Từ Trust Bank đến VNCB: “Bình mới, rượu cũ”

(Dân trí) - Dưới thời chủ cũ, Trust Bank rệu rã. Những tưởng sẽ được thay da đổi thịt khi về với tay của ông chủ tập đoàn Thiên Thanh. Nào ngờ đâu, quá trình chuyển đổi từ Trust Bank thành VNCB cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Chủ mới, chủ cũ đều thi nhau “rút ruột” ngân hàng.

Bòn rút Trust Bank

Trong quá trình xét xử đại án 9.000 tỷ đồng thất thoát tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) do bị cáo Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm thực hiện, HĐXX TAND TPHCM đã triệu tập bà Hứa Thị Phấn. Bà Phấn sở hữu 84,92% cổ phần trong nhóm cổ đông Phú Mỹ, cũng là người thay mặt nhóm này làm đại diện pháp lý cho Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) – tiền thân của VNCB.

Theo điều tra, trong 2 năm 2009 – 2010, bà Hứa Thị Phấn đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng nhờ người đứng tên thâu tóm Trust Bank. Ngay sau đó, bà Phấn tiếp tục sử dụng ảnh hưởng của mình, nhờ 29 đối tượng đứng tên giùm, vay của Trust Bank số tiền lên tới 3.581 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản vay phần lớn là những khoảnh đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè. Đáng chú ý nhất, trong lần vay mượn này, những khoảnh đất dùng để thế chấp nếu quy ra giá thị trường vào thời điểm ấy chỉ khoảng 300.000 – 1 triệu đồng/m2 nhưng lại được Trust Bank định giá lên tới 8-32 triệu đồng/m2.


Mặc dù nhận thấy Trust Bank đang sa lầy nhưng ông Phạm Công Danh vẫn dấn thân vào.

Mặc dù nhận thấy Trust Bank đang sa lầy nhưng ông Phạm Công Danh vẫn dấn thân vào.

Không dừng lại ở đó, bà Phấn cùng với “hai cánh tay đắc lực” là Chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Toàn và Tổng giám đốc Trần Sơn Nam tiếp tục chiến lược “bòn rút” khiến Trust Bank ngày càng “mỏng manh” hơn. Từ một trong những ngân hàng triển vọng nhất miền Tây, Trust Bank ngày một suy kiệt và trở thành một nhà băng ngập trong nợ nần, không có lối thoát.

Những dấu hiệu bất thường của ngân hàng này bắt đầu thu hút sự chú ý. Do vậy, ngày 9/2/2012, Ngân hàng Nhà nước đã tức tốc tiến hành thanh tra Trust Bank. Ngay sau khi kết thúc quá trình thanh tra vào ngày 10/7/2012, cơ quan chức năng cũng đã kết luận được thực trạng tài chính ở nhà băng này là rất xấu, trong đó vốn chủ sở hữu âm 2.854,83 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061,74 tỷ đồng.

Dưới thời của bà Hứa Thị Phấn, Trust Bank từng bước đi thụt lùi. Điều này khiến không ít người nảy sinh những hoài nghi về ý đồ của “đại tỷ” này cùng với đồng bọn. Mục đích thâu tóm ngân hàng đầy “tương lai” này của bà Phấn cũng như nhóm Phú Mỹ đã rõ nét hơn qua những con số thống kê theo điều tra.

Điển hình, vào tháng 1/2008, bà Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TPHCM của ông Nguyễn Xuân Lai với giá 21.762,3 cây vàng SJC. Tháng 10/2008, bà Phấn bán lại căn nhà này cho Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang (Công ty con do bà Phấn lập ra) với giá 25.000 cây vàng SJC.

Năm 2012, bà Phấn lại bán tiếp tài sản trên cho bên mua là Ngân hàng Đại Tín với giá là 1.260 tỷ đồng.

Hiển nhiên sẽ khó tránh khỏi những hoài nghi về nhiều hành vi bất chính của bà Phấn. Bởi lẽ, qua hợp đồng mua, bán nhà thì giá trị quyền sử dụng đất được nâng lên đến hơn 2 tỉ đồng/m2; trong khi, giá đất (trọn đường) Phạm Ngọc Thạch, Quận 1 là 37,4 triệu đồng/m2 (theo Quyết định số 82/2011/QĐ-UBND ngày 18/12/2011 của UBND TPHCM).

