Vụ lậu 650 tỷ đồng: Hàng hóa không thể từ trên trời rơi xuống (!?)

An Linh

(Dân trí) - Trong vụ việc kho hàng lậu 650 tỷ đồng ở Lào Cai vừa bị triệt phá đầu tháng 7/2020, có 2 công ty chuyển phát nhanh, một của Việt Nam và một của nước ngoài tham gia vận chuyển hàng.

Đây là khẳng định của ông ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tại họp báo chuyên đề sơ kết công tác chống hàng giải và gian lận thương mại 6 tháng đầu năm 2020 chiều nay (23/7), tại Hà Nội.

Ông Minh hé lộ có hai doanh nghiệp lớn về chuyển phát nhanh tham gia trực tiếp vào việc vận chuyển kho hàng lậu, thậm chí người của đơn vị chuyển phát nhanh vào đóng gói, in hóa đơn tại xưởng trong vụ kho hàng lậu, hàng giả khủng tại Lào Cai có doanh số bán hàng gần 650 tỷ đồng trong hai năm (từ tháng 10/2018 đến tháng 7/2020).

Vụ lậu 650 tỷ đồng: Hàng hóa không thể từ trên trời rơi xuống (!?) - 1

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương

Cụ thể, ông Minh cho biết, trong vụ việc kho hàng lậu ở Lào Cai vừa bị triệt phá đầu tháng 7/2020, có 2 công ty chuyển phát nhanh, một công ty của Việt Nam và một công ty có yếu tố đầu tư của nước ngoài vận chuyển hàng hóa. 

"Vì yếu tố điều tra, nên hiện nay chưa thể tiết lộ danh tính", ông Minh nói và thông tin: "Thậm chí công ty chuyển phát nhanh không chỉ cho người mang hàng từ kho đến điểm chuyển phát mà người của công ty chuyển phát nhanh còn trực tiếp vào kho để đóng hàng, in cả hóa đơn trong đó luôn. 

Theo Phó Chánh Văn phong Tổng cục Quản lý thị trường: Pháp luật Việt nam cấm vận chuyển hàng hóa vi phạm pháp luật, tuy nhiên nếu doanh nghiệp thương mại điện tử tận dụng chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu, hàng giả, rõ ràng là đơn vị chuyển phát nhanh đang hỗ trợ hàng lậu, hàng giả.

Các cơ quan quản lý của doanh nghiệp chuyển phát nhanh cần có cách nhìn nhận rõ hơn vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp chuyển phát nhanh đối với công tác chống hàng giả, hàng buôn lậu để tránh bị lợi dụng.

Kênh làm việc thường là gián tiếp với Facebook, gỡ hoặc khóa tài khoản, gian hàng rất thủ công và chậm. Do vậy, khi phát hiện nhóm đối tượng, hỗ trợ của Facebook hiện nay rất hạn chế đối với thị trường Việt Nam, làm việc với họ rất khó khăn.

Trong thời gian tới mong Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Facebook để họ hợp tác tốt hơn, nhanh hơn để đấu tranh chống hàng giả, không tạo môi trường cho hàng buôn lậu phát tán ở Việt Nam.

"Tổng hàng hóa trong kho hàng này xếp đủ 34 container, chứng tỏ hàng hóa không thể từ trên trời rơi xuống được" - ông Minh khẳng định.

Theo ông Minh, trong tháng 8 này sẽ yêu cầu lực lượng quản lý thị trường địa phương phải trả lời, làm rõ tại sao lại có kho hàng lớn và tồn tại gần 2 năm như vậy mà không hay biết (!?)

Qua khai thác các đối tượng, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho hay: Trong danh sách liệt kê của nhóm đối tượng có một loại chi phí được kê “luật lá” là 20 triệu đồng/tháng.

Về tính xác thực của thông tin này, theo ông Minh, quản lý thị trường không có thẩm quyền điều tra, mà vấn đề này là do cơ quan công an điều tra.

Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đây là nội dung được chính lực lượng quản lý thị trường khai thác được từ các đối tượng bị bắt quả tang.