1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ “rút ruột” tại Trust Bank, VNCB: “Kẻ cắp gặp bà già”

(Dân trí) - Trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng Trust Bank (tiền thân của VNCB) cho nhóm Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh, bà Hứa Thị Phấn, đại diện nhóm Phú Mỹ đã gây lỗ hơn 6.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng của ngân hàng này.

Kẻ “khởi động” chiến dịch bòn rút

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, trong đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), trách nhiệm không chỉ thuộc về ông Phạm Công Danh mà còn liên quan tới bà Hứa Thị Phấn.

Theo điều tra, ngày 9/9/2012, Cục Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 652/NHNN-TTGSNH gửi Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) thông báo về việc chấp thuận chủ trương, cho phép nhóm của bà Hứa Thị Phấn chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới là Tập đoàn Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch.

Được biết, vào thời điểm trước khi nhóm Thiên Thanh tiếp quản Trust Bank, ngân hàng này đã bị nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn (còn gọi là Sáu Phấn, người sở hữu gần 85% cổ phần của Trust Bank) làm đại diện “rút ruột”, tàn phá nghiêm trọng. Theo kết luận của cơ quan chức năng, khi ấy, thực trạng tài chính ở nhà băng này là rất xấu, trong đó vốn chủ sở hữu âm 2.854,83 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061,74 tỷ đồng.


Nhiều người ví von giữa ông Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn là kẻ cắp gặp bà già

Nhiều người ví von giữa ông Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn là "kẻ cắp gặp bà già"

Như vậy, dưới thời của bà Phấn, Trust Bank đã bị thua lỗ số tiền gấp đôi vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng của chính ngân hàng này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Trust Bank bị đẩy vào trạng thái khủng hoảng, suy thoái là có “dấu tay” của bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm.

Thủ đoạn “rút ruột” ngân hàng triển vọng nhất miền Tây của bà Phấn còn được thể hiện rõ nét hơn thông qua những tài liệu mà cơ quan chức năng thu thập được về nhiều sai phạm trong chuỗi hành vi bất chính của bà. Cụ thể, trong 2 năm 2009 – 2010, bà Phấn đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng nhờ người đứng tên thâu tóm Trust Bank. Ngay sau đó, bà Phấn tiếp tục sử dụng ảnh hưởng của mình, nhờ 29 đối tượng đứng tên giùm, vay của Trust Bank số tiền lên tới 3.581 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản vay phần lớn là những khoảnh đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè. Đáng chú ý nhất, trong lần vay mượn này, những khoảnh đất dùng để thế chấp nếu quy ra giá thị trường vào thời điểm ấy chỉ khoảng 300.000 – 1 triệu đồng/m2 nhưng lại được Trust Bank định giá lên tới 8-32 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, theo những bằng chứng mà Luật sư Hà Hải (một trong những người tham gia bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) có được, tất cả các cổ đông sở hữu cổ phần tại Trust Bank lúc bấy giờ đều ký khống hồ sơ chuyển nhượng cổ phần theo đề nghị của bà Hứa Thị Phấn.

Không chỉ thế, vào khoảng tháng 2/2012 sau khi nhóm Phú Mỹ thống nhất với ông Hà Văn Thắm về việc thực hiện việc chuyển nhượng hơn 84% cổ phần tại ngân hàng cho nhóm ông Hà Văn Thắm nhằm tài cấu trúc ngân hàng, bà Phấn có ký khống giấy chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; Hợp đồng ủy quyền và giao toàn bộ cổ phần 84,92% cho ông Hà Văn Thắm. Tuy nhiên đến thời điểm tháng 5/212-6/2012, ông Hà Văn Thắm không tiếp tục thực hiện nhận chuyển nhượng như đã thống nhất với nhóm Phú Mỹ và chủ động chuyển giao cổ phần sang cho nhóm Thiên Thanh.

Theo Luật sư Hà Hải thì việc kinh doanh thua lỗ là của Trust Bank (chứ không phải VNCB) vì tính đến cuối năm 2012 lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Trust Bank. Bởi lẽ ông Danh được NHNN chấp nhận về ngân hàng này từ ngày 7/2/2013 và đến ngày 23/5/2013 Trust Bank đổi tên thành VNCB.

