1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Con đường đưa 11 chiếc “sổ đỏ” đến với Sacombank Bắc Ninh

(Dân trí) - Bằng những văn bản, cam kết, hứa hẹn khác nhau, Cty thép Hương Thịnh đã đưa 11 chiếc “sổ đỏ” của dân thế chấp vào Sacombank Bắc Ninh, để bảo đảm cho một khoản vay đã phát sinh trước đó của công ty trên bờ vực phá sản này.

Kịch bản hoàn hảo

Lần theo con đường dẫn 10 hộ dân ở Bắc Ninh đến với tờ biên nhận bàn giao “sổ đỏ” vào Sacombank chi nhánh Bắc Ninh, chúng tôi nhận thấy có quá nhiều tình tiết khiến người dân khó lòng giữ được sự tỉnh táo, dẫn đến rơi vào tình cảnh hiện nay.

Cụ thể, theo chị Nguyễn Thị Tuyết - một người hiện có “sổ đỏ” đang thế chấp tại Sacombank Bắc Ninh, năm 2012 khi chị có nhu cầu vay vốn để làm ăn nhưng không thể vay được, chị được một cán bộ Hội Phụ nữ xã khuyên đến gặp ông Miền (là người đã được nhắc đến trong bài trước - PV) để được ông này tư vấn.

Không chỉ chị Tuyết, các hộ dân khác cũng nghe thấy việc ông Miền đã giới thiệu, tư vấn giúp nhiều người khác vay được ngân hàng nên đã gặp ông Miền và được “tư vấn” là vay cá thể hiện rất khó khăn, phải có sự “bảo lãnh” của doanh nghiệp mới vay được.
 
Con đường đưa 11 chiếc “sổ đỏ” đến với Sacombank Bắc Ninh
Bằng "hợp đồng thỏa thuận", Cty Hương Thịnh cam kết cho dân vay sau khi vay được tiền từ Sacombank nhờ việc đưa "sổ đỏ" của dân thế chấp vào ngân hàng
 
Doanh nghiệp ông Miền nhắc đến ở đây chính là Cty thép Hương Thịnh. Và theo người dân thì chỉ khoảng 1 tuần sau, ông Ngụy Tôn Thanh - chuyên viên quản lý nợ của Sacombank Bắc Ninh đã đến đo đạc, thẩm định tài sản thế chấp và hỏi về mục đích vay vốn.
 
Về người đàn ông tên Miền, theo người dân thì ông này giới thiệu là cán bộ một ngân hàng trên địa bàn Bắc Ninh. Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về lý do tại sao Sacombank Bắc Ninh lại làm việc về việc với ông Miền, ông Bùi Thành Trung - Giám đốc Chi nhánh Sacombank Bắc Ninh nói rằng vào thời điểm đó ông Miền có giấy giới thiệu của công ty Hương Thịnh, khẳng định là người của công ty, đến làm việc với ngân hàng.
 
Qua đây, có thể thấy rằng sự xuất hiện của người đàn ông tên Miền là có thật, và ông Miền có vai trò nhất định trong việc đưa người dân đến với bản hợp đồng ba bên. Tuy nhiên, đến nay ông Miền làm gì, ở đâu vẫn là câu hỏi cần được giải đáp.

Theo 2 số điện thoại di động mà người dân cung cấp, PV nhiều lần cố gắng liên lạc với người đàn ông tên Miền nhưng đều không liên lạc được.

Sau đó, cũng thông qua trung gian này, công ty Hương Thịnh đã viết nhiều “Biên bản cam kết”, “Hợp đồng thỏa thuận” với người dân, trong đó cam kết rõ “Bên B (người dân - PV) có nhu cầu vay vốn và đồng ý chuyển nhượng GCNQSDĐ (“sổ đỏ” - PV) cho bên A (Cty Hương Thịnh - PV) để bên A sử dụng vay vốn tại ngân hàng Sacombank với số tiền bên B nhận về là...”. Số tiền cụ thể khác nhau trên mỗi hợp đồng.

Không những thế, để tạo niềm tin cho người dân, hợp đồng thỏa thuận này còn ghi: nếu bên A phá sản, khoản vay của bên A sẽ được xóa nợ, hoặc ngân hàng sẽ tất toán, phát mại tài sản của bên A (nhà xưởng, máy móc, thiết bị, bất động sản riêng... mà bên A thế chấp tại ngân hàng để có hạn mức vay) để hoàn trả lại tài sản cho bên B!

