1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Vụ đem 11 sổ đỏ thế chấp vào ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo”

(Dân trí) - Theo các luật sư mà PV tham khảo ý kiến, việc Cty thép Hương Thịnh hứa hẹn để thuyết phục người dân thế chấp “sổ đỏ” vào Sacombank Bắc Ninh không chỉ mang tính chất tranh chấp dân sự về giao dịch và quyền đối với tài sản, mà có dấu hiệu về tội phạm.

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Trao đổi với PV báo Dân trí ngày 14/8, Luật sư Vi Văn Diện cho biết, sự việc cần được xem xét dưới hai góc độ: dấu hiệu lừa đảo của Công ty Hương Thịnh, và rà soát lại hoạt động cho vay của Sacombank Bắc Ninh đối với công ty Hương Thịnh theo hợp đồng tín dụng ngày 22/7/2010.
Luật sư Vi Văn Diện

Luật sư Vi Văn Diện

“Các vấn đề cần làm rõ trong mối quan hệ giữa 10 hộ dân và công ty Hương Thịnh như sau: Động cơ, mục đích người dân mang tài sản để bảo lãnh cho Công ty thép Hương Thịnh của người dân là gì? Mối quan hệ của Công ty thép Hương Thịnh với người dân ra sao? Lý do nào người dân tin tưởng đưa sổ đỏ để bảo lãnh? Công ty Hương Thịnh đã hứa hẹn gì? Ai là người móc nối, nếu có người đứng ra môi giới thì họ có mục đích hay vụ lợi gì... bản thân họ có quan hệ thế nào với Công ty thép Hương Thịnh?... Đó là những “uẩn khúc” trong sự việc này mà Cơ quan công an cần phải làm rõ để xác định đúng tính chất vụ việc.

Trao đổi với PV báo Dân trí, Đại tá Nguyễn Đăng Miêng - Trưởng phòng PC46 Công an tỉnh Bắc Ninh tái khẳng định, sau khi tiến hành điều tra theo đơn tố cáo của người dân, đơn vị này đã có văn bản trả lời về việc không có dấu hiệu hình sự trong sự việc này.

Nếu thực tế người dân muốn được "vay ké" mà nhờ mối quan hệ quen biết họ tin tưởng, có sự thỏa thuận giữa các bên và kết quả họ có được nhận tiền vay theo thỏa thuận thì tôi hoàn toàn đồng ý đây là giao dịch dân sự. Vấn đề ở đây người dân hoàn toàn tin tưởng rằng mình sẽ nhận được tiền trước lời hứa hẹn và những hành động của người "môi giới" và lãnh đạo Công ty thép Hương Thịnh. Lòng tin của 10 hộ dân lại được củng cố khi có cán bộ ngân hàng xuống thẩm định, định giá tài sản bảo đảm để cho vay mà vào thời điểm đó họ không được nghe lời giải thích về việc tài sản của họ chỉ nhằm bổ sung tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán nợ của Công ty thép Hương Thịnh trước đó.

Nếu đã có mục đích đưa người dân "vào tròng" nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của Công ty thép Hương Thịnh và với vai trò thực hành, giúp sức tích cực của người môi giới... khiến người dân mất nhà cửa thì đã có dấu hiệu của hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Và như vậy cần xem xét người dân là người bị hại.

Theo quan điểm của tôi, đây là một vụ việc nghiêm trọng, đang được dư luận và người dân đặc biệt quan tâm. Vì vậy, tôi cho rằng cần thiết phải làm sáng tỏ những nội dung nêu trên mới có thể đưa ra kết luận thuộc quan hệ pháp luật dân sự, hay pháp luật hình sự.

Ở đây, cơ quan CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) công an tỉnh Bắc Ninh đã ra thông báo tới các hộ dân tố cáo việc bị lừa mất sổ đỏ rằng: "có đủ căn cứ xác định không có dấu hiệu của tội phạm hình sự".

