Vụ buôn lậu ở Euro Auto: Số phận lô 700 xe BMW nằm cảng sẽ ra sao?

(Dân trí) - Bản dự thảo được Bộ Tài chính gửi kèm với công văn xin ý kiến các bộ ngành hé lộ những thông tin chi tiết về sai phạm của Euro Auto trong vụ việc lô hàng 700 xe BMW nghi nhập lậu.


Bộ Tài chính vẫn đang lấy ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện hồ sơ và phương án xử lý để báo cáo Thủ tướng.

Bộ Tài chính vẫn đang lấy ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện hồ sơ và phương án xử lý để báo cáo Thủ tướng.

Bộ Tài chính mới đây có dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo về hướng xử lý đối với vụ việc vi phạm của Công ty CP ô tô Âu Châu (Euro Auto, doanh nghiệp nhập khẩu chính thức BMW ở Việt Nam trước năm 2018).

Đáng lưu ý, tại bản dự thảo này, Bộ Tài chính cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận ngày 30/5/2018, Cục Hải quan TPHCM và Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giải quyết cho Công ty TNHH Tốc Độ (đại diện của Tập đoàn BMW AG, Đức) làm thủ tục tái xuất toàn bộ 571 xe ô tô BMW ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ngoài số xe trên, số còn lại 133 chiếc ô tô BMW do Euro Auto làm thủ tục hải quan nhập khẩu về Nam tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 ngày 21/11/2016, thuộc cảng VICT (TPHCM) thì vẫn phải chờ phương án xử lý.

Hé lộ những thông tin sai phạm ban đầu

Bản dự thảo gửi kèm với công văn xin ý kiến các bộ ngành này cũng hé lộ những thông tin chi tiết về sai phạm của Euro Auto trong vụ việc. Theo đó, Euro Auto làm giả và sử dụng 133 invoice (bộ chứng từ bắt buộc phải nộp khi làm thủ tục hải quan), Packing list (bảng kê/phiếu chi tiết hàng hóa) giả để làm thủ tục hải quan nhập khẩu 133 xe ô tô BMW về Việt Nam.

Cụ thể, công ty đã làm giả 91 hóa đơn thương mại (invoice) có giá trị thấp hơn 91 invoice thật do Tập đoàn BMW AG phát hành và đã sử dụng 91 invoice làm giả này để thông quan cho 91 xe ô tô BMW, trốn 6,456 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu.

Hành vi này phạm tội Buôn lậu, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) - Bộ Công an đã khởi tố 3 bị can gồm: Nguyễn Đăng Thảo - Tổng giám đốc; Nguyễn Thị Minh Yến - nguyên Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh Công ty CP ô tô Âu Châu và Trần Hải Đăng - Phó Giám đốc Công ty Việt Á (công ty làm dịch vụ hải quan cho Euro Auto).

Ngày 4/6/2018 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ra cáo trạng, truy tố 3 bị can trên và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM để truy tố, xét xử theo quy định.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, từ tháng 7/2016 đến tháng 3/2017, công ty đã khai sai quy định nộp thiếu số thuế tiêu thụ đặc biệt là hơn 7,349 tỷ đồng. Cục thuế TPHCM đã quyết định truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính đối với Euro Auto. Tuy nhiên, sau đó từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2017, công ty tiếp tục khai sai dẫn đến nộp thiếu số thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 1,117 tỷ đồng.

Hành vi khai sai dẫn đến nộp thiếu số thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 1,117 tỷ đồng trên đã phạm tội “trốn thuế”. Các đối tượng chịu trách nhiệm gồm: ông Simon Andrew Rock (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Đăng Thảo (Tổng giám đốc); ông Nguyễn Huỳnh Tuấn (Kế toán trưởng); ông Horst Jugen Herdtle (nguyên Tổng giám đốc); ông Jean Jacques Bui (Giám đốc tài chính).

Mặt khác, Euro Auto còn bị chỉ ra rằng đã mua hóa đơn giá trị gia tăng của doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp đã giải thể để hợp thức hóa cho việc mua phụ tùng ô tô trôi nổi ngoài thị trường để lắp đặt và thanh toán cho các chi phí của công ty trong việc nhập khẩu ô tô BMW.

Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu đã không khai báo các khoản phí 105 triệu đồng là khoản phải cộng vào trị giá hàng hóa nhập khẩu để tính thuế, dẫn đến thiếu số thuế phải nộp là 179 triệu đồng.

Với hành vi vi phạm liên quan đến việc làm giả và sử dụng chứng từ giả để xuất trình cho hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu 133 xe này, Bộ Tài chính dự kiến xử phạt vi phạm hành đối với Euro Auto về hành vi “sử dụng chứng từ, tài liệu giả mạo, không hợp pháp, không đúng với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để khai, nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan mà không phải là tội phạm”.

Theo đó, Bộ sẽ phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng; đồng thời tịch thu toàn bộ chứng từ, tài liệu giả do Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu đã sử dụng để xuất trình làm thủ tục hải quan cho 133 xe nêu trên.

Không cho phép nhập 133 xe BMW vào Việt Nam?

Ngoài ra, Bộ Tài chính dự kiến xử phạt thêm Euro Auto về hành vi "không khai hoặc khai sai khác làm thiếu số tiền thuế phải nộp” (179 triệu đồng như trên) quy định tại điểm g khoản 2 Điều 8 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ- CP của Chính phủ. Hình thức phạt chính là phạt tiền 20% số tiền thuế khai thiếu.

Cũng theo báo cáo của bộ này, theo quy định hiện hành, 133 xe ô tô nêu trên không đủ điều kiện để làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, nếu Euro Auto đề nghị cho tái xuất lô hàng 133 xe ô tô BMW nêu trên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì sẽ cho phép tái xuất theo quy định; đồng thời sẽ hoàn trả lại cho doanh nghiệp này toàn bộ số tiền thuế đã nộp đối với lô hàng này.

Còn trong trường hợp công ty muốn tiếp tục nhập khẩu 133 xe ô tô BMW trên vào Việt Nam thì hiện nay pháp luật chưa có quy định. Bộ Tài chính cũng cho biết điều này vượt quá thẩm quyền của Bộ và Tổng Cục Hải quan, cần phải xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phương Dung

Vụ buôn lậu ở Euro Auto: Số phận lô 700 xe BMW nằm cảng sẽ ra sao? - 2