Qua các "hợp đồng" và "cam kết" này, công ty Hương Thịnh đã vẽ ra một viễn cảnh quá tốt đẹp cho những người dân: vừa được vay vốn ngân hàng, vừa không lo mất "sổ đỏ" thế chấp nếu Hương Thịnh phá sản. Nhưng tất cả các cam kết này đều không phản ánh một sự thật, là công ty Hương Thịnh đã vay một khoản tín dụng lớn từ Sacombank Bắc Ninh từ tháng 7/2010, và đến thời điểm 2012 khoản vay đã trở thành nợ xấu và chưa rõ vì sao tài sản thế chấp không còn đủ đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.

Cứ như vậy, các trình tự thủ tục thẩm định, cam kết, thỏa thuận dần dẫn đến bước cuối cùng là người dân bàn giao “sổ đỏ” cho Sacombank, thông qua hợp đồng thế chấp ký ngày 13/8/2012 giữa ba bên: Sacombank Bắc Ninh, công ty Hương Thịnh và người dân. Chỉ có điều, việc Sacombank cho Hương Thịnh vay thêm, và Hương Thịnh chuyển tiền vay được cho người dân theo cam kết đến nay vẫn chỉ là... cam kết.

Chính vì lý do này, người dân đã viết đơn gửi tới Công an tỉnh Bắc Ninh tố cáo ông Chu Văn Lương - Giám đốc Công ty Hương Thịnh, và được Phòng CS ĐTTP về Kinh tế và chức vụ - Công an Bắc Ninh hướng dẫn ra tòa án vì sự việc không có dấu hiệu hình sự.

Ngân hàng tái cơ cấu nợ, hay tìm bệ đỡ an toàn?

Trao đổi với PV Dân trí ngày 8/8, ông Bùi Thành Trung - Giám đốc Chi nhánh Sacombank Bắc Ninh khẳng định, trước thời điểm ký hợp đồng ba bên với công ty Hương Thịnh và các hộ dân để thế chấp 11 "sổ đỏ", ngân hàng này không biết đến những cam kết giữa Hương Thịnh và người dân, đồng thời cán bộ ngân hàng đã giải thích rõ thông qua biên bản làm việc ký cùng ngày ký hợp đồng với người dân về việc 11 "sổ đỏ" này dùng để bổ sung tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ khoản vay trước đó của Hương Thịnh.

Mặc dù vậy, trong hợp đồng này có một số điểm không hoàn toàn ăn khớp với nhau, gây khó hiểu cho người dân. Ví dụ, ngoài khoản 1 - điều 1 giải thích định nghĩa "nghĩa vụ được đảm bảo", khoản 2 - điều 1 của hợp đồng có đoạn viết "Việc cấp tín dụng do bên nhận thế chấp (Sacombank Bắc Ninh - PV) quyết định mà không phụ thuộc vào nghĩa vụ được đảm bảo nêu trên". Đặc biệt, khoản 2 - điều 2 sau khi xác định tổng giá trị tài sản đảm bảo, lại nêu "Việc xác định tổng giá trị các tài sản đảm bảo (gọi tắt là bất động sản) nêu trên chỉ để làm cơ sở xác định mức cấp tín dụng và nghĩa vụ phải trả của bên được cấp tín dụng [...] (bên được cấp tín dụng ở đây là công ty Hương Thịnh - PV)".

Theo người dân, với những điều khoản như vậy, cộng với những cam kết ngọt ngào của công ty Hương Thịnh, không dễ gì cho họ hiểu được gia sản của mình đang được đặt vào ngân hàng vì mục đích gì.

