1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Làm giàu không khó:

“Vua đầu bếp Việt” chia sẻ bí quyết kinh doanh chuỗi cửa hàng bánh mỳ

(Dân trí) - Với số vốn ban đầu khoảng 1 tỷ đồng, Minh Nhật lựa chọn việc kinh doanh chuỗi cửa hàng bánh mỳ theo hình thức “street food” với nguyên tắc quy chuẩn hóa toàn bộ…

Hoàng Minh Nhật - quán quân Vua đầu bếp Việt mùa 2, từng gây ấn tượng và chinh phục khán giả bởi gu ẩm thực tinh tế cũng như kỹ thuật nấu ăn điêu luyện, sáng tạo.

Gặp lại Minh Nhật một năm sau cuộc thi, cô gái 9x Hà Nội đã trở nên chín chắn và trưởng thành hơn rất nhiều. Cô hiện là bà chủ của chuỗi cửa hàng bánh mỳ “street food” (ẩm thực đường phố) với hơn 100 nhân viên có mặt ở khắp Hà Nội. Tuy mới đi vào hoạt động được gần 5 tháng thế nhưng hệ thống cửa hàng của Minh Nhật đã cho doanh thu khá ổn định, đây cũng trở thành địa chỉ được nhiều khách nước ngoài và tín đồ yêu thích ẩm thực bình chọn là một trong những địa điểm ẩm thực đường phố hấp dẫn nhất. 

Đi 3 tháng để ăn thử hàng trăm loại bánh mỳ trên khắp cả nước

Minh Nhật cho biết từ bé đã đam mê nấu ăn. 12 tuổi, cô đã thuộc lòng hầu như tất cả các công thức nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam như: canh chua, nem, giò, chả... Trong tất cả các ngày lễ tết, Nhật và mẹ đều tự tay vào bếp chuẩn bị đồ ăn cho cả đại gia đình.

Bạn đọc có thắc mắc hay cần tư vấn, chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, hãy gửi đến cho chúng tôi: kinhdoanh@dantri.com.vn

Đam mê nấu ăn là thế nhưng Nhật cho biết chưa bao giờ nghĩ lớn lên sẽ kinh doanh đồ ăn hay một cái gì đó tương tự.

"Tốt nghiệp đại học, tôi cũng nhận được một số lời mời làm việc của các công ty nước ngoài, thế nhưng việc giành giải nhất trong cuộc thi Vua đầu bếp Việt đã khiến tôi có suy nghĩ khác...", Minh Nhật chia sẻ.

Theo Nhật, nấu ăn giờ đây không chỉ đơn thuần là sở thích, là mong muốn gắn kết các thành viên trong gia đình, mà đã trở thành mục tiêu để chinh phục trong sự nghiệp ẩm thực của đời cô. Chính vì khao khát này, cô quyết tâm bắt tay vào việc kinh doanh chuỗi đồ ăn mang tên mình. 

Với số vốn ban đầu khoảng 1 tỷ đồng, Minh Nhật cũng phải chật vật và đau đầu khi lựa chọn một mô hình kinh doanh hiệu quả. “Tôi cũng đã cân nhắc và tính toán đến việc mở một nhà hàng bán đồ Tây hoặc các món ăn truyền thống Việt Nam nhưng vốn ít, kinh nghiệm quản lý chưa nhiều, thêm vào đó lại gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các thương hiệu sẵn có trên thị trường nên rất dễ gặp thất bại”. Cuối cùng sau khi suy đi tính lại, Nhật quyết định nhắm đến việc kinh doanh chuỗi cửa hàng bán bánh mỳ.

Cô gái 9x này phân tích: "Thực tế bánh mỳ Việt khá nổi tiếng lại được bình chọn là một trong những món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, để nâng tầm nó lên thì chưa mấy người làm được. Tôi muốn bắt đầu từ cái nhỏ trước đã rồi mới nghĩ đến những cái lớn hơn. Tôi kỳ vọng và đặt mục tiêu sẽ xây dựng bánh mỳ trở thành một thương hiệu biểu tượng gắn liền với du lịch và ẩm thực Việt Nam".


