Vụ án tại Seaprodex Việt Nam: Kinh doanh kiểu xin “nắm đằng lưỡi” gây hại tiền tỉ

Vụ bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng Cty thủy sản VN - Cty TNHH MTV (viết tắt Seaprodex VN) - tiếp tục mở ra các “khoảng tối” tại đơn vị này.

Vụ án tại Seaprodex Việt Nam: Kinh doanh kiểu xin “nắm đằng lưỡi” gây hại tiền tỉ
Cty thủy đặc sản Seaspimex đầu tư chệch hướng sang kinh doanh... địa ốc, lừa bán căn hộ trên giấy, bị Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự. Ảnh: C.H
 
Mới đây, tại một Cty con của Seaprodex VN là Cty CP xuất nhập khẩu Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn), cơ quan chức năng lại phát hiện nguy cơ thất thoát hàng chục tỉ đồng tiền nhà nước, bởi kiểu “xin được nắm đằng lưỡi” trong nhiều phi vụ kinh doanh với những đối tác nợ như… “chúa chổm”.

Lúc nào cũng … “kèo dưới”

Seaprodex Sài Gòn là một trong những Cty con được lãnh đạo Seaprodex VN đầu tư vốn rất lớn, nhằm trở thành mũi nhọn trong lĩnh vực thủy sản. Thế nhưng, nhiều năm qua, với số vốn điều lệ 96 tỉ đồng do cổ đông nhà nước đổ vào (chiếm 61%), Seaprodex Sài Gòn vẫn hoạt động... chệch hướng(?).

Thay vì chuyên chú sản xuất - kinh doanh thủy sản, Seaprodex Sài Gòn lại đi buôn... càphê, sắt thép, hạt nhựa. Hậu quả của việc kinh doanh chệch hướng này đã dẫn tới trong nhiều phi vụ mua bán càphê, sắt thép, hạt nhựa...; Seaprodex Sài Gòn luôn nằm trong thế “kèo dưới”, tình nguyện “xin được nắm đằng lưỡi” trong kinh doanh với các đối tác. Điển hình là các phi vụ ký hợp đồng mua hàng ngàn tấn càphê từ Cty TNHH Hoàng Đạo (Lâm Đồng).

Điều kỳ lạ, buôn bán với Cty Hoàng Đạo, Seaprodex Sài Gòn luôn theo phương thức “giao tiền trước, nhận hàng sau”. Mua hàng ngàn tấn càphê, dù chưa nhận hàng hoặc chưa nhận đủ hàng, Seaprodex Sài Gòn vẫn rót hàng tỉ đồng cho Cty Hoàng Đạo. Tính đến cuối tháng 12.2012, tổng số tiền Seaprodex Sài Gòn ứng trước cho Cty Hoàng Đạo tới hơn 30,6 tỉ đồng, trái lại Cty Hoàng Đạo vẫn không giao đủ hàng... Hệ quả là hàng chục tỉ đồng có thể mất trắng.

Trong lúc Cty Hoàng Đạo nợ đầm đìa chưa trả, Seaprodex Sài Gòn lại... “đánh đu” làm ăn với đối tác của Cty Hoàng Đạo là cơ sở kinh doanh Lê Thị Lệ Chiêu. Hậu quả là bị cơ sở này “bóc” tiếp 4,6 tỉ đồng thành món nợ khó đòi... Bán hạt nhựa cho Cty TNHH sản xuất và thương mại Tân Đỉnh Phong (TPHCM), Seaprodex Sài Gòn lại chọn phương thức... ngược là “giao hàng trước, nhận tiền sau”.

Tại nhiều hợp đồng bán hạt nhựa cho Cty Tân Đỉnh Phong, dù biết Tân Đỉnh Phong không có năng lực tài chính; song, Seaprodex Sài Gòn vẫn ký hợp đồng, mang hàng trăm tấn hạt nhựa giao cho Cty Tân Đỉnh Phong, mà không rốt ráo nhận tiền... Tính đến cuối tháng 12.2012, mặc dù hạt nhựa đã bán hết, tuy nhiên Cty Tân Đỉnh Phong vẫn còn nợ Seaprodex Sài Gòn 41,5 tỉ đồng. Chưa kể, giữa bối cảnh nợ hàng chục tỉ đồng không trả; vậy mà Seaprodex Sài Gòn vẫn hăm hở trao trứng cho... “chúa chổm”, khi mang 74 tấn hạt nhựa (trị giá gần 2,3 tỉ đồng) gửi vào kho con nợ - Cty Tân Đỉnh Phong (?).