Hợp đồng nói trên được ký trong bối cảnh công ty Hương Thịnh đang gặp rất nhiều khó khăn, nợ không trả được, tài sản thế chấp không còn đủ đảm bảo. Cụ thể, theo người dân cho biết, sau hơn 2 tháng chờ đợi không thấy khoản tiền cần vay theo cam kết của Hương Thịnh, họ đã lần tìm đến trụ sở công ty này ở Cụm công nghiệp Hoàng Ninh (Bắc Giang) và ngỡ ngàng khi thấy công ty gần như vắng bóng người, ngoài các nhân viên ngân hàng đang túc trực để... canh tài sản thế chấp.
Kho, xưởng của Công ty Hương Thịnh ngập tràn dấu niêm phong của nhiều ngân hàng

Kho, xưởng của Công ty Hương Thịnh ngập tràn dấu niêm phong của nhiều ngân hàng

Theo nhiều hộ dân kể lại, khi họ vào kho thép của Hương Thịnh, thì thấy các lô thép đã bị dán niêm phong của Sacombank, SeABank còn máy móc thì có dấu niêm phong tài sản thế chấp của một số ngân hàng khác nữa. Khi người dân hỏi, các nhân viên ngân hàng quản lý kho thép tại đây cho biết họ đã "nằm canh" kho thép này từ khá lâu. Theo tìm hiểu của PV Dân trí cách đây ít ngày, thực trạng không khác mấy so với phản ánh của người dân, ngoài việc nhiều lô thép đã được các ngân hàng đem bán để thu hồi nợ.

Theo lý giải của ông Bùi Thành Trung, đó là thời điểm rất khó khăn của Hương Thịnh, nên ngân hàng mong muốn tái cơ cấu nợ, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, thực tế sau khi ký hợp đồng ba bên và nhận tài sản thế chấp là 11 "sổ đỏ" của dân, ngân hàng không giải ngân thêm đồng nào cho Hương Thịnh, và 11 chiếc "sổ đỏ" này cũng không thể làm đẹp cho khoản nợ xấu đã phát sinh của công ty Hương Thịnh tại Sacombank Bắc Ninh.

Như vậy, có thể thấy hợp đồng này không gắn với một lối thoát nào cho Hương Thịnh, và thực tế kho thép mà Hương Thịnh thế chấp cho Sacombank Bắc Ninh để vay vào năm 2010 cũng không thể giải chấp.

Không những không tìm thấy lối thoát cho khoản nợ xấu đã hiện hữu, Hương Thịnh đã liên tục bị các hộ dân ráo riết yêu cầu thực hiện cam kết. Theo tìm hiểu của PV, công ty này đã nhiều lần xin khất việc thực hiện cam kết với người dân. Tỷ dụ, trong biên bản làm việc với 10 hộ dân lập ngày 25/9/2012, ông Chu Văn Lương - Giám đốc công ty Hương Thịnh hứa sẽ trả tiền cho các hộ dân vào ngày 4/10/2012, nếu không sẽ trả lại "sổ đỏ" cho dân (lúc này đã thế chấp tại Sacombank Bắc Ninh).

Quá hạn 4/10, Hương Thịnh vẫn không trả được tiền cho các hộ dân, nên công ty này đã có văn bản gửi Sacombank Bắc Ninh đề nghị hủy hợp đồng thế chấp "sổ đỏ" để giải chấp tài sản cho 10 hộ dân nói trên, và xin được bổ sung đầy đủ tài sản thếp chấp khác để đảm bảo cho dư nợ hiện tại và khắc phục tình trạng thiếu hụt tài sản đảm bảo tại Sacombank. Tuy nhiên, tại buổi làm việc 16 ngày sau đó, Sacombank Bắc Ninh đã bác đề nghị này, vì hợp đồng ba bên ký trước đó là hợp đồng không hủy ngang. Đồng thời, Sacombank Bắc Ninh cũng cho biết sẽ xin ý kiến hội sở để có hướng xử lý.

Trước các diễn biến sự việc, câu hỏi đặt ra là Sacombank Bắc Ninh có thực sự tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, hay đơn giản chỉ làm nắm giữ thêm tài sản đảm bảo (11 "sổ đỏ" của dân) nhằm tìm kiếm sự an toàn cho chính mình trước nguy cơ mất vốn vì khoản nợ xấu đã phát sinh trước đó?

Giám đốc Sacombank Bắc Ninh: "Không có lý gì ngân hàng không nhận sổ đỏ thế chấp"

Ngày 8/8, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thành Trung - Giám đốc Sacombank Chi nhánh Bắc Ninh để làm rõ những băn khoăn.