Vậy để vụ việc được khách quan trước công luận thì ngoài PC46 Công an tỉnh Bắc Ninh, Cơ quan An ninh điều tra, Cảnh sát điều tra Bộ công an cần vào cuộc và tiếp tục có kết luận rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng nhằm tránh tình trạng để tội phạm phá hoại hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng, gây hoang mang, dao động cho khách hàng, bảo vệ chính sách kinh tế, tài chính của Nhà nước.

Ngoài ra, cần kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình, quy chế của ngân hàng, cán bộ ngân hàng Sacombank chi nhánh Bắc Ninh về việc nhận định, đánh giá tài sản bảo đảm, thẩm định hồ sơ cho vay, kiểm tra tài sản bảo đảm trước, trong và sau khi cho vay, thẩm định, kiểm tra hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng trên cơ sở toàn bộ hồ sơ, tờ trình thẩm định và đánh giá của cán bộ tín dụng và lãnh đạo phụ trách tín dụng…liên quan đến việc 11 sổ đỏ của 10 hộ dân được xem là tài sản bảo đảm bổ sung cho khoản vay trước đó của Công ty thép Hương Thịnh tại ngân hàng này.

Với khoản tiền Công ty thép Hương Thịnh đã được giải ngân trước đó thì tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, kế hoạch trả nợ đã được phê duyệt tại sao không được xem xét xử lý, giải quyết để thu hồi nợ mà phải bổ sung bằng tài sản khác của người dân?

Tài sản bảo đảm khoản vay trước đó đã "bốc hơi" hay bị mất giá trị? đã tổ chức phát mại, bán đấu giá thu hồi nợ hay chưa? Khoản tiền Công ty Hương thép Thịnh còn phải trả cho Ngân hàng là bao nhiêu sau khi đã phát mại tài sản bảo đảm?...

Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng cần phải được xem xét trách nhiệm trước tiên từ phía Ngân hàng. Bởi có thể gốc rễ, vấn đề mấu chốt là từ đó, từ việc cố gắng bưng bít, che đậy, hoàn hiện, hợp pháp hóa hành vi sai phạm trước đó nên mới phát sinh việc bổ sung tài sản đảm bảo, dẫn đến một loạt các hành vi sai phạm của những người khác và người cuối cùng phải chịu hậu quả là người dân đang có nguy cơ bị hạn chế, bị mất nhà, mất quyền về tài sản của mình do những thủ đoạn tinh vi, hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức khác gây ra.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty luật S&B Law thì cho rằng:
“Trong vụ việc này, nếu đúng như những chứng cứ mà báo nêu, có thể thấy người dân đã bị lừa vì bản chất trong vụ vụ việc này là có hai giao dịch đồng thời tồn tại với nhau, giao dịch giữa người dân với Hương Thịnh, nhằm thông qua Hương Thịnh để được vay tiền, và giao dịch thứ hai là ký ba bên trong đó có ngân hàng để thực hiện mục đích vay tiền nêu trên.
 
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Luật sư Nguyễn Thanh Hà

 

Hướng giải quyết của vụ việc này đó là người dân có thể khởi kiện vụ việc ra Tòa dân sự nhằm yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng thế chấp mà mình ký với ngân hàng và Hương Thịnh là vô hiệu toàn bộ do giao dịch được thực hiện trên cơ sở lừa dối.

 

Bên cạnh đó, người dân cũng cần bổ sung thêm các tài liệu, chứng cứ liên quan như các bản ghi âm, về người môi giới... sau đó tiếp tục làm việc với cơ quan công an để tố cáo hành vi lừa đảo của các đối tượng liên quan nếu có.

 

Từ vụ việc nêu trên, tôi cũng mong muốn người dân, khi tham gia vào các hoạt động cầm cố, thế chấp, bảo lãnh liên quan tới tài sản của chính mình, cần phải nhờ sự trợ giúp pháp lý của các luật sư, người am hiểu pháp luật để tư vấn, đưa ra những khuyến nghị nhằm hiểu rõ bản chất của hợp đồng, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, dẫn tới tranh chấp và có thể bị mất tài sản”.
 
* Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này
 
Hồng Kỹ - Anh Thế (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm