớn những sản phẩm kiểng độc đáo này nên người làm nghề này vẫn sống khỏe.

Minh Giang

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”