“Việc chuyển nhượng cổ phần Trust Bank từ bà Hứa Thị Phấn sang cho ông Phạm Công Danh là trái pháp luật và đề nghị điều tra làm rõ”, Luật sư Hà Hải nói.

“Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”

Những tưởng sẽ có một vụ án hình sự được “khai sinh” tại Ngân hàng Đại Tín để truy cứu trách nhiệm của các cá nhân gây nên thua lỗ, thì nhóm của bà Phấn lại nhanh tay, khôn khéo đùn đẩy “đống phế thải” Trust Bank cho nhóm ông Phạm Công Danh.

Về phía ông Phạm Công Danh, do ấp ủ sẵn mưu đồ thâu tóm Trust Bank để thực hiện chiến lược “rút khô máu” ngân hàng này nên khi được nhóm Phú Mỹ “mở lời”, ông ta cũng vội vàng thống nhất, ký biên bản thỏa thuận với đối tác. Hiển nhiên bà Hứa Thị Phấn cũng nhanh chóng ký hợp đồng với ông Phạm Công Danh với nội dung chuyển giao cổ phần của nhóm Phú Mỹ cho nhóm Thiên Thanh với giá hơn 4.600 tỷ đồng. Theo đó, ông Phạm Công Danh có trách nhiệm trả nợ khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng của nhóm bà Hứa Thị Phấn làm đại diện và nhiều khoản tiền khác được bà Hứa Thị Phấn rút của Trust Bank trước đó.

So sánh giữa 2 triều đại từ Trust Bank đến VNCB, các luật sư nói rằng thực ra là kẻ ăn ốc, người đổ vỏ
So sánh giữa 2 "triều đại" từ Trust Bank đến VNCB, các luật sư nói rằng thực ra là "kẻ ăn ốc, người đổ vỏ"

“Lỡ phóng lao thì phải theo lao”, ông Phạm Công Danh phải tiếp tục rút tiền từ Trust Bank nhằm trả tiền cho nhóm Phú Mỹ. Để có tiền chi trả cho nhóm Phú Mỹ theo hợp đồng, phục vụ những lợi ích cá nhân…, ông Danh buộc phải lao theo “vết xe đổ” của “bậc tiền bối” để tiếp tục “rút ruột” Trust Bank. Không thua kém “đàn chị”, ông Phạm Công Danh cùng những người liên quan được cho là đã không từ bất cứ một thủ đoạn nào để rút ruột ngân hàng này, từ lập dự án khống nâng cấp hệ thống phần mềm, tới nâng giá và làm khống hợp đồng thuê mặt bằng cho tới việc thông qua 12 công ty con “ma” (do bảo vệ, vợ bảo vệ, nhân viên, người nhà... làm giám đốc) và 2 pháp nhân khác, lập các hồ sơ khống, thế chấp 1 mảnh đất nhiều khoản vay nhằm lấy được càng nhiều tiền từ VNCB càng tốt.

Do vậy, điều không tránh khỏi là Trust Bank (tức VNCB dưới thời ông Phạm Công Danh) sẽ bị “ông trùm” này bòn rút, “bào mòn” đến cùng kiệt. Suy cho cùng, cả kẻ “thoái vị” và người “nối ngôi” đều có chung mục đích là ra sức thâu tóm rồi “rút ruột”, hủy diệt Trust Bank.

Tuy nhiên, ông Phạm Công Danh và đồng bọn thì đã bị khởi tố và đưa ra xét xử. Trong khi đó số tiền bà Hứa Thị Phấn cùng nhóm của mình đã rút ra, hưởng lợi từ Trust Bank lên đến hàng ngàn tỷ đồng với những dấu hiệu sai phạm cụ thể thì đã nhiều năm qua không được xử lý. Câu chuyện của bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh những ngày qua vì thế càng xôm tụ chốn pháp đình khi TAND TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm đại án này. Nhiều người ví von đây là câu chuyện của “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”, hay “kẻ cắp gặp bà già”.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm