Vốn ngoại "chạy" khỏi thị trường Trung Quốc
(Dân trí) - Lo ngại trước triển vọng u ám của kinh tế Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn ngày càng nhiều khỏi thị trường này. Cùng lúc đó các công ty xuất khẩu Trung Quốc cũng không còn vững tin vào đồng nhân dân tệ và găm giữ USD.
Các số liệu được ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố ngày 14/8 cho thấy, chỉ riêng trong tháng 7 các ngân hàng nước này đã bán ròng lượng ngoại tệ trị giá 3,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 597 triệu USD). Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy các nhà xuất khẩu trong nước không còn muốn chuyển đổi USD thành nhân dân tệ, đồng thời các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rút vốn khỏi Trung Quốc.
Dòng vốn rời Trung Quốc ngày càng mạnh cho thấy sự thiếu tin tưởng của nhà đầu tư (nguồn WSJ)
Trong 10 tháng gần đây có đến 5 tháng các ngân hàng Trung Quốc ở trong tình trạng phải bán ra USD trong khi chỉ mua vào được lượng ngoại hối tương đương 145 tỷ nhân dân tệ. Con số này thấp xa so với mức 905 tỷ nhân dân tệ đã chảy vào Trung Quốc thông qua thặng dư thương mại.
Đây là một sự thay đổi lớn so với xu hướng của 10 năm qua, khi các nhà đầu tư vẫn còn tin tưởng vào sự tăng trưởng của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ luôn dược chào đón. Tại những gia đoạn “nóng” nhất như 10 tháng đầu năm 2008, các ngân hàng Trung Quốc đã mua ròng tới 3600 tỷ nhân dân tệ ngoại hối khi các dòng tiền đầu cơ, hay còn gọi là tiền “nóng”, liên tục đổ vào đây.
Chính nhờ nguồn vốn đổ vào vô cùng lớn này các ngân hàng Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động cho vay, gây ra bong bóng tài sản và đồng nhân dân tệ tăng giá. Nhưng nay, khi các nhà đầu tư rút vốn đi ngày càng nhiều, giá mọi loại hàng hóa từ bất động sản tới cổ phiếu đều lao dốc, kéo theo đồng nhân dân tệ mất giá.
Việc dòng vốn vào hệ thống tài chính Trung Quốc bị giảm sẽ khiến tình hình thanh khoản trên thị trường khó khăn hơn, hạn chế khả năng cho vay của các ngân hàng và càng làm phức tạp thêm những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc kích thích tăng trưởng. Kể từ đầu năm nay PBOC đã ‘bơm” vào hệ thống tài chính hơn 1400 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên hoạt động cho vay của các ngân hàng vẫn yếu, khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn.
“Kể từ nửa cuối năm 2011, khủng tại châu Âu ngày một trầm trọng thêm, những cú sốc với hệ thống tài chính toàn cầu và sự giảm tốc đã khiến các nhà đầu tư tim nơi ẩn náu an toàn, các dòng vốn ngắn hạn rời khỏi các thị trường mới nổi để để về Mỹ”, Zhang Ming nhà nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc nhận định. “Những dòng vốn chảy ra này đã khiến kinh tế Trung Quốc phải chịu một cú sốc”.
Không ít trong số vốn này đến từ chính các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc, những người đang ngày càng hào hứng với việc đầu tư ra nước ngoài. Trong một khảo sát của ngân hàng China Merchants Bank và Bain & Co đối với 2600 người giàu tại Trung Quốc năm 2011 cho thấy, khoảng 60% đã hoàn tất việc chuyển vốn ra nước ngoài hoặc đang tính đến chuyện này.
Một nguyên nhân khác đằng sau sự sụt giảm lượng ngoại hối tại các ngân hàng Trung Quốc đó là sự thiếu tin tưởng vào đồng nhân dân tệ, dẫn đến tâm lý găm giữ USD. “Lòng tin của các doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống. Vậy nên họ nắm giữ nhiều USD hơn. Với việc đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá, tôi không tin xu hướng này sẽ đảo ngược trong vài tháng tới”, Weisheng nhà chiến lược ngoại tệ của ngân hàng Citibank nhận định.
Sự rút lui của các nhà đầu tư khiến giá các loại tài sản tại Trung Quốc tiếp tục trượt dốc. Trên sàn chứng khoán Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite đã giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhà đất cũng “nguội” hẳn lại, nhất là sau khi chính phủ quyết định giảm vốn đầu tư cho ngành này. Một loại căn hộ hạng sang ở Hàng Châu, khu vực đắt đỏ bậc nhất tại tỉnh Chiết Giang đã giảm 8% trong 1 năm qua.
Việc giá cả đi xuống về dài hạn có thể tốt cho kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện tại khi chính phủ tập trung cho tăng trưởng thì giá đi xuống sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lòng tin của thị trường và các khoản đầu tư.
Thanh Tùng
Lược dịch theo WSJ