Ông Trung cho biết: “Đương nhiên khi Công ty thép Hương Thịnh đưa vào tài sản thế chấp và yêu cầu được tái cơ cấu do đang khó khăn thì tại sao ngân hàng không nhận? Các hộ tự nguyện thì đương nhiên chả có lí do gì ngân hàng không nhận. Còn làm sao mà để có nhiều ngôi nhà đưa vào thế chấp thì có lẽ phải nhờ anh em bạn bè. Còn bạn bè theo kiểu gì thì các anh ấy phải chịu trách nhiệm, chúng tôi đã giải thích rồi. Nói tóm lại tôi không có hứa cho vay.

Về lý tôi hoàn toàn cầm đằng chuôi nhưng tôi nói rõ quan điểm với người dân trong cuộc họp rằng cả ngân hàng và người dân đang cùng tạm coi là bị hại. Hơn nữa, người dân tự tìm đến ngân hàng, người dân và công ty thép tự thỏa thuận. Tôi còn chưa kiện các vị vì giả sử đó là một khách hàng khác, tôi lại cho vay khách hàng đó, các ông lại vay ké nhau thế hóa ra là ông lừa tôi. Như thế rủi ro ngay từ đầu”.

Về việc cụ thể với công ty thép Hương Thịnh có phải trong trường hợp tái cơ cấu nợ hay không, ông Trung từ chối trả lời chi tiết, chỉ nói "đương nhiên là nó phải có tất cả các trình tự".

Về tình trạng lô thép thế chấp của Công ty Hương Thịnh với ngân hàng Sacombank Bắc Ninh, ông Trung cho rằng sẽ phúc đáp sau, không bàn đến vì "nằm ngoài phạm vi" trả lời.
 
---

* Trao đổi với PV Dân trí ngày 12/8, một cán bộ 7 năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng (đề nghị không nêu tên và ngân hàng đang công tác) cho biết một số vấn đề về quy trình quản lý rủi ro của các ngân hàng. Theo đó, ông này cho biết:

Về việc nhận tài sản của bên thứ ba để bổ sung tài sản bảo đảm cho người vay vốn, các quy định pháp luật hiện tại không cấm. Tuy nhiên theo quy trình quản lý rủi ro tín dụng, để giảm thiểu rủi ro xảy ra tranh chấp khi cần phát mại tài sản, và tránh tình huống người vay vốn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bên thứ ba, đa số các ngân hàng hiện chỉ nhận tài sản của bên thứ ba bổ sung vào tài sản bảo đảm của người vay vốn trong trường hợp bên thứ ba là thành viên góp vốn trong công ty đi vay, hoặc là cha mẹ, anh em ruột của thành viên công ty.

Đối với việc cho vay với tài sản bảo đảm là hàng hóa, mỗi ngân hàng hiện nay đều có quy định riêng về loại tại sản được chấp thuận làm tài sản bảo đảm cũng như mức cấp tín dụng căn cứ trên những tài sản bảo đảm này theo nguyên tắc tài sản có tính thanh khoản cao sẽ có tỷ lệ cấp tín dụng cao hơn và ngược lại. Cụ thể, tại một số ngân hàng các tài sản có tính thanh khoản cao như ô tô, xe máy, điện thoại di động… có thể được định giá và cho vay ở mức 60% giá trị tài sản định giá. Trong khi đó các tài sản có tính thanh khoản thấp hơn như sắt thép, nông sản… sẽ có mức phê duyệt tín dụng thấp hơn nhiều. Thậm chí, một số ngân hàng đã từ chối việc nhận tài sản bảo đảm là sắt thép xây dựng kể từ năm 2010, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu lao dốc và giá sắt thép sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro thất thoát tài sản bảo đảm là hàng hóa, thông thường ngân hàng sẽ không cho phép doanh nghiệp vay vốn cất giữ tài sản tại kho của mình. Thay vào đó, ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn sẽ cùng ký kết hợp đồng thuê kho và trông giữ tài sản bảo đảm với đơn vị cho thuê kho. Trong trường hợp ngân hàng đồng ý cho doanh nghiệp vay vốn cất giữ tài sản bảo đảm là hàng hóa tại kho của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ phải cử nhân viên trực 24/24 tại kho hàng hóa để tránh trường hợp bị doanh nghiệp "rút ruột" tài sản bảo đảm, hoặc đem thế chấp cho một ngân hàng khác.

 * Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Hồng Kỹ - Anh Thế