Vốn không hoàn lại chỉ chiếm 4,5% tổng vốn viện trợ ODA

(Dân trí) - Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 27,78 tỷ USD, cao hơn 31% thời kỳ trước đó; trong đó, vốn vay ODA không hoàn lại chỉ đạt 1,25 tỷ USD, chiếm 4,52% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, vừa có báo cáo Quốc hội về công tác quản lý, hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2011 - 2015, trong đó khẳng định tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế cụ thể thời kỳ 2011 - 2015 đạt trên 27,782 tỷ USD, cao hơn 31,47% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010.

Tỷ lệ vốn ODA không hoàn lại trong 5 năm (2011 - 2015) chỉ đạt 1,25 tỷ, bằng 4,5% tổng vốn. Mỗi năm, chỉ có 250 triệu USD vốn ODA không hoàn lại được ký kết.
Tỷ lệ vốn ODA không hoàn lại trong 5 năm (2011 - 2015) chỉ đạt 1,25 tỷ, bằng 4,5% tổng vốn. Mỗi năm, chỉ có 250 triệu USD vốn ODA không hoàn lại được ký kết.

Điều đáng chú ý là trong đó ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 26,527 tỷ USD chiếm khoảng 95,48%, còn vốn ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,254 tỷ USD chiếm khoảng 4,52% so với tổng vốn.

Trước đó, trong thông báo mới nhất, Bộ Tài chính khẳng định, tháng 7/2017 Ngân hàng Thế giới sẽ xem xét việc loại bỏ vốn vay ODA đối với Việt Nam bởi Việt Nam đã và đang là nước có thu nhập trung bình. Theo đó, tỷ lệ vốn vay hoàn lại, có mức lãi suất thấp sẽ được thay thế bằng vốn ODA có lãi suất cao, thời gian vay ngắn hơn và không có thời gian ân hạn trả lãi.

Về trả nợ, theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức trả nợ của Việt Nam hiện là 1 tỷ USD/năm, mức trả nợ nằm trong giới hạn cho phép của GDP.

Dựa vào báo cáo của Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay: Hiện có 6 ngân hàng đã và đang cho vay ODA lớn nhất đối với Việt Nam, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Ngân hàng KEXIM (Hàn Quốc); Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) chiếm vị trí vượt trội. Tổng giá trị vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi ký kết với các nhà tài trợ này trong thời kỳ 2011 - 2015 đạt khoảng 26,308 tỷ USD, trong đó vốn vay ưu đãi của ADB, AFD và WB khoảng 4,5 tỷ USD.

Bộ Trưởng Dũng khẳng định: Về cơ cấu vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo ngành và lĩnh vực, giao thông vận tải, môi trường (cấp, thoát nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh,…) và phát triển đô thị, năng lượng và công nghiệp là những ngành có tỷ trọng vốn ODA và vốn vay ưu đãi tương đối cao.

Trong khi đó các lĩnh vực y tế, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, tăng cường năng lực thể chế,... chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn về tổng quy mô nguồn vốn; song lại được bù đắp bằng một lượng đáng kể vốn ODA không hoàn lại. Trong thời gian tới, nguồn vốn ODA không hoàn lại sẽ giảm mạnh, trong khi dự án trong các thuộc y tế, giáo dục không có khả năng hoàn vốn, do vậy rất khó sử dụng vốn vay, nhất là vốn vay ưu đãi.

Về công tác giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong giai đoạn này ước đạt 22,325 tỷ USD (bình quân khoảng 4,46 tỷ USD/năm). Mức giải ngân này cao hơn từ 39,53 - 59,46% so với mục tiêu đề ra trong Đề án ODA 2011 - 2015 và cao gấp 1,6 lần tổng vốn ODA giải ngân trong thời kỳ 2006 - 2010. Giải ngân của các nhà tài trợ quy mô vốn lớn (WB, Nhật Bản) đã có những cải thiện đáng kể.

Tỷ lệ giải ngân của Nhật Bản tại Việt Nam năm 2011 đứng thứ hai và năm 2012 đứng thứ nhất trong số các nước nhận ODA của Nhật Bản, tỷ lệ giải ngân của WB tại Việt Nam tăng từ 13% năm 2011 lên 19% năm 2012.

Theo báo cáo hoàn thành dự án (PCR) và Báo cáo kiểm toán thực hiện hoàn thành dự án (PPAR) do các nhà tài trợ nhóm 6 Ngân hàng Phát triển thực hiện đến hết năm 2014, số lượng các dự án thành công của Việt Nam chiếm tỷ lệ cao, số dự án thành công của ADB: 55/56, JICA: 17/17, KEXIM: 5/5, WB: 67/69, số dự án thành công của ADB: 11/16, KfW: 20/26, KEXIM: 16/16, WB: 63/69. Số lượng các dự án hoàn thành kết quả phát triển và đạt các mục tiêu đề ra của Việt Nam tính đến hết năm 2014 đứng thứ hai sau Trung Quốc và đứng trên Ấn Độ, Philipines, Indonesia và Pakistan.

Nguyễn Tuyền