"Vũ khí bí mật" của ngân hàng suy giảm
(Dân trí) - Cụ thể hơn thì một thành tố quan trọng trong "vũ khí bí mật" của một số ngân hàng đang suy giảm, được cho là có thể gây tác động đến cả khách đi gửi và đi vay tiền từ các nhà băng.
"Vũ khí bí mật" của ngân hàng
CASA (Current Account Savings Account - tiền gửi không kỳ hạn) là một chỉ số quan trọng với các ngân hàng. CASA được tính dựa trên tỷ lệ của tiền gửi không kỳ hạn, tiền ký quỹ và tổng tiền gửi, phát hành giấy tờ có giá. Những năm gần đây, nhiều ngân hàng bước vào cuộc đua tăng tỷ lệ CASA và coi đây là "vũ khí bí mật" để cải thiện NIM ( thu nhập lãi thuần - chỉ số chính đóng góp vào lợi nhuận).
Trong bối cảnh các ngân hàng ở Việt Nam chủ yếu vẫn sống nhờ cho vay thì CASA được coi chính là "vũ khí bí mật" của các ngân hàng để tăng được thu nhập lãi thuần từ cho vay. Tỷ lệ CASA càng lớn có nghĩa là ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn giá rẻ, hay nói cách khác là giảm được chi phí đầu vào, giúp NIM được cải thiện và tăng điều kiện cạnh tranh về cho vay trên thị trường, tăng lợi nhuận.
Trên thị trường, tiền gửi không kỳ hạn - một trong những chỉ số chính để xác định CASA - của không ít ngân hàng trong thời gian qua giảm khá mạnh. Tiền gửi không kỳ hạn bằng VND khách hàng cá nhân của LienVietPostBank đến 30/9 giảm rất mạnh so với 31/12/2020. Cụ thể, mức giảm từ 24.757 tỷ đồng về 12.708 tỷ đồng, tương đương giảm gần 48,7%. Tính theo công thức chung dựa trên tỷ lệ giữa tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức, cá nhân, tiền gửi ký quỹ và tổng tiền gửi, phát hành giấy tờ có giá, tỷ lệ CASA tại ngân hàng này khá thấp.
Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, mã chứng khoán: OCB), tiền gửi không kỳ hạn sau 9 tháng cũng giảm từ hơn 10.103 tỷ đồng về hơn 9.374 tỷ đồng (giảm gần 730 tỷ đồng).
Trong hệ thống ngân hàng, những năm gần đây, Techcombank (mã chứng khoán: TCB) luôn là một trong những nhà băng liên tục tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm nay, chỉ số tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng này đã giảm. Cụ thể, đến 30/9, tiền gửi không kỳ hạn là 120.464 tỷ đồng, giảm so với con số 122.972 tỷ đồng hồi cuối năm 2020.
Mức giảm không quá nhiều, chỉ hơn 4.200 tỷ đồng (tương đương 3,6%) nhưng cũng là điểm đáng lưu ý trong bối cảnh tỷ lệ CASA của ngân hàng này liên tục tăng trưởng tốt qua từng năm. Dù tiền gửi không kỳ hạn bằng VND giảm, tỷ lệ CASA của Techcombank vẫn tương đối cao, theo công bố của ngân hàng vẫn trên 49%. Lý do là tiền gửi không kỳ hạn bằng VND giảm nhưng tỷ lệ ký quỹ của ngân hàng sau 9 tháng đầu năm tăng mạnh gần 7 lần, từ gần 5.066 tỷ đồng lên hơn 34.545 tỷ đồng.
Vì sao suy giảm?
Chia sẻ với Dân trí, một lãnh đạo Techcombank cho biết, tiền gửi không kỳ hạn đến từ nhiều hoạt động tài chính khác nhau của khách hàng như thanh toán, chi tiêu, tiền sẵn sàng để đầu tư…. Trong đó thanh toán hàng ngày là một trong các hoạt động tạo ra nguồn CASA lớn.
Theo vị này, trong quý III vừa rồi, do ảnh hưởng của các đợt giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước, hoạt động chi tiêu của khách hàng sụt giảm. Do đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng có sự sụt giảm nhẹ. Nguồn tiền của khách hàng có thể được chuyển sang lưu giữ, đầu tư ở các hình thức tài sản khác để sinh lời trong ngắn hạn, chẳng hạn như tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
Vị này cho hay dù tiền gửi không kỳ hạn giảm song tỷ lệ CASA vẫn cao, tăng so với quý II và khẳng định duy trì CASA ở mức cao vẫn là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược của ngân hàng này.
Còn theo chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng cổ phần ở TPHCM, CASA giảm đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do biến động của dòng tiền. Theo vị này, hiểu đơn giản là doanh thu mà nhiều, mua bán sôi động, tiền lưu động thì dòng tiền của khách hàng luân chuyển, không bị ảnh hưởng đến khoản gửi không kỳ hạn. Nhưng khi doanh thu sụt giảm, dòng tiền giảm thì đương nhiên tiền gửi không kỳ hạn cũng giảm.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần khác thì phân tích, vừa rồi, một số ngân hàng đã có những động thái tăng lãi suất tiền gửi. Đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự chuyển dịch trong chi phí vốn của các nhà băng. Theo vị này, tiền gửi không kỳ hạn giảm sẽ tác động đến chi phí vốn đầu vào.
"Cứ hình dung thế này nhé: doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn thì tiền ở các điểm người này nợ người kia giảm đi, tác động thẳng lên CASA thôi. Nguồn vốn bị ảnh hưởng thì việc tăng lãi suất để hút lại tiền gửi tiết kiệm của dân cư cũng là bình thường", ông bình luận. Dĩ nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng này, động thái tăng lãi suất tiền gửi mới chỉ diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng, mức tăng cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, đây là một chỉ báo vì lãi suất đầu vào sẽ là nhân tố chính quyết định lãi suất đầu ra, nói cách khác là lãi suất cho vay.
Về câu chuyện tăng lãi suất đầu vào, phía Techcombank cho biết trong giai đoạn vừa qua, thị trường có điều chỉnh lãi suất và ngân hàng này cũng có điều chỉnh hợp lý. Điều này đảm bảo gia tăng một phần lợi ích của người gửi tiền.
Còn với ý kiến cho rằng đây là cách để ngân hàng thu hút tiền gửi trở lại trong bối cảnh cần nguồn vốn và việc tăng lãi suất đầu vào sẽ tác động đến lãi suất cho vay, phía ngân hàng này cho rằng việc duy trì mức lãi suất hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho khách gửi tiền. Về lãi suất cho vay thì phía ngân hàng cũng cố gắng tự động hóa, giảm thiểu chi phí vận hành để tiếp tục có dư địa cho lãi suất cho vay ưu đãi, phù hợp với thị trường, nhu cầu ngân hàng.