Vụ Chủ tịch Housing Group bị bắt: Chưa xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội
(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Chu Sơn Hà - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, đại biểu Quốc hội cũng là công dân, do vậy khi vi phạm thì phải xử lý theo pháp luật.
Tối ngày 7/1, cơ quan điều tra đã khám xét nhà riêng của bà Châu Thị Thu Nga (số 78 A9+3, phố Hồng Mai, quận hoàng Mai, Hà Nội). Việc khám xét nhà bà Nga kết thúc vào khoảng 23 giờ đêm cùng ngày. Sau đó bà Nga được đưa về trụ sở cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra.
Bà Châu Thị Thu nga sinh năm 1965, quê tại Thừa Thiên Huế có trình độ chuyên môn là Tiến sỹ Quản trị Kinh doanh. Bà Nga là đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội khoá XIII và còn là đại biểu HĐND TP Hà Nội. Phần lớn thời gian họp Quốc hội cuối tháng 10 và tháng 11/2014 cũng như họp HĐND TP Hà Nội diễn ra đầu tháng 12/2014, bà Nga đều vắng mặt.
Ngoài tư cách đại biểu Quốc hội và HĐND bà Nga còn giữ nhiều chức vụ khác như làm việc tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Xây dựng nhà đất (Housing Group); Thành viên Tổ chuyên gia liên ngành - Ban chỉ đạo TƯ về chính sách nhà và thị trường Bất động sản; Ủy viên thường vụ BCH hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ủy viên tổ chức Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa LB Đức; Phó chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP Hà Nội; Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Điều 58 - Luật Tổ chức Quốc hội: Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó. Đại biểu Quốc hội bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. |