Minh Nhật cho biết cô kỳ vọng sẽ tạo dựng được thương hiệu bánh mỳ Việt của riêng mình

Minh Nhật cho biết cô kỳ vọng sẽ tạo dựng được thương hiệu bánh mỳ Việt của riêng mình

Trước khi bắt tay vào kinh doanh, Minh Nhật mất khoảng ba tháng để chuẩn bị. Cái khó nhất theo Nhật chính là tạo ra nét riêng biệt và đặc sắc cho món ăn của cửa hàng mình.

Do đó, cô dành nhiều thời gian đi khắp mọi miền đất nước từ Hội An, Đà Nẵng, TPHCM đến các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Nam Định… chỉ để nếm thử bánh mỳ ở các địa danh này. Có ngày, Minh Nhật phải ăn liền tù tì 6 chiếc bánh chỉ đề tìm ra được một hương vị độc đáo mà cô ấn tượng. Nhật nghiệm ra rằng, một món ăn ngon không phải là sự khoe khoang hay thể hiện kỹ xảo nấu nướng cầu kỳ mà đó phải là tìm ra một hương vị chung được số đông chấp nhận.

“Quán quân vua đầu bếp Việt” nhốt mình nhiều ngày trong bếp để thử nghiệm các nguyên liệu cho chiếc bánh. Cô lựa chọn và tính toán cẩn thận về khẩu vị, trọng lượng thành phần để cân bằng dinh dưỡng. Bánh mỳ của Minh Nhật có tới 13 loại, ngoài các thành phần cơ bản còn có tới 6 loại chả. Đặc biệt, cô gái 9x cũng quyết định đưa sa tế tôm vào nhân bánh – điều chưa từng có ở bánh mỳ Hà Nội. Chỉ riêng việc đưa nguyên liệu nào vào trước, nguyên liệu nào sau cũng được Nhật tính toán để nó hỗ trợ trong việc tạo mùi vị cho thực khách.

Xong xuôi, Minh Nhật cũng nghiên cứu, tìm cách chế biến loại nước uống nào phù hợp nhất. Cô sáng chế ra loại nước chanh sả uống kèm bánh mỳ, vừa thanh mát, vừa giúp chống ngán. Sau khi lựa chọn được công thức chuẩn nhất cho món ăn của mình, Minh Nhật mới bắt tay vào việc tìm địa điểm, thiết kế cửa hàng cũng như tuyển nhân viên. 

Xây dựng cửa hàng theo chuỗi, quản lý nhân viên theo hệ thống chuyên nghiệp

Cô gái 9x Hà Nội chia sẻ: “Mục đích kinh doanh ban đầu của mình là xây dựng chuỗi cửa hàng có thương hiệu, nên tất cả mọi thứ dù nhỏ nhất cũng được quy chuẩn hóa...".

Địa điểm mở quán mà Nhật chọn là những nơi đông khách du lịch và tập trung nhiều dân cư. Vì xây dựng cửa hàng theo dạng “street Food” nên Nhật thiết kế quán có diện tích vừa phải, trong đó dành không gian cho khách ngồi gần vỉa hè để thưởng thức ẩm thực.

Các cửa hàng này không phải chế biến thực phẩm trực tiếp mà sẽ được cung cấp toàn bộ từ hệ thống bếp tổng với khoảng 10 đầu bếp chuyên nghiệp. Dự tính ban đầu khá suôn sẻ thế nhưng khi bắt tay vào thực tế, Minh Nhật gặp không ít khó khăn.

Cô phải đập đi xây lại cửa hàng rất nhiều lần. Hệ thống lò nướng cũng được thay đổi 3, 4 lần mới phù hợp và thuận tiện để phục vụ khách hàng. Thời gian đầu, dù các nhân viên đã được “traning” các kỹ thuật chế biến thành phẩm bánh nhưng đến cuối ngày số nguyên liệu vẫn không khớp với lượng bánh bán ra theo quy định. Điều này khiến Minh Nhật vô cùng lo lắng, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng bánh.