Không chỉ vậy, bà Phấn cùng “chân rết” còn sử dụng “chiêu bài” tương tự để “rút ruột” Trust Bank. Đồng thời, chiếm hữu thêm các căn nhà số 10 Lý Tự Trọng, 426 Nguyễn Thị Minh Khai hay nhà số 1 – 3 – 5 Cao Xuân Dục, Quận 8, TPHCM.

Từ đây có thể thấy rõ mục đích thực sự của bà Phấn cùng các cổ đông khác (thực chất đều là tiền của bà Phấn) là sử dụng quyền áp đảo trong hội đồng quản trị, thông qua những khoản vay nghìn tỷ với bà Phấn và những cá nhân, tổ chức liên quan, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu xài của những người này. Cũng không loại trừ khả năng bà Phấn dùng tiền vay được để trả cho chi phí trước đó nhóm này đã bỏ ra để thâu tóm Trust Bank.

“Kịch bản cũ, diễn viên mới”

Nhận biết tình mình không mấy khả quan của Trust Bank, ngày 9/9/2012, Cục thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 652/NHNN-TTGSNH gửi Trust Bank thông báo về việc chấp thuận chủ trương, cho phép nhóm của bà Phấn chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới là Tập đoàn Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch.

Tuy nhiên, chẳng cần đợi tới lúc cơ quan có thẩm quyền cho phép, ngày 6/6/2012, nhóm Phú Mỹ và Thiên Thanh đã thống nhất, ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 84,92% cổ phần của Trust Bank và các tài sản liên quan với giá 4.619,61 tỷ đồng.

Số phận của Trust Bank khi thành VNCB đã rách lại càng thêm nát
Số phận của Trust Bank khi thành VNCB "đã rách lại càng thêm nát"

Tháng 2/2013, ông Phạm Công Danh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Trust Bank. Sau khi “lên ngôi”, ông này đã vội vàng đưa một loạt “tay chân” của mình lên nắm giữ những chức vụ chủ chốt. Trong số những “thân cận” được “đặt cách” phải kể tới Tổng giám đốc Phan Thành Mai và Giám đốc khối kinh doanh Mai Hữu Khương. Đây là 2 trong số những đồng phạm được cho là đã hỗ trợ đắc lực nhất trong chuỗi phạm tội sau này của ông Phạm Công Danh.

Mặc dù nhận thấy Trust Bank đang sa lầy nhưng ông Phạm Công Danh vẫn dấn thân vào. Như vậy, động cơ của “ông trùm” này nhằm mục đích gì. Dư luận cũng hoài nghi việc ông Danh lấy đâu ra hơn 4.600 tỷ đồng để trả cho thương vụ trên?

Câu trả lời hóa ra lại liên quan với nhau, bởi mục đích cuối cùng của ông Phạm Công Danh khi mua lại Trust Bank không khác người tiền nhiệm là mấy, chỉ có là quy mô “khủng khiếp” hơn rất nhiều.

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao chỉ rõ, kể từ khi nhóm Thiên Thanh nắm quyền kiểm soát Trust Bank (lúc này đã đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB), hoạt động kinh doanh của ngân hàng này không hiệu quả. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 cho thấy, số lỗ lũy kế của VNCB lên tới 8.765,84 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.177,1 tỷ đồng. Tại thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu của VNCB âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255,8 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745,6 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với thời điểm nhóm bà Phấn “cao chạy xa bay”.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, ông Phạm Công Danh sau khi lên nắm quyền cũng đã sử dụng lại “chiêu thức” của người tiền nhiệm để tiếp tục "rút ruột" Trust Bank, đẩy ngân hàng này vào tình thế bất khả kháng. Còn đáng sợ hơn bà Phấn, ông Phạm Công Danh cùng những người liên quan được cho là đã không từ bất cứ một thủ đoạn nào để rút ruột ngân hàng này, từ lập dự án khống nâng cấp hệ thống phần mềm, tới nâng giá và làm khống hợp đồng thuê mặt bằng cho tới việc thông qua 12 công ty con “ma” (do bảo vệ, vợ bảo vệ, nhân viên, người nhà... làm giám đốc) và 2 pháp nhân khác, lập các hồ sơ khống, thế chấp 1 mảnh đất nhiều khoản vay nhằm lấy được càng nhiều tiền từ VNCB càng tốt.

Như vậy, theo như kết quả điêù tra, ônng Phạm Công Danh được cho là người tiếp tay Hứa Thị Phấn đẩy Trust Bank từ một “cỗ máy tiến bộ” thành “đống phế liệu”. Những người đã ra sức “hủy diệt” Trusk Bank cần được làm rõ.

Công Quang