Túng tiền, bất chấp luật pháp, chủ Cty Tân Đỉnh Phong “hô biến” luôn 74 tấn hạt nhựa “giữ giùm” Seaprodex Sài Gòn. Để rồi hôm nay, Seaprodex Sài Gòn không cách gì đòi được, đành quy giá trị 2,3 tỉ đồng của 74 tấn hạt nhựa, cùng với 41,5 tỉ đồng tiền bán hàng thành... nợ khó đòi. Trong các phi vụ mua bán sắt thép với Cty cổ phần địa ốc Ngọc Biển, cũng theo phương thức “bán hàng trước, trả tiền sau”, Seaprodex Sài Gòn cũng bị Cty này cho... “nắm đằng lưỡi”, với khoản nợ 86 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2012).

Ngoài ra, nhiều Cty khác cũng trây ỳ trả nợ Seaprodex Sài Gòn như: Cty TNHH bảo vệ thực vật An Hưng Phát (3,9 tỉ đồng), Cty TNHH thương mại Bách Tùng (8,3 tỉ đồng), Cty CP TMDV Liên hiệp Quốc tế (3,6 tỉ đồng)...

Trách nhiệm thuộc về ai?

Với kiểu kinh doanh luôn luôn trong thế... “kèo dưới” và lúc nào cũng “nắm đằng lưỡi”; hiện nay, Seaprodex Sài Gòn ngập chìm trong cảnh khó khăn, với nhiều khoản lỗ... Trong khi đó, nợ khó đòi từ các Cty “chúa chổm” đã lên tới trên 221 tỉ đồng, có nguy cơ mất trắng. Phải khẳng định chịu trách nhiệm chính các khoản nợ khó đòi trên là ông Nguyễn Duy Dũng – Tổng GĐ Seaprodex Sài Gòn.

Tại nhiều hồ sơ mà PV Lao Động có được, thể hiện ông Dũng đã điều hành, quản lý hết sức yếu kém, dẫn đến tại nhiều phi vụ làm ăn, không chỉ chệch hướng đầu tư lãng phí ngoài ngành, mà còn đặt Seaprodex Sài Gòn luôn luôn trong thế ở “chiếu dưới”, “nắm đằng lưỡi” và bị thua thiệt bất kỳ lúc nào, một khi xuất hiện rủi ro trong làm ăn. Điều kỳ lạ, trước khi làm Tổng GĐ Seaprodex Sài Gòn, ông Dũng từng là phó GĐ Seaprodex Đà Nẵng, liên quan tới khoản nợ 30 tỉ đồng khó đòi.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao, lãnh đạo Saeprodex VN vẫn cất nhắc ông Dũng về làm Tổng GĐ Seaprodex Sài Gòn (?). Để dẫn tới hôm nay, dưới sự điều hành của ông Dũng, Seaprodex Sài Gòn thêm hàng trăm tỉ đồng nợ xấu, khó đòi, có nguy cơ mất trắng!

Sau khi nguyên Chủ tịch HĐTV Seaprodex VN bị bắt tạm giam, cơ quan luật pháp còn phát hiện lãnh đạo Seaprodex VN đầu tư trái ngành nghề. Cụ thể: Ngày 19.12.2011, ông Trần Tấn Tâm – Tổng GĐ Seaprodex VN ra quyết định mua vào 1 triệu cổ phiếu của Cty CP Cotecland, trị giá 11,2 tỉ đồng. Việc đầu tư cổ phiếu giữa lúc thị trường chứng khoán đang bê bết, là hành động thiếu khôn ngoan; đồng thời, vi phạm nghiêm trọng quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 27.9.2011.

Với việc bỏ ra 11,2 tỉ đồng “ôm” 1 triệu cổ phiếu Cotecland; đến ngày 6.12.2012, cùng với giá trị cổ phiếu Cotecland sụt giảm chỉ còn 4.300 đồng/cổ phiếu, Seaprodex VN đã bị thua lỗ 7 tỉ đồng.
 
Theo Cao Hùng
Lao Động