"Vựa heo" lớn nhất miền Trung gượng dậy sau dịch tả lợn châu Phi
(Dân trí) - Khi dịch tả lợn châu Phi tạm lắng, tỉnh Bình Định triển khai gói cho vay không tính lãi để khuyến khích người dân tái đàn heo. Nhờ vậy, người chăn nuôi ở đây mạnh dạn tái đàn kịp phục vụ dịp Tết.
Huyện Hoài Ân (Bình Định) ví như "vựa heo" lớn nhất miền Trung, nhiều nông dân "phất" lên nhờ nuôi heo, song đôi lúc người dân cũng lâm cảnh "trắng tay" khi đàn heo bị dịch bệnh. Năm 2019 là một minh chứng, dịch tả lợn châu Phi đã khiến người dân điêu đứng, nhiều hộ nuôi thua lỗ nặng.
Giống như nhiều hộ nuôi heo ở huyện Hoài Ân, hộ bà Trần Thị Mỹ Lênh (43 tuổi, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) lâm cảnh "trắng tay" vì heo bị dịch bệnh. Theo chia sẻ của bà Lênh, năm 2019, dịch tả lợn châu Phi "tấn công" làm cho trên 400 con heo thịt và heo nái đều phải bị tiêu hủy. Gia đình bà thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Sau khi dịch bệnh lắng xuống, bà Lênh quyết tâm tái đàn heo để gỡ gạc thua lỗ. Thế nhưng, giá heo giống quá cao khiến bà không thể thực hiện được việc tái đàn.
Thật may, không lâu sau khi tỉnh Bình Định triển khai gói cho vay 150 tỷ đồng không tính lãi để tái đàn heo, bà Lênh lập tức làm hồ sơ vay được 50 triệu đồng. Từ khoản tiền này, bà đã mua heo nái sinh sản và heo con giống thả nuôi. Đến nay, đàn heo của gia đình bà đang sinh trưởng và phát triển rất tốt.
"Khi huyện triển khai gói vay không lãi suất, tôi rất mừng nhưng cũng không dám đầu tư mạnh vì lần dịch trước gia đình bị thiệt hại quá lớn. Hiện, gia đình chỉ nuôi vài chục con heo, đồng thời đang nuôi thêm vịt để gỡ gạc lại vốn thua lỗ do nuôi heo", bà Lênh cho hay.
Dịch tả lợn châu Phi cũng làm gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (55 tuổi, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) mất 10 con heo nái và 40 con heo thịt, gia đình thiệt hại 50 triệu đồng.
Sau khi được hỗ trợ vay vốn, bà Tâm đầu tư 40 triệu đồng để mua heo giống, số tiền còn lại để mua cám nuôi heo. Hiện, bà Tâm đang có 10 con heo nái để tự tạo nguồn giống và nuôi 13 con heo thịt để xuất bán dịp Tết năm nay.
"Để phòng dịch tả lợn châu Phi, gia đình dùng vôi bột để sát khuẩn chuồng trại. Sau 3 tháng, tôi mới dám tái đàn lại nhưng vẫn rất lo lắng dịch tái bùng phát", bà Tâm nói.
Theo ông Võ Duy Tín, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân, việc triển khai gói vốn vay không lãi suất từ 150 tỷ đồng của UBND tỉnh Bình Định, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hoài Ân đã giải ngân 30 tỷ đồng cho 615 hộ vay để tái đàn lợn.
Qua khảo sát thực tế, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hộ đã xuất bán lợn và đã có lãi. Đến nay, có 7 hộ vay đã trả nợ cho ngân hàng được 640 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đang trên đà phát triển, việc tái đàn đang duy trì ổn định và có bước tăng vọt, ước tổng đàn gần 900 ngàn con (tăng 30% so với trước dịch tả lợn châu Phi).
Theo ông Quốc, sau khi UBND tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ vốn vay 150 tỷ đồng cho các đối tượng là những hộ bị ảnh hưởng bởi dịch hoặc những hộ có điều kiện chăn nuôi. Những hộ được hỗ trợ vay vốn đã tái đàn và có lãi lớn.
"Tuy nhiên, ở các hộ nhỏ lẻ, việc tái đàn có khó khăn do vấn đề chăn nuôi không an toàn sinh học, điều kiện nguồn vốn không có, chuồng trại hạn chế, giá heo giống cao... Chúng tôi không khuyến khích tái đàn ở những hộ không đủ điều kiện an toàn, mà tập trung hỗ trợ những hộ có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học", ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, những hộ nào chấp hành tốt những yêu cầu của cơ quan thú y trong việc xây dựng các trang trại an toàn, thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng, ngăn chặn triệt các loại côn trùng xâm nhập vào chuồng trại bằng các lưới vây, lưới mùng; kiểm soát thức ăn đầu vào… thì hầu như các trang trại này không có dịch bệnh xảy ra.
"Vừa qua, nhờ giá heo cao cùng với việc áp dụng đồng bộ các khâu kỹ thuật nói trên mà nhiều hộ thắng lợi từ hàng trăm đến các tỷ đồng", ông Quốc nói thêm.