Vụ nợ nần ở Ethanol Đại Tân: Chủ nợ bao vây Công ty CP Đồng Xanh
Sáng 26/12, gần 10 chủ nợ tiếp tục kéo đến trụ sở của Công ty CP Đồng Xanh (số 17 Thân Cảnh Phúc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) để tìm gặp lãnh đạo đơn vị này giải quyết nợ nần nhưng Chủ tịch HĐQT, ông Lưu Quang Thái vẫn biệt tăm.
Bà Phạm Thị Ngọc Thanh (ngụ Kon Tum), đại diện của các chủ nợ cho biết họ có mặt ở đây từ 7 giờ sáng, mong gặp ông Thái để tìm câu trả lời về cách giải quyết số nợ của họ. Tuy nhiên, gọi điện ông Thái vẫn không nghe máy.
Nhiều chủ nợ cho biết thêm, gần cả tháng nay, nhiều người phải bỏ nhà cửa, bỏ việc từ Tây Nguyên xuống túc trực trước cổng nhà máy cồn Ethanol Đại Tân (Quảng Nam) để đòi nợ nhưng không được. Nhiều chủ nợ phải rủ nhau đăng ký tạm trú dài hạn tại địa phương để canh gác số cồn còn lại trong nhà máy này, được lãnh đạo nhà máy hứa bán để thanh toán công nợ.
Các chủ nợ bao vây trụ sở Công ty CP Đồng Xanh ở Đà Nẵng
“Mấy hôm nay đọc trên báo đài thấy thông tin ông Thái đã có mặt trong cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Nam nên tôi cùng một số chủ nợ xuống gặp ông Thái để bàn cách giải quyết nhưng không gặp được. Hiện số tiền chúng tôi vay nợ ngân hàng quá lớn, mỗi ngày lãi suất mỗi tăng. Chúng tôi đã nộp đơn kêu cứu lên chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời nào. Nếu cứ thế này mãi chắc chúng tôi chết sớm, chúng tôi đã hết sức rồi”, bà Thanh tha thiết.
Không chỉ các chủ nợ mà hàng ngàn nông dân cũng điêu đứng với hàng ngàn ha diện tích sắn không có đầu ra, rớt giá thê thảm. Chỉ tính riêng những vùng chuyên canh cây sắn nguyên liệu xung quanh nhà máy như Đại Tân, Đại Hồng… ở huyện Đại Lộc đã có diện tích xấp xỉ 100 ha, đang trong tình trạng ế ẩm vì không tìm được nơi tiêu thụ.
Trước đó, trong cuộc họp nhằm tìm cách giải cứu nhà máy cồn Ethanol Đại Tân, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu yêu cầu công ty phải sớm xây dựng phương án phục hồi sản xuất, phương án trả nợ, phương án tài chính và biện pháp khắc phục…
Ngoài ra, ông Thu cũng yêu cầu cơ quan công an cần điều tra làm rõ vụ gây rối trật tự của một nhóm người từ TPHCM ra có hành vi trấn áp, đe dọa và đập phá tài sản, gây rối trật tự công cộng tại nhà máy. Nếu đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì yêu cầu Công an Quảng Nam khởi tố vụ án.
Để “giải cứu” cho nhà máy đang có nguy cơ bị phá sản tiếp tục phục hồi sản xuất, giải quyết nguyên liệu sắn cho nông dân, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Kế hoạch đầu tư có báo cáo đề xuất sau khi có báo cáo đầy đủ của công ty.
UBND tỉnh Quảng Nam sẽ báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hỗ trợ kịp thời giúp khôi phục sản xuất cho nhà máy. Bởi đây là dự án chiến lược nằm trong danh mục ưu đãi đầu tư của Chính phủ.
Theo Tr. Thường - H. Dũng
Người Lao Động