1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Phú Yên:

Vụ tôm hùm chết hàng loạt: Người nuôi nghi ngờ do doanh nghiệp xả thải

(Dân trí) - Theo thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên, đã có hơn 500.000 con tôm hùm nuôi của người dân đã chết, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trước vụ việc trên, người nuôi tôm nghi ngờ do cơ sở chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng xả thải gây ra.

Trao đổi với PV, đại diện công ty TNHH Nguyễn Hưng cho biết, hệ thống xử lý nước thải của đơn vị có công suất 80m3/ngày. Nhưng hiện chỉ hoạt động thải ra lượng nước khoảng 12 - 40m3/ngày. Tất cả nước thải của cơ sở được tập trung về bể thu gom, sau đó được chuyển sang bể điều hòa, bể kỵ khí, rồi chuyển sang bể anoxic khử nitơ, đến bể Aerotank xử lý COD, BOD rồi chuyển đến bể lắng, bể khử trùng và cuối cùng là bể sinh học.

Hơn 500.000 con tôm hùm nuôi ở Phú Yên đã bị chết, nhiều người nuôi tôm hùm rơi vào cảnh nợ nần trắng tay.
Hơn 500.000 con tôm hùm nuôi ở Phú Yên đã bị chết, nhiều người nuôi tôm hùm rơi vào cảnh nợ nần trắng tay.

Theo quy trình trên, nước thải sau khi xử lý đến bể sinh học là đạt tiêu chuẩn B. Tại đây, đơn vị tiếp tục xử lý bằng cách thả bèo và cá, sau đó công ty tận dụng nước này để tưới cây và vệ sinh nhà máy, nên hiện nhà máy không có nước thải để thải ra môi trường.

Thế nhưng hai tháng qua, công ty Nguyễn Hưng khắc phục bể khử trùng, bể lắng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy lên khoảng 120m3/ngày. Nên hiện tại công ty chỉ xử lý đến công đoạn Aerotank. Sau đó, đơn vị dùng xe bồn vận chuyển lượng nước thải này đến nhà máy bột cá Phú Bình (cơ sở 2 của Nguyễn Hưng tại xã Xuân Cảnh, Sông Cầu) để tiếp tục xử lý…

Ông Nguyễn Hưng Hòa - Giám đốc Nguyễn Hưng cũng thừa nhận, việc vận chuyển nước thải trên chưa được báo cáo với cơ quan chức năng, chưa đúng quy trình. “Đây chỉ là giải pháp tình thế trong quá trình nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, mục đích làm sao để hệ thống xử lý đạt kết quả cao nhất. Việc tôm, cá ở vịnh Xuân Đài (Sông Cầu) bị chết trong thời gian qua đã có cơ quan chức năng kết luận. Vấn đề bà con nghi ngờ nhà máy xả thải ra môi trường, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ. Nếu kết luận công ty vi phạm, chúng tôi chấp nhận bị xử lý theo luật định”, ông Hoà nói.

Về vấn đề người dân phản ứng tập thể, ông Phạm Kiên - Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Phú Yên cho biết, cơ quan chức năng địa phương đang tập trung xử lý việc dân phản ứng tập thể do nghi ngờ một doanh nghiệp xả thải, gây chết tôm hùm nuôi. Trong những ngày qua chúng tôi cũng vận động người dân nên kiềm chế, bình tĩnh, tránh hành vi quá khích. Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, khi có kết quả sẽ công bố công khai, xử lý minh bạch theo luật định.

Người dân cho rằng, khu vực xử lý nước thải tại cơ sở chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng có vấn đề, nên mới gây ra vụ chết tôm hùm nuôi hàng loạt.
Người dân cho rằng, khu vực xử lý nước thải tại cơ sở chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng có vấn đề, nên mới gây ra vụ chết tôm hùm nuôi hàng loạt.

Trao đổi về vấn đề này ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Chính quyền tỉnh đã chỉ đạo cơ quan hữu trách lấy mẫu nước tại Nguyễn Hưng để đưa kiểm định cụ thể. Ngoài ra, nếu người dân không tin tưởng thì có thể thuê đơn vị độc lập để kiểm tra vấn đề này. Nếu doanh nghiệp thực sự sai, thì UBND tỉnh sẽ xử lý theo quy định luật pháp hiện hành.

Như báo Dân trí đã đưa tin, trong khoảng 10 ngày gần đây tại Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã có 523.970 con tôm hùm nuôi sắp thu hoạch bị chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Theo kết luận của các ngành chức năng có liên quan, nguyên nhân tôm hùm nuôi chết hàng loạt được xác định là: Thành phần tảo giáp chiếm ưu thế, mật độ tế bào tảo rất cao, tế bào tảo tương đối lớn có khả năng sắp tàn; chỉ tiêu NH3, PO4 vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản, chỉ tiêu ô-xi hòa tan trong nước quá thấp. Những nguyên nhân trên đã dẫn đến tôm bị nhiễm bệnh sữa chết dần.

Trung Thi