Gia Lai

Vụ “chanh dây không quả”: Công ty “biến mất”, dân mòn mỏi chờ đền bù

(Dân trí) - Đã gần 2 năm trôi qua, nhưng 33 hộ dân chịu thiệt hại trong vụ trồng chanh dây không ra quả ở xã Ia Blứ ( Chư Pưh, Gia Lai), vẫn chưa nhận được tiền đền bù nào từ phía công ty “hứa” bao tiêu sản phẩm.

Trước đó, Công ty TNHH Tuấn Đại An (địa chỉ số 38 Lý Nam Đế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) xuống gặp người nông dân ở xã Ia Blứ để quảng cáo về giống chanh dây mới. Theo đó, phía công ty cũng đã hỗ trợ cho người dân nợ 50% tiền giống, phân bón và sẽ trừ khi chanh dây thu hoạch. Đồng thời, công ty TNHH Tuấn Đại An cũng ký hợp đồng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho tất cả hộ dân trồng cho công ty. Tuy nhiên, sau hơn 8 tháng trồng, cây chanh dây trồng mà không có quả, trong khi đó công ty lại chặn mọi liên lạc với người dân.

Vào ngày 3/7/2017, dưới sự chứng kiến của UBND xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, Gia Lai), đại diện 33 hộ nông dân bị thiệt hại trong vụ trồng chanh dây không có quả và công ty cùng thống nhất phương án: “Xóa toàn bộ số nợ của nông dân còn nợ công ty. Đồng thời, công ty cũng hoàn trả lại số tiền cho các hộ dân hơn 279 triệu, trong thời hạn chậm nhất là 60 ngày (kể từ ngày 1/7)”.

Vụ “chanh dây không quả”: Công ty “biến mất”, dân mòn mỏi chờ đền bù - 1
Đã gần 2 năm trôi qua, nhưng người dân vẫn hi vọng Công ty TNHH Tuấn Đại An thực hiện lời hứa.

Dù đi đến thỏa thuận với người dân, hứa trả tiền chậm nhất trong vòng 60 ngày (kể từ ngày 1/7/2017) thế nhưng đến thời điểm hiện tại, 33 hộ dân vẫn chưa nhận được đền bù. Không ai liên lạc được với phía công ty. Tất cả rơi vào bế tắc, bởi giám đốc công ty là pháp nhân duy nhất có thể làm việc với chính quyền để đền bù cho người dân cũng lặn mất tăm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Minh (thôn Lương Hà, xã IaBlứ) bức xúc: “Đã 2 năm trôi qua, tôi vẫn chờ đền bù từ phía Công ty Tuấn Đại An nhưng không có kết quả gì. Ngày trước, sau khi kí hợp đồng với phía công ty, tôi tận dụng 1ha đất, lấy hơn 500 cây giống về trồng.Tuy nhiên, sau nhiều tháng chăm sóc thì cây không ra trái. Lúc này, công ty có mang thuốc vào bơm, thì có khoảng 50% cây đậu trái, nhưng quả nhỏ và xấu. Chúng tôi không bán được, liền quyết định phá bỏ hết 1ha chanh dây, lỗ hơn 28 triệu đồng.”.

Tương tự, gia đình ông Lê Đầu (Trưởng thôn Lương Hà) cho biết, gia đình ông đầu tư hơn 1ha chanh nhưng không cho trái khiến gia đình rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề. Sau lần cam kết đền bù, đến nay công ty đã “bặt vô âm tính”, gia đình ông cũng như bao gia đình khác cứ thế đợi trong vô vọng.

Vụ “chanh dây không quả”: Công ty “biến mất”, dân mòn mỏi chờ đền bù - 2
Nhiều hộ dân đã bỏ hoang đất, đi làm thuê cuốc mướn vì hết nguồn lực đầu tư.

“Chúng tôi đã chờ đền bù từ năm này qua năm khác, nhưng chưa thấy phía công ty có động tĩnh gì. Bây giờ, tôi không biết phải làm sao. Không dám khởi kiện vì mình làm nông, không am hiểu pháp luật nên không biết phải kiện sao ?. Bây giờ chúng tôi mong muốn phía công ty trả tiền đúng như cam kết, để bà con nông dân lấy lại được tiền đầu tư. Qua đó, giúp chúng tôi tạo dựng lại niềm tin khi có các công ty khác về địa phương có ý định bao tiêu sản phẩm …”.Ông Đầu chia sẻ trong vô vọng.

Trước sự “im lặng” và “biến mất”của phía Công ty Tuấn Đại An, ông Lê Quang Vang, Phó Chủ Tịch UBND xã IaBlứ cho biết: “Khi công ty về địa phương liên kết sản xuất và ký kết hợp đồng không thông qua chính quyền địa phương. Chính vì vậy, khi người dân phản ánh công ty cung cấp cây giống kém hiệu quả thì địa phương mới biết được sự việc".

"Sau đó, công ty và UBND xã đã có biên bản họp nhằm tiến hành đền bù cho người dân. Tuy nhiên hơn 2 năm nay, công ty vẫn chưa tiến hành đền bù. Hiện UBND xã đã đề xuất sự việc cho cơ quan có thẩm quyền điều tra", ông Vang cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Long Khánh (Phó Trưởng phòng NN&PTNN xã Ia Blứ) cho biết: “Khi sự việc xảy ra vào năm 2017, phòng đã phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp xác minh các yếu tố mà người dân phản ánh. Qua quá trình xác minh sự việc, chúng tôi phát hiện phía Công ty Tuấn Đại An triển khai hợp đồng liên kết với nông dân nhưng không có chức năng kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp".

"Nguồn gốc cây giống cung cấp cho các hộ dân không đảm bảo, thuốc bị xé nhãn mác.Trước tình trạng đó, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp mời phía công ty và các hộ dân lên làm việc tại UBND xã.Qua nhiều lần họp phía công ty đã nhận lỗi và cam kết hỗ trợ nông dân với số tiền hơn 279 triệu đồng”, ông Khánh nói.

Cũng theo lời ông Khánh, từ sau lần họp vào tháng 3/7/2017, người dân vẫn chưa được nhận đền bù. Cũng chưa có hộ dân nào viết đơn tố cáo, đơn khiếu nại gửi về phòng. Trước tình trạng trên, Phòng Nông nghiệp &PTNT cũng đã hướng dẫn cho UBND xã, để hướng dẫn cho các hộ dân chịu thiệt hại khởi kiện. Còn về phía phòng chỉ dừng ở mức độ xác minh phía doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời kiến nghị công an vào cuộc làm rõ sự việc.

Thùy Dung