1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ 70 triệu đồng/1,9 kg tam thất: Hơn 700 triệu đồng chuyển bất minh về Trung Quốc

Qua kiểm tra 3 máy POS thu giữ được tại cửa hàng xảy ra vụ “chặt chém” du khách Trung Quốc hơn 70 triệu đồng cho 1,9 kg tam thất vào tối 25.4.2018, các lực lượng chức năng phát hiện hàng chục ngàn NDT (tương đương hơn 700 triệu đồng) đã được chuyển về Trung Quốc qua hệ thống mạng. Vụ việc cho thấy có muôn vàn cách trốn thuế trong hệ thống các cửa hàng phục vụ du khách, nhất là khách Trung Quốc tại Quảng Ninh.


Lãnh đạo TP.Hạ Long và các lực lượng chức năng có mặt kịp thời “giải cứu” 2 du khách Trung Quốc tại Ki-ốt A114, tối 25.4.2018. Ảnh: Nguyễn Hùng

Lãnh đạo TP.Hạ Long và các lực lượng chức năng có mặt kịp thời “giải cứu” 2 du khách Trung Quốc tại Ki-ốt A114, tối 25.4.2018. Ảnh: Nguyễn Hùng

Như chúng tôi đã đưa tin, tối 25.4, tại ki-ốt A114 ở trung tâm khu du lịch Bãi Cháy (Quảng Ninh), theo thỏa thuận ban đầu, giá 0,5kg tam thất là 12 NDT, tuy nhiên sau khi du khách chọn 1,9 kg và nhân viên cửa hàng đem xay xong thì bị đòi tới 2,4 vạn NDT, tương đương với trên 70 triệu đồng. Nhờ sự có mặt kịp thời của lãnh đạo UBND TP.Hạ Long và các lực lượng chức năng, 2 du khách Trung Quốc đã được “giải cứu”.

Tại hiện trường, các lực lượng chức năng thu được 3 máy thanh toán POS có dấu hiệu chuyển tiền về thẳng Trung Quốc và 13 hóa đơn hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Thạch – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Ninh – cho biết, qua kiểm tra 3 máy POS, phát hiện trên 700 triệu đồng quy đổi đã được chuyển thẳng về Trung Quốc.

“Bước đầu xác định là cả máy POS, thẻ đều là của Trung Quốc, được các đối tượng mang vào Việt Nam để sử dụng. Chúng tôi đã báo cáo vụ việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hiện đang tiếp tục điều tra để xử lý. Tuy nhiên, các đối tượng đã bỏ trốn” – ông Thạch cho biết.

Theo đại diện một số DN làm ăn với các đối tác Trung Quốc, với POS, có thể thanh toán, chuyển tiền ở bất cứ nơi đâu, miễn là có mạng Internet. Nếu thanh toán qua máy POS mà không thông qua tài khoản đăng ký tại Việt Nam thì bản chất là trốn thuế. Không những vậy, vụ việc ở ki-ốt A114 không chỉ trốn thuế, mà còn giao dịch bằng đồng ngoại tệ trái phép.

Được biết, chủ nhân của ki-ốt trên là một người khác, nhưng cho thuê lại; theo giấy phép kinh doanh thì chỉ được bán hàng lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, nước giải khát, nhưng khi xảy ra vụ việc lại đang bán thảo dược. Các nhân chứng cho biết, thời điểm đó có một số nhân viên Trung Quốc bán hàng tại đây, nhưng sau đó trốn mất.

Hiện, tại khu vực này, rất nhiều ki-ốt có biển hiệu tiếng Trung Quốc để phục vụ du khách Trung Quốc. Ông Hồ Quang Huy – Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long – cho biết, sẽ cho tổng rà soát toàn bộ các ki-ốt tại khu vực này.

Như vậy, sau các điểm bán hàng “chỉ phục vụ khách tour 0 đồng”, bắt đầu xuất hiện các chiêu thức mới nhằm trốn thuế tại các ki-ốt tại trung tâm du lịch Bãi Cháy.

Theo: Nguyễn Hùng

Lao động

Vụ 70 triệu đồng/1,9 kg tam thất: Hơn 700 triệu đồng chuyển bất minh về Trung Quốc - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm