Vụ “con ruồi 500 triệu”: Hội bảo vệ người tiêu dùng lần đầu lên tiếng

(Dân trí) - Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, trong trường hợp vụ "con ruồi 500 triệu", bị cáo là người kinh doanh chứ không phải người tiêu dùng nên không thuộc chức năng giải quyết của Hội.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Vào thời điểm cuối năm 2015, những thông tin liên quan tới vụ việc ông Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) - người bị cáo buộc đã đòi công ty Tân Hiệp Phát trả 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng về chai nước ngọt có ruồi - phải nhận mức án 7 năm tù vì hành vi “cưỡng đoạt tài sản” đã gây xôn xao dư luận.

Chia sẻ về vụ việc này, trong buổi toạ đàm về vệ sinh an toàn thực phẩm do Dân trí tổ chức chiều ngày 19/1, đại diện người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết, theo luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định: "Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.”.

"Như vậy trong trường hợp này đó là người kinh doanh chứ không phải người tiêu dùng nên không thuộc chức năng giải quyết của Hội. Nguyên tắc của luật pháp là người dân có thể làm bất cứ việc gì mà luật pháp không cấm. Cơ quan, tổ chức chỉ được phép làm những gì mà luật pháp cho phép”, ông Hùng khẳng định.

Đối với trường hợp người bán hàng tổng hợp gặp những sản phẩm có lỗi, ông Hùng cho biết, Hội không có thẩm quyền giải quyết nhưng người bán hàng có thể giải quyết sự việc qua con đường trọng tài và nếu sự việc lớn thì có thể qua đường tòa án.

Còn về phía người tiêu dùng rơi vào trường hợp tương tự, ông Hùng cho rằng, Hội cũng chỉ là 1 kênh mà người tiêu dùng có thể "gõ cửa". Bảo vệ người tiêu dùng còn có các cơ quan chức năng của nhà nước, ở Trung ương là Cục Quản lý cạnh tranh; ở các tỉnh, thành có các Sở Công Thương; ở cấp quận huyện cũng có bộ phận bảo vệ người tiêu dùng, thuộc phòng nào là tùy theo sự phân công mỗi địa phương. Ngoài ra người tiêu dùng có thể trực tiếp liên hệ với nơi cung ứng hàng hóa cho mình để thương lượng, hoặc thông qua trọng tài Thương mại, hoặc Tòa án dân sự.

"Theo tôi, người tiêu dùng phải tìm hiểu để nắm vững về luật pháp, trong đó có luật bảo vệ người tiêu dùng và luật dân sự, luật hình sự. Hành vi gây sức ép để tống tiền khác với hành động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình", ông Hùng nói.

Cụ thể, theo ông, người tiêu dùng khi phát hiện các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, muốn thỏa thuận đền bù với doanh nghiệp nên lập thành văn bản để thể hiện đây là 1 thỏa thuận dân sự chứ không phải là hành vi tống tiền. Trong trường hợp doanh nghiệp thiếu thiện chí dẫn đến thương lượng không thành công, có thể khiếu nại đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng, để nhận được sự tư vấn giúp đỡ. Nếu quá khả năng giải quyết của Hội, Hội sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết hoặc Hội sẽ tư vấn cho người tiêu dùng đưa vụ việc ra Tòa dân sự.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh: “Tôi đồng tình là người tiêu dùng ở thế yếu nhưng tôi muốn nói thêm rằng, người tiêu dùng chỉ ở thế yếu khi đơn độc. Còn khi đã là một cộng đồng người tiêu dùng thì lại rất mạnh. Có thể đặt một doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản nếu người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp đó. Trên thực tế ở Việt Nam đã chứng minh điều đó".

Trước những lo ngại của người tiêu dùng về vị thế “thấp cổ bé họng”, vị đại diện người tiêu dùng khẳng định: “Chúng ta phải có niềm tin vào chính mình. Về mặt luật pháp cho phép Hội có thể đi đến cùng với người tiêu dùng".

Ông cũng dẫn chứng cho bạn 1 ví dụ. Ở Bến Tre xảy ra 1 vụ ngộ độc bánh mì kẹp thịt, 190 người phải nhập viện. Khi người tiêu dùng khiếu nại đến Hội, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Bến Tre tổ chức hòa giải nhưng rất tiếc phía bị đơn không đến. Buộc Hội phải tư vấn giúp đỡ người tiêu dùng khởi kiện vụ việc ra tòa.

Trong số người viết đơn khiếu nại có 19 đơn khiếu nại hợp lệ, trong đó tòa xử sơ thẩm 2 đơn, còn lại gộp chung 1 vụ để tổ chức hòa giải. Phiên sơ thẩm, người tiêu dùng thua kiện. Sau 2 năm theo đuổi, người tiêu dùng đã thắng kiện ở phiên phúc thẩm. 17 người còn lại cũng được hòa giải thành. Tuy số tiền bồi thường không lớn nhưng nó thể hiện công lý đã được thực thi.

Phương Dung

 

Vụ “con ruồi 500 triệu”: Hội bảo vệ người tiêu dùng lần đầu lên tiếng - 2