Vốn ngân hàng thở gấp
Những con số hàng chục nghìn tỷ đi cùng với những chính sách mới có thể sẽ gây xáo trộn dòng vốn từ ngân hàng ra thị trường.
Mọi con mắt từ bất động sản, chứng khoán, sản xuất, tiêu dùng… đang ngóng về các ngân hàng thương mại thời điểm này, khi những chính sách lớn bắt đầu thực thi.
20.300 tỷ đồng…
Con số này trở nên quen thuộc tròn một tháng trở lại đây với nhiều bình luận, lo ngại và cả biến động hiếm thấy liên quan.
Không như khả năng đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong cuộc họp giao ban báo chí mới đây, hay với văn bản triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường kiềm chế lạm phát 2008, việc phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc vẫn gói gọn trong ngày 17/3, theo công văn mới đây của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, một số ngân hàng thương mại đã mừng hụt trước khả năng sẽ giãn thực hiện kế hoạch phải mua tín phiếu bắt buộc. Lợi ích trông thấy từ khả năng giãn kế hoạch phát hành tín phiếu (tất nhiên là chỉ với những trường hợp khó khăn vốn) là các ngân hàng có điều kiện tranh thủ có thêm nguồn thu.
Lãi suất của tín phiếu chỉ 7,8%/năm, nếu giãn, ngân hàng có cơ hội cho vay ngắn hạn trên 12%/năm, thậm chí lợi hơn từ mặt bằng cho vay ngất ngưởng hiện nay. Ngay như cho vay qua đêm cũng có chênh lệch lớn.
Tuy nhiên, với quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước, từ đây, nhiều ngân hàng chịu khó khăn về vốn trong thời gian qua sẽ buộc phải gấp gáp hơn để dồn tiền mua tín phiếu.
Điều gì xẩy ra sau áp lực dồn vốn? Đó là các khoản nợ quá hạn sẽ bị thúc ép. Đó là khả năng thắt nguồn vốn cho vay ra, bất lợi cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Và một hệ quả đáng chú ý, là các ngân hàng sẽ đẩy mạnh bán ra lượng chứng khoán cầm cố đến kỳ phong tỏa để hồi vốn.
Trong thời gian tới, sau khi bị “rút ruột” một lượng vốn lớn, khả năng nguồn vốn từ các ngân hàng ra thị trường sẽ hẹp hơn (cũng nằm trong mục tiêu kiềm chế tăng trưởng tín dụng với “trần” 30% của Ngân hàng Nhà nước). Và “nạn nhân” cụ thể, trực tiếp dự báo sẽ là bất động sản và chứng khoán. Đó là chưa nói tới khả năng các khoản vay từ hai lĩnh vực này sẽ bị thúc ép trả nợ mạnh hơn, hoặc có chi phí đắt đỏ hơn.
Đối với 41 ngân hàng và tổ chức tín dụng, lượng vốn bỏ ra mua tín phiếu bắt buộc dự tính là rất lớn. Chỉ riêng một ngân hàng cổ phần có tầm, lượng vốn đó phải mất cả tháng cạnh tranh lãi suất cao, khuyến mại tích cực mới có thể gom đủ.
... và trên 52.000 tỷ đồng
Trong chỉ đạo của Thủ tướng về các biện pháp tăng cường kiềm chế lạm phát 2008, có một giải pháp ít được dư luận chú ý: “Bộ Tài chính sớm chỉ đạo thực hiện chuyển số dư tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng thương mại hiện nay về Ngân hàng Nhà nước”.
Trong văn bản triển khai chỉ đạo trên, Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh đến kế hoạch chuyển vốn này. Con số liên quan vừa xuất hiện trong tuần qua ước tính là trên 52.000 tỷ đồng.
Trên 52.000 tỷ đồng đó hiện đang nằm ở 5 ngân hàng quốc doanh; được biết là vẫn được sử dụng để cho vay khách hàng doanh nghiệp và các dự án. Điều gì xẩy ra khi lượng vốn khổng lồ đó (hơn gấp đôi lượng tín phiếu bắt buộc 17/3) rút về Ngân hàng Nhà nước?
Trước hết, mục tiêu của định hướng rút số dư tiền gửi của Kho bạc nhà nước về Ngân hàng Nhà nước để “bảo đảm tạo điều kiện thực hiện tốt việc điều hành chính sách tiền tệ”.
Không có thông tin cụ thể về việc điều hành đó sẽ như thế nào, nhưng có thể suy đoán rằng: Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng lượng tiền khổng lồ đó để có sự hỗ trợ kịp thời đối với những trường hợp thiếu vốn, với vai trò là người đứng sau cùng cung - cầu vốn trên thị trường, thông qua thị trường mở, như khẳng định mới đây của cơ quan này. Lượng vốn đó cũng có thể được sử dụng linh hoạt để cho vay các dự án, doanh nghiệp…
Nhưng, ở một hướng khác, việc lượng vốn quá lớn đó rút về Ngân hàng Nhà nước có thể gây khó khăn trực tiếp đối với 5 ngân hàng quốc doanh và “loang” ra hệ thống. Hệ lụy cũng sẽ là khả năng thắt chặt tín dụng đối với một số lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản và chứng khoán.
Tuy nhiên, điều đó được dự báo sẽ khó xẩy ra, bởi việc chuyển vốn sẽ được thực hiện “âm thầm”, có lộ trình, tránh gấp gáp, gây “sốc” cho cả hệ thống.
Hơn chục năm về trước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng làm vai trò quản lý nguồn vốn đó chứ không gửi ở các ngân hàng quốc doanh như hiện nay. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, khả năng của Ngân hàng Nhà nước có hạn, đặc biệt trong việc thanh toán và tiếp vốn kịp thời. Còn nay, năng lực thanh toán và sự phát triển của hệ thống đã cho phép trả lại vai trò này.
Tuy nhiên, cũng như việc mua vào ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cần có thông tin cụ thể về việc chuyển giao vốn này, tránh những lo ngại mơ hồ, nhất là với những suy luận bắt nguồn từ sự thiếu thông tin của nhiều nhà đầu tư trên thị trường bất động sản và chứng khoán.
Theo Minh Đức
VnEconomy