1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Từ vụ Khaisilk, lo tốc độ nhập vải Trung Quốc về Việt Nam tăng cao

(Dân trí) - Câu chuyện dệt may phụ thuộc nhập khẩu vải, nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc luôn là nỗi lo của ngành dệt may Việt Nam. Sau khi vụ khăn lụa của Khaisilk cắt mác Trung Quốc gắn mác Việt thì nỗi lo này ngày càng lớn...

Hiện trạng nhập khẩu vải, nguyên phụ liệu dệt may 9 tháng đầu năm là một ví dụ về nỗi lo như trên.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết tháng 9/2017, giá trị nhập khẩu mặt hàng xơ sợi, nguyên liệu dệt may, vải từ các nước về Việt Nam ước đạt 13,6 tỷ USD, tăng hơn 1,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch nhập từ thị trường Trung Quốc ước đạt 6,5 tỷ USD, bằng 48% kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng trên của Việt Nam.

Cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai bị đóng cửa sau sự cố
Cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai bị đóng cửa sau sự cố

Cả năm 2016, Việt Nam cũng chi hơn 17 tỷ USD nhập khẩu 3 mặt hàng trên, trong đó chi nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 8 tỷ, chiếm gần 47%.

Điều đáng lo là, hiện trong cơ cấu nhập khẩu của ngành dệt may, Việt Nam nhập một lượng lớn vải các loại, đây là các loại vải thành phẩm về Việt Nam để gia công, thiết kế (thậm chí nếu về tay các doanh nghiệp (DN) ngoại có công ty mẹ ở Trung Quốc, công ty con ở Việt Nam chỉ đính cúc, dập mác...).

Cụ thể, kim ngạch nhập vải các loại của ngành dệt may trong 9 tháng năm 2017 đạt 8,2 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng giá trị nhập khẩu, riêng nhập vải từ Trung Quốc chiếm gần 55% (4,4 tỷ USD).

Trong khi đó, cả năm 2016, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng vải về Việt Nam chiếm 10,5 tỷ USD, chiếm hơn 61% tổng kim ngạch các loại nguyên liệu ngành dệt may, da giày, riêng nhập khẩu vải từ Trung Quốc đã chiếm 5,5 tỷ USD (chiếm trên 52%) kim ngạch nhập khẩu vải từ các thị trường.

Con số tương đối là vậy còn nếu nhìn về giá trị tuyệt đối, kim ngạch nhập khẩu vải và nguyên liệu từ Trung Quốc so với cùng kỳ 9 tháng năm 2016 tăng khá mạnh.

9 tháng của năm 2016, nhập vải của các DN tại Việt Nam từ Trung Quốc chỉ đạt kim ngạch hơn 3,9 tỷ USD nhưng 9 tháng đầu năm 2017 lượng nhập mặt hàng này về Việt Nam đã tăng lên 4,4 tỷ USD, tăng 500 triệu USD sau 1 năm (11.400 tỷ đồng), mỗi tháng nhập 950 tỷ đồng.

Nói về nỗi lo hàng Việt thua ngay trên sân nhà bởi những chiêu trò của dệt may Trung Quốc và thực trạng một số DN dệt may Việt đang tự đánh mất mình, bà Vũ Minh Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho hay: Hàng Việt không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc, trước nhất vì mình yếu, thiếu sức cạnh tranh.

"Hàng Trung Quốc bây giờ cũng biết thiên hạ sợ cái “gốc gác” của mình, nên đã kịp thời “kim thiền thoát xác” ngon ơ. Doanh nhân Thái than, các mặt hàng Trung Quốc dán nhãn hàng Thái, chui vào hội chợ Thái Lan ở Việt Nam tỉnh bơ", bà Hạnh nói.

Chủ tịch Hiệp hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ rõ thực tế: "Hiện Trung Quốc đầu tư qua Campuchia, Lào và khắp các nước để rửa cái gốc "made in China". Họ chui vào các khu nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, hưởng thuế suất ưu đãi, nhập nông sản của họ qua, lau rửa sơ sơ, dán nhãn Việt xuất xứ Khu nông nghiệp công nghệ cao. Các khu công nghiệp cũng vậy, DN từng kể tôi nghe, ở KCN Bắc Ninh, người Trung Quốc nhập giấy đã thành phẩm, chưa đóng gói vào đó và làm package xong dán nhãn Việt Nam, đem bán với giá…giết hết các hãng sản xuất giấy của Việt Nam.

Trong khi chưa đủ sức đánh bại hàng ngoại, DN dệt may trong nước đang còn loay hoay tự gỡ đủ thứ trói buộc: mấy ngàn giấy phép con, thanh tra - kiểm tra, thuế phí, bảo hiểm cứ tăng, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào càng tăng".

Nguyễn Tuyền

Từ vụ Khaisilk, lo tốc độ nhập vải Trung Quốc về Việt Nam tăng cao - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm