1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Phú Yên:

Ngư dân mất hàng chục tỷ đồng vì tôm hùm nuôi chết hàng loạt

(Dân trí) - Hiện tượng tôm hùm chết rải rác rồi chết hàng loạt tại “thủ phủ” nuôi tôm hùm ở Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Hiện theo ước tính, đợt chết hàng loạt lần này đã cướp trắng của người nuôi tôm hàng chục tỷ đồng.

Đau lòng hơn là tôm hùm ở địa phương này đang vào thời kỳ chuẩn bị thu hoạch, nếu thuận lợi tôm có thể bán với giá lên đến trên 1 triệu đồng/kg.

Mất trắng hàng chục tỷ đồng

Nhiều người nuôi tôm ở Vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu), cứ ngỡ vụ thu năm nay sẽ bù lỗ được những thiệt hại mà tôm chết rải rác trước đây, nhưng nào ngờ tôm lại chết. Việc tôm chết đã dẫn đến nhiều hộ nuôi lâm vào cảnh nợ nần trắng tay. Hiện giá tôm chết chỉ có thể bán với giá vài chục nghìn đồng.

Hơn 500 nghìn con tôm hùm chết khiến người nuôi tôm thua lỗ nặng nề
Hơn 500 nghìn con tôm hùm chết khiến người nuôi tôm thua lỗ nặng nề

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, đến thời điểm hiện tại đã có 523.970 con tôm hùm chết, trong đó: xã Xuân Phương có khoảng 141 hộ nuôi bị thiệt hại với tổng số tôm chết là 418.770 con (4.230 lồng), trong đó tôm hùm Bông chết 164.970 con (2.538 lồng); tôm hùm Xanh chết 253.800 con (1.692 lồng).

Tại phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu), có khoảng 202 hộ nuôi bị thiệt hại với tổng số tôm hùm chết là 105.200 con (1.140 lồng); trong đó tôm hùm xanh chết 73.640 con (566 lồng); tôm hùm bông 31.560 con (574 lồng).

Vẻ mặt buồn rầu, ông Nguyễn Thanh Quang, xã Xuân Yên, thị xã Sông Cầu nói: “Có bao nhiêu vốn luyến gia đình tôi đều tập trung vào đây cả và thêm vào đó là một số khoản vay ngân hàng để đầu tư nuôi tôm. Cứ nghĩ vụ tôm năm nay thành công sẽ bù lỗ những vụ tôm chết rải rác từ cuối năm 2016 đến nay, nào ngờ tôm lại chết. Tôm của tôi nhiều con đã nặng gần 1kg, thương lái đang chuẩn bị đến cân mua. Vậy mà chỉ sau một đêm là tiêu tan hết…”.

Xác tôm chết vứt quanh hồ tôm
Xác tôm chết vứt quanh hồ tôm

Ngư dân Phạm Canh thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) cho biết: “Hiện tại với những con tôm đã chết, tư thương chỉ mua với giá cao nhất cũng chỉ bằng 1/10 so với lúc sống, nhưng vẫn phải bán vì vớt vát lại phần vốn nào hay chừng đó. Thậm chí nhiều nơi do tôm hùm chết quá nhiều nên chỉ bán được 30.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi tôm sống giá hơn 1 triệu đồng/kg".

Đã xác định được nguyên nhân

Sau khi tiếp nhận việc tôm hùm nuôi chết hàng loạt như trên, cơ quan chuyên ngành đã vào cuộc lấy mẫu nước và mẫu tôm chết. Đến nay các cơ quan này đã có kết quả xác định nguyên nhân dẫn đến việc tôm chết la liệt.

Kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản cho thấy: Thành phần tảo giáp chiếm ưu thế, mật độ tế bào tảo rất cao, tế bào tảo tương đối lớn có khả năng sắp tàn; chỉ tiêu NH3, PO4 vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản, chỉ tiêu ô-xi hòa tan trong nước quá thấp.

Vụ tôm hùm cuối năm 2016, người nuôi tôm thị xã Sông Cầu (Phú Yên) trắng tay vì tôm chết hàng loạt, thì nay tôm tiếp tục chết như ngả rạ khiến người nuôi điêu đứng (ảnh tư liệu)
Vụ tôm hùm cuối năm 2016, người nuôi tôm thị xã Sông Cầu (Phú Yên) trắng tay vì tôm chết hàng loạt, thì nay tôm tiếp tục chết như ngả rạ khiến người nuôi điêu đứng (ảnh tư liệu)

Còn theo, kết quả phân tích mẫu bệnh do Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu tôm hùm gửi cơ quan Thú y vùng 4 xét nghiệm, các bệnh truyền nhiễm cho thấy tôm bị nhiễm bệnh sữa.

Với việc tôm chết hàng loạt như vậy đã gây tổn thất kinh tế rất lớn cho người nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên. Chính vì nguyên nhân trên ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Dở NN&PTNT đó có văn bản hướng dẫn chính quyền địa phương thống kê, lập danh sách. Để Sở có chính sách, cơ chế giúp người dân có điều kiện tái đầu tư nuôi trồng trở lại.

Ngoài ra, Sở cũng vận động người nuôi vớt thủy sản chết đem vào bờ xử lý hoặc bán để hạn chế việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến những lồng tôm còn sống và điều kiện môi trường nuôi sau này.

Khuyến cáo người nuôi

Người dân nên nuôi theo quy hoạch của địa phương, tránh tình trạng nuôi rải rác rất khó quản lý. Ngoài ra nên đặt lồng nuôi tôm ở nơi có độ sâu tối thiểu khi triều thấp là 4m (đối với nuôi lồng găm), hoặc từ 4 - 8 m (đối với nuôi lồng nổi). Định kỳ vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu bám làm bít lỗ lưới. Di chuyển lồng nuôi đến nơi thông thoáng có lưu tốc dòng chảy tốt, độ sâu thích hợp.

Thường xuyên theo dõi thủy sản nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố xảy ra. Khi phát hiện thủy sản nuôi xảy ra hiện tượng ngạt cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp di chuyển lồng đến vị trí thông thoáng hơn, nâng lồng lên gần mặt nước, áp dụng các biện pháp tạo ô-xi, để tăng hàm lượng ô-xi hòa tan trong nước để cho thủy sản hô hấp.

Sử dụng thức ăn cho tôm phải tươi, được bảo quản tốt, được sát trùng (có thể ngâm thuốc tím nồng độ 3-5 mg/l) trước khi cho tôm ăn, quản lý cho ăn tránh dư thừa.

Người dân cũng nên lựa chọn giống tôm tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh trường hợp tôm giống ngay từ ban đầu đã có các bệnh truyền nhiễm.


Trung Thi