Nhật nói: “Để làm được một chiếc bánh mỳ hoàn hảo không khó, nhưng phải đảm bảo 1 nghìn chiếc với những định lượng chính xác tuyệt đối thì không đơn giản. Phải tính toán làm sao khi ăn bánh mỳ từ đầu đến cuối vẫn đảm bảo được độ giống nhau về vị giác. Chỉ cần một miếng chả đặt lệch cũng có thể phá hỏng hương vị của chiếc bánh. Nhiều khi quán đông, nhân viên sơ ý, hoặc không tuân thủ đúng nguyên tắc cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của chiếc bánh”.

Minh Nhật (giữa) hiện là bà chủ của chuỗi cửa hàng bánh mỳ khá nổi tiếng ở Hà Nội
Minh Nhật (giữa) hiện là bà chủ của chuỗi cửa hàng bánh mỳ khá nổi tiếng ở Hà Nội

Về sau, Nhật phân chia công việc ra từng khâu và giao cho các quản lý giám sát, thực hiện, đồng thời mua thêm các phần mềm quản lý đồng bộ nên mọi việc dần đi vào quỹ đạo. Ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cô cũng mở các chiến dịch quảng bá, xây dựng hình ảnh cho thương hiệu bánh mỳ của mình. Minh Nhật tổ chức các ngày ăn bánh miễn phí, xây dựng đường dây nóng và các kênh bán hàng trực tuyến.

Đồng thời cô liên tục tung ra các gói khuyến mại hấp dẫn cho những công ty, đơn vị du lịch khi đặt hàng với số lượng lớn để kích cầu. Cô cũng dành thời gian, xây dựng các nguyên tắc cho nhân viên trong kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách hàng. Không chỉ thế, cửa hàng của Minh Nhật luôn có các sổ góp ý để khách viết cảm nhận của mình khi dùng bánh.

Nhờ chiến lược kinh doanh đúng đắn, món ăn hấp dẫn nên chỉ trong một tháng đầu tiên đi vào hoạt động, quán bánh mỳ của cô gái 9x Hà Nội đã cho doanh thu khá tốt. Ngay sau đó, Minh Nhật mạnh dạn đầu tư mở thêm hai cửa hàng, trung bình mỗi ngày một cửa hàng phục vụ hàng trăm lượt khách, cao điểm có thời gian số lượng bánh tiêu thụ lên đến hàng nghìn chiếc.

Dự tính đến cuối năm nay, cô sẽ mở thêm 7 cửa hàng, trong đó sẽ có một số cửa hàng ở các thành phố lớn của miền Bắc. Nhật hào hứng cho biết, hiện cũng đã có một số đối tác ở nước ngoài ngỏ lời muốn mua thương hiệu của cô, nhưng Minh Nhật chỉ muốn phát triển và mở rộng thị trường ổn định trong nước.

Chia sẻ về bí quyết kinh doanh của mình, Nhật cho biết: “Những người trẻ như tôi thường khá nôn nóng, đôi khi dễ bị “cám dỗ” với những lợi ích trước mắt. Làm kinh doanh ai cũng muốn lãi lớn, thu hồi vốn nhanh thế nên hay mắc phải những sai lầm đáng tiếc. Tôi muốn tiến từng bước nhỏ, chậm nhưng chắc chắn.

Tham vọng của tôi không chỉ trở thành một doanh nhân giỏi mà tôi muốn xây dựng một thương hiệu bánh mỳ cho mình, đồng thời góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài. Tôi muốn chứng minh rằng, ẩm thực Việt cũng không hề thua kém các thương hiệu nổi tiếng khác trên thế giới và tôi nghĩ là mình sẽ làm được chỉ là sớm hay muộn mà thôi”.

Hà Trang

 

“Vua đầu bếp Việt” chia sẻ bí quyết kinh doanh chuỗi cửa hàng bánh mỳ - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm