Vụ “doanh nghiệp điện gió” bị đòi nợ: Chưa thanh toán vì chưa có chứng từ
(Dân trí) - Liên quan đến vụ “doanh nghiệp điện gió” bị đòi nợ hàng trăm triệu đồng, Công ty Công Lý cho biết, chưa thanh toán vì Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi chưa có hợp đồng, hóa đơn,…
Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) vừa có văn bản phản hồi gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi liên quan đến việc thanh toán vốn trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thuộc dự án xây dựng Nhà máy điện gió Khai Long Cà Mau - giai đoạn 1, do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư.
Theo Công ty Công Lý, việc thực hiện trồng rừng là do công ty thực hiện. Tuy nhiên, việc Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi đã hoàn thành công tác trồng rừng trong khi chưa ký hợp đồng trồng rừng với Công ty Công Lý, chưa cung cấp chứng từ hóa đơn có liên quan đến việc trồng rừng, đây là khó khăn lớn nhất để làm cơ sở thanh toán cho Ban quản lý.
Văn bản của Công ty Công Lý cho biết, hiện nay hợp đồng thuê trồng rừng chưa ký kết, chưa nghiệm thu. Là doanh nghiệp nên khi thanh toán cho một hợp đồng nào đó thì đòi hỏi phải có đầy đủ chứng từ, hóa đơn.
Để thanh toán nguồn kinh phí này, Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi cần cung cấp hồ sơ và hợp đồng thuê đơn vị san lấp mặt bằng, xuất hóa đơn VAT; hợp đồng trồng rừng với Ban quản lý rừng hoặc các hộ dân; hồ sơ liên quan đến công tác nghiệm thu;…
Công ty này cũng đề nghị Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi thực hiện hoàn tất các hồ sơ nêu trên để công ty có cơ sở giải ngân.
Văn bản này cũng thể hiện, Sở Nông nghiệp cho rằng, do việc thuê trồng rừng là thuê các hộ dân tại địa phương để thực hiện, vì vậy không thể có hóa đơn VAT theo yêu cầu cầu của Công ty Công Lý.
Như Dân trí đã đưa tin, Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau) có báo cáo cho biết về việc thanh toán vốn trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc các hạng mục dự án xây dựng Nhà máy điện gió Khai Long Cà Mau- giai đoạn 1, do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư.
Cụ thể, tổng diện tích trồng rừng là 33,94ha; trong đó, dự án bãi tập kết thiết bị 17,64ha, dự án trụ sở Ban quản lý dự án và Trạm biến áp 110KV 16,30ha.
Tổng kinh phí thực hiện hơn 933 triệu đồng; trong đó chi phí trực tiếp đầu tư là hơn 912 triệu đồng, gồm: San lấp, nhân công, trái giống, chăm sóc 3 năm; chi phí tư vấn thiết kế và chi phí khác là hơn 80 triệu đồng.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi, kết quả trồng rừng đã được nghiệm thu năm 2017, đưa vào chăm sóc năm đầu tiên 2018 nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa nhận được kinh phí từ Công ty Công Lý để thanh toán các khoản chi phí san lấp, thiết kế, nhân công, trái giống,...
Huỳnh Hải