Vụ án Huyền Như: Nhiều ngân hàng, cá nhân đòi làm rõ trách nhiệm Vietinbank

(Dân trí) - Việc xác định vai trò của Ngân hàng Vietinbank trong vụ án Huyền Như “nóng” ngay trong buổi khai mạc phiên tòa. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều nạn nhân cho rằng, chủ thể giao dịch của họ là với Vietinbank chứ không phải cá nhân Huyền Như.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2376/Dai-an-sieu-lua-Huyen-hu.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; "Đại án" siêu lừa Huyền Như</b></a>

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tại phiên tòa xét xử siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như cùng 22 đồng phạm chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của các cá nhân, tổ chức, ngay từ buổi khai mạc đã có những ý kiến về trách nhiệm của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), cơ quan chủ quản của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.

Luật sư Trần Đức Hùng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank, đơn vị thiệt hại 200 tỷ đồng), đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của VietinBank. Bởi, trong vụ án này, Navibank gửi tiền vào Vietinbank và bị Huyền Như, người của Vietinbank chiếm đoạt. Do đó, Navibank cho rằng, Vietinbank phải có trách nhiệm đối với số tiền 200 tỷ đồng bị mất của Navibank.

Siêu lừa Huyền Như, kẻ gieo nỗi đau cho nhiều người
Siêu lừa Huyền Như, kẻ gieo nỗi đau cho nhiều người

Không chỉ luật sư của Navibank, luật sư Lưu Xuân Tám, đại diện của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng cho rằng trong số 19 cá nhân là nhân viên của ACB ký 32 hợp đồng với số tiền 718 tỷ đồng tại Vietinbank. Do đó, quyền chiếm hữu, sử dụng số tiền 718 tỷ đồng này thuộc về Vietinbank.

Trong vụ án này, việc xem xét trách nhiệm của Vietinbank như thế nào vẫn còn nhiều tranh cãi và chờ những diễn biến tiếp theo như lời của Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu nói. Tuy nhiên, một diễn biến khác là các khoản tiền gửi mà cá nhân người dân gửi vào Vietinbank nhưng lại bị Huyền Như trục lợi.

Nhiều nạn nhân lục đục gia đình vì... dính quả lừa của Huyền Như
Nhiều nạn nhân lục đục gia đình vì... dính quả lừa của Huyền Như

Kết thúc ngày xét xử đầu tiên, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã bổ sung vào danh sách những người bị hại trong vụ án là bà Lê Thị Kim Tuyến (quận 3, TPHCM) và ông Phạm Anh Huấn (quận 1 TPHCM).

Tuy cáo trạng xác định bà Tuyến, ông Huấn là bị hại của Huyền Như nhưng hai người này lại cho rằng, họ không phải là nạn nhân của Huyền Như mà là của Vietinbank.

Ông Phạm Anh Huấn cho biết, vì tin tưởng vào ngân hàng nên khi có tiền dư là ông gửi vào ngay. Ông chọn Vietinbank chi nhánh Nhà Bè gửi vì cho rằng như vậy là an toàn và ông luôn có niềm tin ở Vietinbank. Suy nghĩ đơn thuần của ông Huấn là gửi tiền vào ngân hàng cất giữ dùm và đến tháng kiếm lãi nhưng không ngờ lại rơi vào “trò chơi” của cán bộ Vietinbank để rồi “tiền mất, tật mang”.

“Cảm thấy ngân hàng là nơi an toàn để gửi tiền nên tôi gửi. Tôi làm sao đủ nghiệp vụ, hiểu biết mà thẩm định con dấu và chữ ký, hợp đồng là thật hay giả!”, ông Huấn thở dài.

Nhiều nạn nhân lục đục gia đình vì... dính quả lừa của Huyền Như
Khách hàng cho biết, họ giao dịch với Vietinbank chứ không phải là chuyện làm ăn với cá nhân Huyền Như

Trước tòa, bà Lê Thị Kim Tuyến cho biết, bà bán nhà được 7 tỷ đồng. Giữ tiền trong người không an tâm nên bà đem gửi vào Vietinbank, lại có thêm lãi. Thế nhưng, mới gửi có một tuần, thì vụ việc lừa đảo của Huyền Như bị vỡ lở, khoảng tiền 7 tỷ đồng của bà như đổ song, đổ bể. Không mua được nhà mới, gia đình bà Tuyến còn trở nên lục đục, vợ chồng chia tay nhau.

Được mời đến tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự của vụ án Huyền Như, bà Tuyến rất bất ngờ vì bà không biết Như và cũng không giao dịch với Như. Hơn nữa, trong đơn khởi kiện, bà Tuyến khởi kiện Vietinbank chứ không kiện Huyền Như.

“Tôi không biết Huyền Như là ai, tôi chỉ có hợp đồng với Vietinbank và chuyển tiền vào tài khoản do Vietinbank ủy thác”, bà Tuyến nói.

Công Quang – Trung Kiên
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước