1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Vòng kim cô” quanh lãi suất cơ bản

Ngày 16/5/2008, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 16 xác định cơ chế điều hành lãi suất cơ bản VND, chặn đứng “phong trào” đua lãi suất khi đó. Cũng từ đó đến nay, chiếc “vòng kim cô” này bị chỉ trích mạnh mẽ trong các hội thảo chuyên ngành.

“Vòng kim cô” quanh lãi suất cơ bản - 1
Lãi suất cơ bản đang bị nhận định là thiếu thức thời.
 
Và ngày 15/1/2010 tại TPHCM, lãi suất cơ bản và điều 476 của Bộ luật Dân sự tiếp tục bị cày xới thêm một lần nữa.

Một quyết định cực chẳng đã!

Một đặc trưng nổi bật nhất trên thị trường tiền tệ 5 tháng đầu năm 2008 là khan hiếm VND, lãi suất tiền gửi VND liên ngân hàng tăng dữ dội, có thời điểm lên tới 30 - 40%/năm, đẩy các ngân hàng thương mại vào cuộc chạy đua lãi suất vô cùng khốc liệt.

Hầu hết các ngân hàng thương mại khi đó hoạt động rất khó khăn, một vài ngân hàng nhỏ bị tê liệt. Việc cho vay mới tại các ngân hàng gần như bị đình chỉ. Công việc chính của các ngân hàng lúc đó là bằng mọi cách để cân đối thanh khoản.

Chưa nói đến chuyện lời lãi ở các ngân hàng, mà khả năng vỡ nợ ở một số ngân hàng, khiến nhiều người liên tưởng đến hiệu ứng “domino” cho cả hệ thống là khó tránh khỏi. Cùng với ngân hàng, doanh nghiệp là lực lượng kinh tế hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.

Lúc đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Cao Sĩ Kiêm đã công bố con số khiến những nhà quản lý phải giật mình: “20% doanh nghiệp phá sản, 60% nằm im dưới dạng “chết lâm sàng” và chỉ có 20% tiếp tục hoạt động”.

Trước tình hình đó, ngày 16/5/2008, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 16/QĐ - NHNN, áp dụng cơ chế lãi suất thị trường bao gồm lãi suất huy động - cho vay không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản, được Ngân hàng Nhà nước công bố từng thời kỳ. Về sau, cơ quan này cũng “nhốt” cả lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vào cùng “rọ” này.

Sự ra đời của quyết định trên cũng chấm dứt cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng VND tại Quyết định 546/2002/QĐ - NHNN ngày 30/5/2002 mà chính ngành ngân hàng đã dày công xây dựng hàng chục năm ròng.

Gần như lập tức, thị trường tiền tệ được thiết lập trật tự. Lãi suất huy động - cho vay được ổn định, chuyện rồng rắn xếp hàng rút vốn ngân hàng này gửi sang ngân hàng kia để lấy lãi cao hơn cũng giảm mạnh.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước tăng cường giao dịch đối với nghiệp vụ thị trường mở nên lãi suất trên thị trường dịch chuyển trở lại trạng thái mong muốn của cơ quan điều hành.

Mặc dù vậy, phía ngân hàng thương mại rất "hậm hực" khi phải chấp hành quyết định này. Hầu như tại các diễn đàn chuyên ngành, những buổi trao đổi thông tin với giới truyền thông, họ đều bộc lộ bức xúc nhưng bao giờ cũng chốt lại “đừng trích dẫn tên tôi nhé” vì e ngại.

Kết thúc chuyện: Buồn ngủ gặp chiếu manh?

Khi nhìn nhận về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản tại Quyết định 16 nói trên, dù Ngân hàng Nhà nước dẫn ra nhiều căn cứ tham chiếu nhưng nổi lên trong đó là dựa vào điều 476 của Bộ luật Dân sự: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố”.

Thực ra, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy bất cập và vào tháng 3/2007, trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến phản ánh vướng mắc do tổ chức tín dụng cũng bị coi là “các bên” trong Luật Dân sự 2005; kéo theo là hàng loạt hợp đồng cho vay của tổ chức tín dụng bị phạm luật vì: lãi suất cơ bản là 8,25%/năm, đáng lẽ tổ chức tín dụng chỉ được phép cho vay 12,375%/năm thì phổ biến là hợp đồng chốt với nhau trên mức này.

Mặc dù vậy, mức độ phản ứng của Ngân hàng Nhà nước với điều 476 cũng chỉ dừng ở đó. Tuy nhiên, đến tháng 5/2008, khi thị trường tiền tệ bất ổn, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng chiếc “gậy” này để bình ổn lãi suất.

Tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Dự án Star Việt Nam tổ chức ngày 15/1/2010, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng bày tỏ: “Theo Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997, lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh, tôi thấy còn mập mờ và phiến diện”.

“Mập mờ là vì Ngân hàng Nhà nước dựa vào cơ sở nào để xây dựng và công bố lãi suất cơ bản? Hơn nữa, loại lãi suất này không được dùng để giải quyết mối quan hệ vay mượn thực của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng nên nó không phản ánh được mối quan hệ giữa cung cầu về vốn trên thị trường tiền tệ”, bà Hương nói.

Mặt khác, lãi suất cơ bản phiến diện ở chỗ chúng đóng vai trò “làm cơ sở” cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh và không thể hiện quan hệ vay mượn trên thị trường, trong khi Ngân hàng Nhà nước cũng chính là một chủ thể trên thị trường. Thực tế, “làm cơ sở” cũng đồng nghĩa với “áp đặt” và đó là điều không dễ chấp nhận khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào thế giới.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã và đang có các công cụ lãi suất khác như lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở. Và theo bà Hương, đó là loại lãi suất được hình thành trên cơ sở mục tiêu của chính sách tiền tệ và trên quan hệ có thực, xảy ra hàng ngày giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng.

Ngay cả trong quá trình thảo luận dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng nói: “... lãi suất cơ bản của chúng ta hiện nay là không có thực, vì lãi suất này không có mối quan hệ vay mượn nào giữa ngân hàng trung ương với tổ chức tín dụng”.

Như vậy, trong khi chưa xác định được vai trò thực sự của lãi suất cơ bản mà lại dựa vào đó để ấn định một loại lãi suất cho thị trường thì sự viển vông sẽ đến mức nào?

Và phải chăng, mục tiêu của điều 476 Luật Dân sự là tránh cho vay nặng lãi, nhưng cơ quan quản lý trong tình thế bí bách đã biến chúng thành công cụ hành chính để bình ổn lãi suất, nhưng là bình ổn theo cái cách làm cho thị trường bị méo mó thêm?

Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm