1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vốn ngoại đang vào đến ngõ!

Quan sát động thái giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK cho thấy, họ vẫn có xu hướng bán ròng. Mức độ bán ròng ít hơn so với giai đoạn trước, khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, nhưng động thái này gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư nội.

Những nỗ lực thu hút vốn nước ngoài như nới “room”, tăng cường quy định về công bố thông tin, nâng cao chuẩn mực kế toán, tiếp thị đầu tư ở nước ngoài… dường như đang bị mờ đi, mất tác dụng trong một môi trường mà đồng nội tệ của các thị trường đang phát triển có xu hướng giảm giá so với USD, rồi sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, những thông tin bên ngoài thị trường cho thấy một động thái khác của dòng vốn nước ngoài. Giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, tháng nào cũng có các nhà đầu tư Thái Lan đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Các nhà đầu tư Thái Lan đang có xu hướng tìm đến thị trường Việt Nam với mục đích đầu tư vào các doanh nghiệp tăng trưởng, trong bối cảnh thị trường nước họ đã phát triển đến mức độ ổn định.

Đặc biệt, sau khi Việt Nam quyết định nới tỷ lệ sở hữu tối đa trên TTCK cho nhà đầu tư nước ngoài, một quỹ đầu tư có quy mô hơn 400 tỷ USD đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Triển vọng thu hút vốn ngoại đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ tại cuộc họp của Chính phủ tháng trước. Tại cuộc họp, lãnh đạo cơ quan này tự tin khẳng định, sẽ có dòng vốn mới vào Việt Nam theo quyết định nới room.

Trong báo cáo của các tổ chức tài chính lớn như ADB hay HSBC, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay được dự báo ở mức khá cao, 6,1 - 6,4% và có thể đạt 6,6% vào năm 2016. Trong khi đó, con số dự báo tăng trưởng kinh tế ở các thị trường trong khu vực thấp hơn nhiều. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo ở mức cao như vậy là cơ sở để các doanh nghiệp và TTCK phát triển.

Đáng chú ý, đại diện một công ty chứng khoán lớn chia sẻ kết quả kiểm tra mức độ chịu đựng của các doanh nghiệp niêm yết trong tình huống giả định các yếu tố vĩ mô có biến động, ví dụ: lãi suất có thể tăng 5%/năm; tỷ giá có thể tăng cao hơn biên độ cam kết của Ngân hàng Nhà nước trong một năm tới; giá đầu vào tăng trong khi không thể tăng giá đầu ra dưới áp lực cạnh tranh thì doanh nghiệp sẽ bị tác động như thế nào…

Đây là các giả thiết tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nhưng kết quả cho thấy, mức độ chịu đựng biến động của các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu khá tốt, lý do là tỷ lệ nợ vay của các doanh nghiệp còn thấp.

Có thể kỳ vọng, Việt Nam sẽ sớm nổi lên như một thị trường bắt đầu mở cửa thị trường vốn một cách mạnh mẽ và các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao. Một tỷ lệ tăng trưởng đáng mơ ước khó tìm kiếm ở các thị trường khác. Thực tế, sự dịch chuyển dòng vốn của các nhà đầu tư từ Trung Quốc hay từ một số thị trường trong khu vực sang TTCK Việt Nam không chỉ còn là dự báo, mà đang có dấu hiệu trở thành hiện thực.

Triển vọng tăng lên của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới và sự tăng trưởng ổn định của các doanh nghiệp dựa vào thị trường nội địa sẽ tạo động lực cho TTCK tăng trưởng. Điều này có lẽ chỉ chờ cho “sóng” tỷ giá qua đi chăng?

Theo Người quan sát
Đầu tư Chứng khoán

Vốn ngoại đang vào đến ngõ! - 1

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm