Theo những người dân này, sự việc bắt đầu từ 8/2012 khi các hộ dân ở hai huyện Yên Phong và Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) qua người môi giới tên Miền là người cùng thôn giới thiệu với công ty CP Thép Hương Thịnh để bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng
Sacombank chinh nhánh Từ Sơn. Người môi giới này nói với các hộ dân rằng, thời gian vay sẽ được kéo dài hơn từ 3 tới 5 năm với lãi suất 15%/ năm.
“Chúng tôi cần tiền làm ăn nhưng đứng ra vay trực tiếp với ngân hàng thì khó, nên anh Miền bảo qua công ty thép người ta giới thiệu vay cho dễ hơn”, bà Nguyễn Thị Tuyết nói với PV. Sau đó, nhân viên của ngân hàng Sacombank về từng hộ dân làm thủ tục xác nhận tài sản thế chấp.
Thời sau tiếp theo, các hộ dân cùng công ty Thép Hương Thịnh bàn giao sổ đỏ cho Sacombank chi nhánh Từ Sơn để làm hợp đồng bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho công ty Thép Hương Thịnh. Trong hợp đồng ký riêng rẽ với các hộ dân, công Thép Hương Thịnh ghi nhận “hỗ trợ tài chính, đúng đủ theo yêu cầu hai bên đã thống nhất từ trước khi ký hợp đồng”.
Chi tiết việc “hỗ trợ tài chính” này không được nêu rõ trong hợp đồng mà chỉ là “thỏa thuận miệng”. Theo các hộ dân, Công ty Hương Thịnh hứa với tài sản thế chấp sẽ được chuyển tiền vay với lãi suất 15%/năm và kéo dài từ 3 tới 5 năm. “Nhưng tới nay, đã một năm, chúng tôi vẫn chưa nhận được một đồng nào từ công ty Thép Hương Thịnh”, bà Nguyễn Thị Hương nói.
Từ tháng 9/2012 vẫn không thấy tiền về, sau nhiều lần gặp gỡ, làm việc nhưng người dân chỉ được nghe công ty hứa hẹn. Từ vài tháng nay, các hộ dân đã không còn liên lạc được với ông Lê Văn Lương, Giám đốc công ty CP Thép Hương Thịnh. Không được rót tiền về như lời công ty hứa, liên lạc điện thoại thì Gíam đốc tắt máy nên các hộ dân đã tới trước cổng trụ sở Sacombank tụ tập căng băng rôn đòi sổ đỏ.
Đại diện các hộ dân đã kiên trì đứng nhiều giờ đồng hồ đòi ngân hàng trả sổ đỏ
Ông Hà - một người dân vướng vào sự việc cho biết: “Ngân hàng nói bên công ty thép phải giải quyết nợ ở ngân hàng thì ngân hàng mới trả sổ. Tuy nhiên, theo chúng tôi biết trước khi mang sổ đỏ của chúng tôi giao cho ngân hàng thì ngân hàng cũng biết khó khăn của công ty thép nhưng họ vẫn cho phép công ty thép thế chấp sổ đỏ của chúng tôi. Tôi cho rằng ở đây có sự thông đồng giữa ngân hàng và công ty thép”.
Trong biên bản gần nhất có sự mặt của ba bên gồm ngân hàng, công ty Thép Hương Thịnh và các hộ dân, công ty này thừa nhận tình trạng khó khăn và đề nghị “ngân hàng tạo điều kiện giúp các chủ tài sản hủy hợp đồng và giải chấp tài sản”. Phía Sacombank chi nhánh Từ Sơn nêu quan điểm sẽ không giải chấp tài sản theo đề nghị các bên bảo lãnh (người dân). Chi nhánh ngân ghi nhận ý kiến của công ty và các hộ dân và “xin ý Hội sở về nội dung này".
Trong chiều ngày 30/7, khi PV liên lạc trực tiếp với bộ phận hành chính của Sacombank Từ Sơn thì đại diện ngân hàng cho biết hiện tại Giám đốc chi nhánh bận và hẹn sẽ liên lạc lại sắp xếp cuộc làm việc cụ thể.
Chiều 31/7, thông tin từ Hội sở Sacombank xác nhận Sacombank và Công ty Thép Hương Thịnh có quan hệ tín dụng từ tháng 7/2010, và 11 "sổ đỏ" của 10 hộ dân nói trên được thế chấp cho Sacombank vào tháng 8/2012 để "bảo lãnh bổ sung nghĩa vụ cho Công ty Thép Hương Thịnh do các tài sản thế chấp trước đó của Công ty Thép Hương Thịnh không còn đủ khả năng đảm bảo cho các khoản dư nợ vay".
Cũng theo Sacombank, việc thế chấp tài sản để bảo lãnh bổ sung này là tự nguyện, và khi ký hợp đồng thế chấp, Sacombank đã giải thích rõ cho 10 hộ dân việc đưa tài sản thế chấp bổ sung là để đảm bảo cho khoản vay của Hương Thịnh, chứ không phải để giải ngân thêm.
Về sự việc một số hộ dân tụ tập trước chi nhánh Sacombank tại Từ Sơn, ngân hàng này cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng.
Tuy nhiên, thông tin từ Sacombank chưa nói rõ khoản vay của công ty Hương Thịnh là bao nhiêu, thế chấp trước đó bằng tài sản gì và vì sao đến tháng 8/2012 tài sản đảm bảo đó không còn đủ đảm bảo.
Sự việc các hộ dân tụ tập căng băng rôn trước trụ sở Sacombank chi nhánh Từ Sơn cũng tương tự trường hợp các hộ dân đòi trả sổ đỏ trước trụ sở SeAbank chi nhánh Láng Hạ (Hà Nội) hồi cuối tháng 4, như Dân trí từng thông tin. Các hộ dân đòi sổ tại SeAbank cũng giao sổ cho ngân hàng để bảo lãnh một tài sản thế chấp của công ty Thép Hương Thịnh với lời hứa sẽ được vay vốn ưu đãi lãi suất thấp.
Lúc đó, các hồ sơ sự việc cho thấy, khoản vay của Hương Thịnh tại SeAbank được thế chấp bằng một lô thép, và các "sổ đỏ" của người dân được thế chấp vào SeAbank để thay thế cho lô thép này, nhưng đến thời điểm tháng 4/2013, lô thép này vẫn chưa thể được giải chấp do trước đó Hương Thịnh đã mang đi thế chấp tại Sacombank.
Hai vụ việc cùng "kịch bản" cho thấy nhiều dấu hiệu đáng lo ngại quanh các việc làm của công ty Hương Thịnh, đơn vị mà đến nay các nỗ lực liên lạc của người dân và phóng viên đều bất thành.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này sau khi trao đổi với các cơ quan chức năng về bản chất sự việc và hướng xử lý.
Thông Chí